03/07/2022 08:07 GMT+7

Phi công Việt Đỗ Hữu Vị được đặt tên quảng trường ở Pháp

VÕ TRUNG DUNG
VÕ TRUNG DUNG

TTO - Ngày 9-7-1916, giữa Thế chiến I khốc liệt, đại úy - phi công Đỗ Hữu Vị đã hy sinh dưới làn đạn chiến tranh ở vịnh Somme, miền bắc nước Pháp. 106 năm sau, ông được nước Pháp tri ân bằng cách đặt tên cho một quảng trường ở Paris.

Phi công Việt Đỗ Hữu Vị được đặt tên quảng trường ở Pháp - Ảnh 1.

Đại úy phi công Đỗ Hữu Vị đã được nước Pháp đặt tên cho một quảng trường ở Paris ngày 29-6-2022 - Ảnh: TTXVN

Ngày 29-6 vừa qua, chính quyền Pháp tri ân người hùng gốc Việt bằng lễ khánh thành quảng trường Đỗ Hữu Vị ở trung tâm quận 16, thủ đô Paris. Quảng trường này nằm ngay sát với đường Louis Blériot, người đã lái máy bay vượt biển Manche vào năm 1909 và cũng là thầy giáo của Đỗ Hữu Vị.

Lì lợm, dũng cảm và tinh tế

Trong hồ sơ quân ngũ của người phi công lừng lẫy này có những dòng nhận xét: "Lì lợm, kiên trì, dũng cảm, tinh tế trong chiến thuật, chữ sợ không có trong ngôn ngữ của sĩ quan Vị!".

Đỗ Hữu Vị là phi công gốc Việt đầu tiên và phi công người Việt duy nhất thời đó của quân đội Pháp. Ở thời khởi đầu của không quân, Đỗ Hữu Vị cũng là sĩ quan dẫn đầu những chuyến bay trinh sát đầu tiên ở Morocco trong hàng ngũ quân đội Pháp.

Ông là người thiết lập nền tảng chiến lược của sự "thông tin từ trên không". Có thể nói đó là "tiền thân" của quan sát vệ tinh và máy bay không người lái ngày hôm nay. Năm 1915, khi Thế chiến I bắt đầu được 1 năm, ông bay qua chiến tuyến của địch và truyền tải thông tin cần thiết. Do thời tiết xấu, máy bay của ông bị rơi trên đường trở về sau chuyến trinh sát ở Đức và ông bị trọng thương.

Thay vì trở về nhà nghỉ dưỡng vì ông có quyền làm vậy, Đỗ Hữu Vị lại xin tiếp tục phục vụ và trở lại quân đội Pháp vào năm 1916. Ông tham chiến ở vịnh Somme, một vùng đầm biển ở miền bắc nước Pháp. Đây là nơi quân đội Pháp và Đức giao tranh trong cuộc chiến sa lầy, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong Thế chiến I.

Phi công Việt Đỗ Hữu Vị được đặt tên quảng trường ở Pháp - Ảnh 2.

Phi công Đỗ Hữu Vị (ngồi sau) - Ảnh: Frères D'Armes

Sự khốc liệt nơi đây được ví như một "lò mổ thịt" khổng lồ. Hàng trăm ngàn binh lính hy sinh chỉ trong vài tháng. Một ngày như mọi ngày tại chiến trường chằng chịt những đường hào và hầm trú pháo, Pháp và Đức đánh và chết, rồi di tản binh lính bị thương với chiếc cờ trắng có biểu tượng Chữ thập đỏ.

4h chiều 9-7-1916 trong "lò mổ" này, sĩ quan chỉ huy, đại úy Đỗ Hữu Vị, như ông luôn luôn làm, dẫn đầu tiểu đoàn kỵ binh đánh bộ tấn công vị trí cố thủ của Đức. Đại úy Vị sau đó đã ngã xuống dưới những làn đạn. Đó là khoảnh khắc cuối cùng đầy oanh liệt của phi công người Việt đầu tiên trong lịch sử Pháp.

"Không cho tôi bay? Xin cho tôi đi đánh bộ. Tôi muốn trở lại binh chủng gốc của tôi!" - sĩ quan Đỗ Hữu Vị đã viết dòng chữ này cho bộ tham mưu không quân Pháp ở Paris trước khi hy sinh.

Đỗ Hữu Vị là một người Việt gốc Sài Gòn, đi lính ở nước Pháp và trở thành sĩ quan không quân trong Thế chiến thứ nhất.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

"Tôi là người Pháp, cũng là người An Nam"

Đại úy Đỗ Hữu Vị từng nói: "Bạn phải dũng cảm gấp đôi bởi vì tôi là người Pháp và cùng là người An Nam". Trong dữ liệu của Viện bảo tàng Quân đội Pháp có một câu ghi chú có thể nói lên tất cả về con người ông: "Người sĩ quan dũng cảm và tinh thần, đã ngã xuống vẻ vang trong khi chỉ huy đại đội của mình tấn công chiến hào của quân Đức".

Còn trên mộ ông có văn bia: "Đại-úy phi công Đỗ-Hữu, đã hy sinh trên cánh đồng danh dự, vì đất nước An Nam, vì quê hương của ông, nước Pháp".

Trong hai cuộc chiến thế giới nổ ra ở châu Âu, hiếm khi có sĩ quan nào tham gia bảo vệ một đất nước không phải của họ. Đây là những người lính đến từ khắp mọi nơi và đặc biệt là từ các thuộc địa cũ của Pháp như Việt Nam, các vùng lãnh thổ hải ngoại, các quốc gia di cư: Bỉ, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha...

Họ đã và đang làm nên lịch sử của nước Pháp. Nhưng quá ít người đã tìm thấy vị trí của mình trong ký ức tập thể như đại úy Đỗ Hữu Vị. Ông nằm trong số 58 vĩ nhân hải ngoại (29 nữ, 29 nam) được Pháp tri ân tại triển lãm "Những chân dung của Pháp" ở Bảo tàng Con Người tại Paris.

Phi công Việt Đỗ Hữu Vị được đặt tên quảng trường ở Pháp - Ảnh 4.

Đỗ Hữu Vị, phi công gốc Việt đầu tiên của nước Pháp - Ảnh: tư liệu

Câu chuyện của người hùng Vị là niềm tự hào của cộng đồng người Pháp gốc Việt và cả người Pháp. Nhà sử học Aurélie Clemente-Ruiz chia sẻ: "Đỗ Hữu Vị là tượng đài không thể lật đổ trong lịch sử nước Pháp. Ông Vị và những người hải ngoại khác đã đóng vai trò quyết định viết lên trang sử quốc gia, nhưng hành trình của họ đôi khi bị lãng quên, hoặc tên tuổi của họ đáng được hồi sinh".

Ông Đỗ Hữu Christian (79 tuổi), chắt của ông Đỗ Hữu Vị và hiện là công chức cao cấp của Bộ Y tế Pháp, chia sẻ với người viết: "Ông cố của tôi là tấm gương cho tất cả các thế hệ từ xưa tới nay. Ông ấy đã phấn đấu trong thời kỳ mà người da màu được coi là "thấp" hơn da trắng, để trở thành người được nể phục của cả nước Pháp!".

Phi công Việt Nam đầu tiên bay vòng quanh nước Pháp

Đỗ Hữu Vị là con trai thứ năm trong một gia đình có 11 người con. Sinh năm 1883 theo giấy tờ khai tại Pháp, ông Vị cùng các anh em trai của mình được người cha cho theo học trường Tây tại Sài Gòn.

Sau đó, anh em ông tiếp tục sang Pháp học Trường Janson de Sailly, Paris. Rời ngôi trường cổ kính này, ngày 1-10-1904, ông Vị đăng ký nhập học Trường võ bị Saint-Cyr - trường đào tạo sĩ quan cực kỳ danh giá của nước Pháp.

Trải qua hai năm ở Saint-Cyr, năm 1906 Đỗ Hữu Vị ra trường với quân hàm thiếu úy trong quân đoàn lê dương số 1, tham chiến tại các chiến địa Oujda, Casablanca (Morocco), Algeria...

Sau một thời gian dài chinh chiến, đến cuối năm 1910 ông Vị tiếp tục đăng ký vào Trường Quân sự lái máy bay. Đây là thời điểm nền hàng không thế giới mới ở buổi bình minh phát triển, đặc biệt là không quân, nên sự chọn lựa của ông được rất nhiều người ngưỡng mộ.

Tháng 11-1911, ông tốt nghiệp khóa học được cấp bằng lái máy bay của Aéroclub de France và thăng một cấp lên trung úy. Nam Phong Tạp Chí số tháng 2-1920 đã có bài viết rằng Đỗ Hữu Vị là phi công Việt Nam đầu tiên bay vòng quanh nước Pháp.

Trong hồ sơ quản bạ quân đội, Đỗ Hữu Vị tham gia quân đội Pháp ở Morocco. Nhưng đến năm 1914 ông trở lại Việt Nam để trở thành một trong những người Việt đầu tiên học vận hành loại thuyền lướt trên sông chạy bằng động cơ cánh quạt máy bay do Charles de Lambert chế tạo.

Đây chính là khoảng thời gian nền khoa học hàng không thế giới mới xuất hiện ở nước Việt. Đỗ Hữu Vị trở thành phi công Việt Nam bay biểu diễn cùng các phi công nước ngoài ở Sài Gòn và Hà Nội.

Tuy nhiên, Đỗ Hữu Vị không thể nán lại quê hương được lâu. Năm 1914, cuộc chiến tranh thế giới bùng phát khốc liệt, ông lại cấp tốc sang Pháp cùng người anh Đỗ Hữu Chấn để tái nhập đơn vị không quân chiến đấu ngay tại chiến trường chính quốc này.

Trong danh sách các phi công thuộc địa tham chiến cùng quân đội Pháp, người ta tìm thấy những tên tuổi đến từ Đông Dương như Phan That Tao, Cao Dac Minh, Do Huu Vi, Felix Xuan Nha... nhưng Đỗ Hữu Vị có lẽ nổi bật hơn cả bởi những tên đường, trường học, bưu ảnh mà người Pháp đã lưu danh ông.

QUỐC VIỆT

'Phi công' Việt lái robot dưới đáy biển sâu

TTO - Những ngày giữa tháng 10-2021, trên biển Vũng Tàu, những kỹ sư Việt đã vận hành thành công robot lặn biển điều khiển từ xa "Quasar II-30". Trị giá robot hiện đại này lên đến hơn 5 triệu đôla Mỹ, được sản xuất tại Anh đầu năm 2021.

VÕ TRUNG DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp