Xin hướng dẫn cách chữa trị căn bệnh này
Trần văn Thiêm
- Trả lời của phòng mạch online:
Chào bác,
Tuyến tiền liệt là tuyến sinh dục của nam giới nằm ngay dưới cổ bàng quang, có nhiệm vụ tiết ra tinh dịch. Dịch tiết từ tuyến tiền liệt sẽ hòa lẫn tinh dịch đi từ mào tinh và túi tinh khi xuất tinh. Ở nam giới trên 50 tuổi, tuyến tiền liệt lớn dần gây phì đại tuyến tiền liệt (còn gọi là bướu lành tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt).
Phóng to |
Khám tuyến tiền liệt bằng ngón tay qua trực tràng |
Tuyến tiền liệt lớn chèn vào cổ bàng quang và niệu đạo gây ra những rối loạn về đi tiểu bao gồm: tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp, són tiểu, cảm giác tiểu không hết, tiểu nhỏ giọt… nặng hơn có thể bí tiểu.
Để chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ cần khám tuyến tiền liệt bằng ngón tay qua trực tràng, làm siêu âm đo tuyến tiền liệt và xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt).
Điều trị bằng các loại thuốc uống (thuốc chẹn thụ thể alpha, thuốc ức chế men 5-alpha reductase) được chỉ định khi bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt có các rối loạn nhẹ về đi tiểu.
Khi các rối loạn đi tiểu nặng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống người bệnh thì điều trị sẽ là phẫu thuật với nhiều phương pháp khác nhau tùy độ lớn của bướu tuyến tiền liệt, sức khỏe người bệnh, các bệnh đi kèm. Các phương pháp đó bao gồm: mổ mở bóc bướu, cắt đốt bướu qua nội soi niệu đạo, cắt đốt bướu bằng laser…
Cần lưu ý là khoảng 10% trường hợp bướu tuyến tiền liệt là ác tính (gọi là ung thư tuyến tiền liệt). Để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, nam giới trên 50 tuổi nên đi khám kiểm tra mỗi năm một lần. Điều trị ung thư tuyến tiền liệt hoàn toàn khác với phì đại tuyến tiền liệt.
Những triệu chứng mà bác đã mô tả (thường xuyên mắc tiểu, tiểu nhiều lần, đau bụng dưới…) có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau như sỏi bàng quang, viêm bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt… Vì vậy để biết chính xác bác bị bệnh gì, cần đi khám để được hướng dẫn cụ thể chứ không nên tự chẩn đoán bệnh và tự điều trị.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: [email protected]. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để TTO liên hệ khi cần thiết. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận