Ảnh minh họa. Nguồn: nhs.uk
Nói chung, số lượng nam giới mắc bệnh phì đại tiền liệt tuyến (TLT) tăng dần theo tuổi tác. Từ độ tuổi 60, 50% nam giới có một số triệu chứng của căn bệnh này. Ở độ tuổi 85 thì 90% đàn ông bị chứng bệnh này. Khoảng 1/3 trong số này có triệu chứng cần phải điều trị.
Phì đại TLT có nguy cơ trở thành ung thư TLT không?
Theo công trình nghiên cứu mới đây, câu trả lời là "không". Tuy nhiên, phì đại TLT và ung thư TLT có triệu chứng gần giống nhau và người đã bị phì đại TLT thì không bị ung thư cùng thời điểm đó.
Để giúp phát hiện ung thư TLT ở giai đoạn sớm, Hội Niệu học Hoa Kỳ khuyến cáo nam giới từ độ tuổi 45 đến 54 nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, Hội còn khuyên nên thử nghiệm để phát hiện ung thư TLT như xét nghiệm máu để tìm chất PSA (Prostate-Specitic Antigen).
Triệu chứng phì đại TLT
Vì tiền liệt tuyến nằm bao quanh niệu đạo, nên khi TLT to lên thì sẽ gây cản trở nước tiểu thoát ra. Bạn sẽ nhận thấy:
- Dòng nước tiểu chảy ra yếu hay nhỏ giọt.
- Khởi đầu tiểu rất khó.
- Tiểu láu.
- Có cảm giác mắc tiểu hay cần phải đi tiểu gấp.
- Nửa đêm thức giấc để đi tiểu.
Theo thời gian, sẽ dẫn đến:
- Sỏi bàng quang.
- Nhiễm trùng bàng quang.
- Có máu trong nước tiểu.
- Tổn thương thận do tăng áp lực gây nên bởi sự ứ một lượng lớn nước tiểu trong bàng quang.
- Nghẽn đột ngột niệu đạo khiến cho không đi tiểu được.
Chẩn đoán
Sau khi đánh giá tiền sử và thăm khám, bác sĩ sẽ thăm khám trực tràng. Bởi vì TLT nằm đối diện với trực tràng, bác sĩ sẽ thấy được phía sau của tuyến có gì bất thường không trong khi thăm khám. Thăm khám trực tràng cho phép đánh giá kích thước của TLT và phát hiện bất kỳ khối u nghi ngờ ung thư.
Nhiều thử nghiệm được làm để giúp chẩn đoán như:
- Xét nghiệm nước tiểu, gọi là phân tích nước tiểu.
- Thang điểm triệu chứng gồm 7 câu hỏi giúp đánh giá mức độ nặng của triệu chứng bệnh.
- Khảo sát dòng chảy.
- Khảo sát nghiên cứu mức độ nước tiểu tồn lưu trong bàng quang sau khi đi tiểu.
Điều trị
Trong trường hợp triệu chứng nhẹ thì chưa cần dùng liệu pháp điều trị mà chỉ theo dõi. Nếu triệu chứng nặng thì có một số chỉ định điều trị như sau:
Nội khoa
Proscar (Pinasteride) là thuốc lựa chọn đầu tiên trong điều trị phì đại TLT do tác dụng làm teo TLT. Avodart (dutasteride) là loại thuốc có tác dụng tương tự cũng được dùng trong điều trị. Cả hai thứ thuốc này đều có cơ chế tác dụng bằng cách ức chế sự đảo nghịch của testosterone thành hoc-môn dihydrotestosterone mà chất này có tác động đến sự tăng trường của TLT. Những loại thuốc này xuất hiện, được xem như là "cứu tinh" của người bị phì đại TLT.
Các loại thuốc được dùng lâu nay như thuốc chẹn alpha, có tác dụng làm dãn cơ của TLT để làm giảm áp lực của tuyến tiền liệt trên niệu đạo. Các loại thuốc này gồm có: Hytrin, Cardura, Uroxatral và Plomax. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm nhức đầu nhẹ và suy nhược. Uống một lần 2 thứ bao gồm thuốc ức chế dihydrotestosterone và thuốc chẹn alpha cùng lúc sẽ có lợi ích trong việc kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn sự tiến triền của bệnh hơn là dùng một thứ riêng lẻ.
Saw palmetto phụ trợ cho liệu pháp nội khoa và ngoại khoa, thường sử dụng loại thảo dược saw palmetto để chữa trị chứng phì đại TLT, cũng tỏ ra có hiệu quả. Mặc dầu cơ chế chưa được biết rõ nhưng chất chiết xuất từ saw palmetto có tác dụng ức chế sự tạo thành dihydrotestosterone.
Phẫu thuật
Một số loại phẫu thuật được ứng dụng để cắt bỏ các mô tế bào của TLT đã ngăn cản dòng chảy của nước tiểu. Loại phẫu thuật thường được dùng nhất, được gọi là "Cắt lọc TLT thông qua niệu đạo" (TURP: transurethral resection of the prostate). Kỹ thuật này chủ yếu là cắt bỏ những mô tế bào gây cản trở niệu đạo bằng một công cụ đặc biệt. Mặc dầu phẫu thuật này tỏ ra hiệu quả nhưng lại có nhiều tác dụng phụ như chảy máu, nhiễm trùng, gây bất lực và đái dầm.
Một loại phẫu thuật khác ít bị biến chứng hơn, gọi là "Rạch TLT thông qua niệu đạo" (TUIP: Transurethral incision of the prostate). Thay vì cắt bỏ các mô tế bào, trong kiểu phẫu thuật này, phẫu thuật viên chỉ việc nong rộng niệu đạo bằng cách thực hiện nhiều nhát cắt nhỏ trong cổ bàng quang (đây là nơi mà niệu đạo và bàng quang nối với nhau), như vậy tốt hơn là cắt mô tế bào TLT. Kỹ thuật này làm nhẹ áp lực lên niệu đạo và làm dễ tiểu tiện hơn.
Liệu pháp có xâm lấn tối thiểu
Những liệu pháp mới nhất có khả năng làm giảm kích thước TLT và thông đường tiểu một cách có hiệu quả, mà đặc biệt là ít xâm lấn hơn và ít làm tổn thương tế bào bình thường hơn là phẫu thuật. Nói chung, những liệu pháp ít xâm lấn thì thời gian nằm viện ngắn hơn, ít tác dụng phụ hơn và đặc biệt ít tốn kém hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn. Tác dụng phụ có thể có sau khi hồi phục là tiểu láu và bị kích thích.
+ Liệu pháp nhiệt - vi sóng xuyên qua niệu đạo (TUMT: Transurethral Microvvave Thermotherapy):
Nhiệt năng do vi sóng phát ra có nhiệt độ khoảng 450C được đưa vào một ống thông đặc biệt để đi vào TLT qua một anten được cắm trong TLT. Nước lạnh lưu thông chung quanh ống thông để bảo vệ niệu đạo và giúp cho bệnh nhân được thoải mái khi thực hiện kỹ thuật này. Kỹ thuật này được kiểm soát bằng máy vi tính dựa trên nhiệt độ ghi được từ niệu đạo và trực tràng.
Phương pháp này có thể thực hiện tại phòng khám của bác sĩ và chỉ mất khoảng 90 phút. Trước khi tiến hành, bệnh nhân được tiêm thuốc chống đau và an thần. Điều bệnh nhân than phiền nhiều nhất khi sử dụng liệu pháp này là bệnh nhân bị mắc tiểu quá và có cảm giác nóng ở dương vật
+ Liệu pháp Laser:
Liệu pháp này sử dụng một loại sợi laser đặc biệt để phóng nhiệt vào bên trong TLT. Sợi laser được gắn vào bên trong TLT bằng cách sử dụng những công cụ đặt trong niệu đạo. Liệu pháp này chỉ được thực hiện trong phòng mổ dưới sự gây mê để làm giảm đau nhưng không gây ngủ. Kỹ thuật này cho phép phẫu thuật viên thấy trực tiếp toàn bộ TLT và xử lý đặc biệt vùng TLT bị phì đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận