Các phi công trẻ của trung đoàn 937 ôn bài trước giờ bay - Ảnh: MY LĂNG
Ra đời từ năm 1975, 45 năm nay sư đoàn không quân 370 có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Ngoài nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện bay, sư đoàn còn đào tạo phi công lái chiến đấu cơ Su-22, Su-30MK2, đào tạo học viên lái Mi-8 cho Trường Sĩ quan không quân và học viên quốc tế Lào, Campuchia.
“Mình được điều khiển Su-22M4 là vinh dự. Niềm vinh dự đó là động lực để mình học hỏi, nỗ lực mỗi ngày để xứng đáng hơn.
Thượng úy Lê Văn Tùng
Bản lĩnh và trình độ
Hiện nay sư đoàn 370 là sư đoàn không quân được trang bị nhiều loại máy bay nhất: máy bay tiêm kích bom Su-22M4, máy bay tiêm kích đa năng siêu âm hiện đại Su-30MK2, trực thăng Mi-8, Mi-171, Mi-172... Sư đoàn 370 còn có riêng một trung đoàn sở hữu nhiều "hổ mang chúa" Su-30MK2 nhất hiện nay.
Nhiều năm nay, để nâng cao trình độ phi công, sư đoàn chủ động đưa vào bay huấn luyện, bắn ném một số khoa mục phức tạp. Trong nhiều lần diễn tập, huấn luyện bay bắn ném bom, bắn đạn thật do sư đoàn hoặc quân chủng tổ chức, nhiều phi công trẻ dù lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ vẫn chứng tỏ bản lĩnh và trình độ của mình khi đạt loại giỏi hoặc xuất sắc.
Thiếu tá, phi công Nguyễn Quang Sáng (31 tuổi), phó phi đội trưởng phi đội 1 của trung đoàn không quân 935, là một minh chứng. Anh hiện là một trong những phó phi đội trưởng trẻ nhất hiện nay của trung đoàn 935. Dù còn trẻ tuổi, Sáng đã được tham gia nhiều đợt bay bắn ném bom, bắn đạn thật do sư đoàn và quân chủng tổ chức, đạt loại giỏi và xuất sắc.
Nỗ lực mỗi ngày để xứng đáng hơn
Để có được những thành tích đó là hành trình nỗ lực của chàng phi công trẻ. Su-30MK2 là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất hiện nay của không quân Việt Nam, có rất nhiều loại vũ khí trang thiết bị đi kèm, thế nên phi công phải có lượng kiến thức lớn về Su-30MK2.
Nhưng trẻ thì lấy đâu ra kiến thức? Chỉ có việc chịu học, tự học, tự tìm hiểu và tích lũy. Cũng như nhiều phi công trẻ khác, Nguyễn Quang Sáng có đam mê và quyết tâm mạnh mẽ để có thể làm chủ dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất của quân chủng. Áp lực để vượt qua các bài kiểm tra khắt khe và được bay từng khiến chàng phi công học đến nỗi như anh nói vui là "dành cả thanh xuân để học". Cứ có thời gian rảnh rỗi, Sáng lại đọc sách, không dám đi chơi uống một ly cà phê tán gẫu.
Thiếu tá Nguyễn Quang Sáng không phải là tấm gương hiếm gặp ở sư đoàn 370. Thượng úy Lê Văn Tùng, 27 tuổi, phi công phi đội 2 trung đoàn 937 cũng vậy. Đơn vị đóng quân ở mảnh đất Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) - "chảo lửa" của cả nước, nhưng sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng không thể khuất phục được quyết tâm của nhiều phi công trẻ lái tiêm kích bom Su-22M4 như Tùng.
Khác với những loại máy bay huấn luyện khi còn học trong nhà trường, Su-22M4 là loại máy bay phản lực siêu âm (máy bay trên âm) nên bay tốc độ nhanh hơn. Điều này yêu cầu người phi công phải nắm sâu và chắc kiến thức về dẫn đường. Máy bay Su-22M4 được trang bị hệ thống vũ khí, khí tài hiện đại hơn Yak-52 và L-39 trong nhà trường, đòi hỏi sự hiểu biết, kiến thức nhiều hơn và sức khỏe phi công cũng phải cao hơn.
Một phi công trẻ lái Su-30MK2 nghe thầy rút kinh nghiệm ngay sau khi hoàn thành bài bay huấn luyện - Ảnh: MY LĂNG
Ngoài sự chỉ dạy của những phi công đi trước, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của bản thân, phải tự học, tự tích lũy kiến thức. Vượt qua nhiều thử thách, phi công Lê Văn Tùng dần khẳng định được bản lĩnh và năng lực. Gần đây nhất, tháng 6-2020, khi quân chủng tổ chức bay huấn luyện tập trung, bắn ném bom học tập tại trường bia Như Xuân (Thọ Xuân - Thanh Hóa), thượng úy Lê Văn Tùng được trung đoàn tin tưởng chọn đại diện đơn vị tham gia nhiệm vụ.
Dù lần đầu tiên tham gia, thời gian gấp, lại bay ở sân bay lạ, thượng úy Lê Văn Tùng mang về niềm tự hào cho trung đoàn 937 khi đạt kết quả xuất sắc. "Mình coi mỗi lần bay lên bầu trời trên Su-22M4 là mỗi lần được bay vì Tổ quốc. Su-22M4 là tài sản của đất nước" - thượng úy Lê Văn Tùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận