Xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) - Ảnh: TỰ TRUNG
Nguồn thu từ việc thu phí cảng biển được các cơ quan chức năng nói là sẽ được quản lý, giám sát chặt chẽ và mục tiêu được dùng để đầu tư mới, cải tạo đường sá để hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng.
Thu phí không cần chốt, trạm ở cảng
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM (Sở Giao thông vận tải) - cho biết UBND TP.HCM đã có quyết định vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ 0h ngày 16-2.
Giai đoạn thử nghiệm sẽ tạo điều kiện cho cơ quan, doanh nghiệp sớm tiếp cận làm quen dần với quy trình thu phí trước khi vận hành chính thức từ ngày 1-4.
Theo ông Tuấn, cảng vụ chuẩn bị hạ tầng công nghệ từ nhiều tháng nay. Việc thu phí đều sử dụng qua công nghệ, không sử dụng tiền mặt. Do đó không cần có chốt hay trạm thu phí ở các cảng.
Qua hai ngày thử nghiệm, việc vận hành trơn tru, chưa xảy ra các vướng mắc. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện chưa nhiều.
Cảng vụ sẽ báo cáo Sở Giao thông vận tải để tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện quy trình này để tránh bỡ ngỡ khi thu phí chính thức.
Cũng theo ông Tuấn, hệ thống thu phí cảng biển có hai cổng thông tin để tiến hành thu phí. Thứ nhất là hệ thống thông quan của hải quan và cổng thông tin điện tử của Cảng vụ đường thủy nội địa TP.
Về quy trình, người nộp phí kê khai trên hệ thống thông tin hải quan, dữ liệu được tích hợp về hệ thống thu phí cảng biển của TP. Dữ liệu có các thông tin chính như tên, địa chỉ, tài khoản, tờ khai hải quan, mã số thuế, loại hàng...
Trên các dữ liệu đó, hệ thống thu phí cảng biển sẽ tự động thông báo mức phí mà doanh nghiệp phải nộp. Sau khi khách hàng nộp phí, ngân hàng sẽ thông báo lại việc thực hiện xong nghĩa vụ và in biên lai. Biên lai điện tử sẽ tự động chia sẻ qua hệ thống cảng.
"Hệ thống dữ liệu đều được tích hợp chung với nhiều đơn vị liên quan. Người quản lý việc ra vào cổng cảng biển có thể kiểm tra dữ liệu trên hệ thống. Khi thấy khách hàng đã hoàn thành nghĩa vụ đóng các loại phí theo quy định, họ sẽ mở cổng cho xe ra vào", ông Tuấn cho hay.
Các tài xế làm thủ tục xuất nhập hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) - Ảnh: TỰ TRUNG
Không gây phiền hà doanh nghiệp, ùn ứ hàng hóa
Tính đến chiều 17-2, đã có 64 tờ khai phí hạ tầng được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện trên hệ thống kết nối của cơ quan hải quan và tờ khai phí hạ tầng cảng biển, với số tiền thu dự tính 88,6 triệu đồng.
Trong số tờ khai này, một số doanh nghiệp cũng đã làm thêm một bước nữa là đóng phí hạ tầng cảng biển nên đã xuất được 45 biên lai tương ứng số tiền tạm thu hơn 64 triệu đồng.
Đại diện Hải quan TP.HCM cho biết trong quá trình chạy thử quy trình thu phí hạ tầng cảng biển, các doanh nghiệp được khuyến khích chủ động kết nối với thủ tục đóng phí để làm quen với mức phí... 0 đồng do hệ thống chưa kết nối với ngân hàng.
Cục Hải quan TP.HCM là đơn vị hỗ trợ công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu tờ khai và hàng hóa qua cảng lên hệ thống thu phí.
Việc triển khai qua hệ thống hải quan điện tử, tự động nên sẽ không có chuyện xe bị ùn ứ hay phải chờ đợi để khai báo khi vào cảng. Hệ thống cũng nhận biết được doanh nghiệp đã đóng phí hay chưa. Trường hợp đóng tiền chưa đủ cũng sẽ được tra soát sau đó.
Theo một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, vấn đề hiện nay là xây dựng được cơ chế giám sát, quản lý để các doanh nghiệp tự giác đóng phí và đóng đủ.
Cơ quan hải quan sẵn sàng hỗ trợ Sở Giao thông vận tải truy soát, đối chiếu số container trên tờ khai và số phí cần nộp. "Trong thời gian đầu chương trình cần sự tự nguyện của doanh nghiệp", vị này nói.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng hệ thống thu phí không tiền mặt sẽ giúp cho việc thực hiện các thủ tục không mất nhiều thời gian, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
"Các mức phí đã được công khai và hệ thống đã tính tự động, việc thu phí sẽ được minh bạch, các đơn vị sở ngành liên quan có thể dễ dàng giám sát", một chuyên gia nhận định.
Nguồn: Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH
Quản lý dòng tiền thu phí ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết hằng ngày số tiền thu phí sẽ được ngân hàng chuyển vào Kho bạc Nhà nước.
Theo nghị quyết của HĐND TP, số tiền thu phí cảng biển được nộp vào ngân sách TP.HCM để quản lý và bố trí sử dụng cho việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối cảng biển ở TP.HCM.
Theo đề án thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM, với việc triển khai thu phí trên toàn hệ thống gồm 26 cảng biển ở TP.HCM, ước tính mỗi năm nguồn thu phí khoảng 3.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển.
Trong đó, ưu tiên khép kín đường vành đai 2 để góp phần giải quyết ùn tắc ở cảng phía đông, đông bắc như cảng Phú Hữu, Cát Lái... Đồng thời, giảm áp lực cho giao thông khu vực các tuyến đường vốn đang quá tải như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ...
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho rằng việc thu phí cảng biển rất lớn, để đầu tư phát triển cải tạo hạ tầng là hợp lý nhưng sử dụng tiền được công khai minh bạch.
Ông Trần Hiếu, phụ trách kinh doanh của công ty logistics ở quận Tân Bình, cho biết việc thu phí hạ tầng cảng biển này không mới, Hải Phòng đã tổ chức thu từ lâu và tái đầu tư nguồn thu này cho hệ thống các tuyến đường kết nối cảng rất thành công.
"Mức phí áp dụng hiện nay cũng không quá cao, vấn đề là cần có cơ chế giám sát để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp. Không nên để doanh nghiệp này đóng còn doanh nghiệp kia thì không", ông Hiếu nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị cần minh bạch việc sử dụng khoản phí này và mong muốn cần có sự thông báo công khai việc sử dụng các mức phí này cho những công trình cụ thể và việc sử dụng phí này phải hiệu quả.
Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển TP.HCM
- Với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft.
- Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM thu 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont với container 40ft và 30.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
- Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft, 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Nhiều lần lùi thời gian thu phí do dịch COVID-19
Từ năm 2020, TP.HCM xây dựng đề án thu phí hạ tầng cảng biển theo mô hình Hải Phòng. Đến tháng 12-2020, HĐND TP.HCM đã có nghị quyết về ban hành mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển và thời gian thu phí từ ngày 1-7-2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kế hoạch thu phí lùi đến 1-10-2021 và sau đó lùi đến 1-4-2022. Việc lùi thời điểm thu phí cũng nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi sau dịch.
Vốn đầu tư hạ tầng gặp khó
Kể từ ngày 1-4 xe vận chuyển vào cảng biển phải đóng phí cảng biển. Trong ảnh: xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Hiệp Lực (TP Thủ Đức) trưa 17-2 - Ảnh: TỰ TRUNG
Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM sẽ khó có thể triển khai khi các nút thắt về vốn đầu tư không sớm được tháo gỡ.
UBND TP.HCM vừa kiến nghị trung ương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách TP.HCM để thực hiện các dự án cấp bách trọng điểm mới, trong đó có dự án đường vành đai 3, dự kiến được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2022.
Về cơ chế vốn, ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương cũng như 100% tổng mức đầu tư ở tỉnh Long An.
Tuy nhiên, các địa phương có dự án đi qua vẫn chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện dự án. Ngoài mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được thông qua, TP.HCM có thêm khoảng 119.410 tỉ đồng từ các nguồn thu phí hạ tầng cảng biển, nguồn thu cổ phần hóa... để triển khai đầu tư các dự án cấp bách, trọng điểm mới.
Do vậy TP.HCM và địa phương liên quan kiến nghị Thủ tướng đồng ý trình Quốc hội cơ chế cho phép các địa phương rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của các địa phương, ưu tiên vốn để bố trí cho dự án đường vành đai 3.
Ngoài ra, đề nghị chấp thuận việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm trong giai đoạn này và phần dự kiến tăng thu từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện đầu tư dự án.
Riêng với nguồn thu phí cảng biển, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết nguồn này sẽ được đầu tư vào các tuyến đường vào cảng.
Cụ thể, 2 dự án khép kín đường vành đai 2 quy mô 6 làn xe gồm: đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (9.047 tỉ đồng) và đoạn 2 từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (5.569 tỉ đồng).
Trong năm 2022, dự án sẽ được trình chủ trương đầu tư và từ năm 2023 tiến hành giải phóng mặt bằng, khởi công. Nút giao An Phú (TP Thủ Đức) cũng sẽ được khởi công trong năm nay.
"Các dự án khác cũng được ưu tiên nguồn lực đầu tư như hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức); hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (quận 7, huyện Nhà Bè), cải tạo tĩnh không các cầu trên tuyến đường thủy", vị này nói.
GS Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):
Tiền thu được phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng
TP.HCM là 1 trong 3 đô thị cảng biển lớn cả nước cùng với Hải Phòng và Đà Nẵng. Với sản lượng hàng hóa thông quan lên tới 170 triệu tấn/năm, hệ thống cảng biển TP đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL với 4 cụm cảng chính là Cát Lái, Nhà Bè, Sài Gòn và Hiệp Phước.
Tuy nhiên, hạ tầng kết nối với các cảng chưa đồng bộ dẫn đến ùn tắc, tăng chi phí logistics. Thống kê trung bình có khoảng 19.000 - 20.000 xe/ngày đêm vào khu cảng Cát Lái thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống, trong khi theo quy hoạch trước đây hệ thống đường chỉ đáp ứng cho khoảng 12.000 xe/ngày đêm.
Có những ngày lượng xe tăng đột biến lên 26.000 xe, dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông tại các khu vực cảng do vượt năng lực thông hành của các tuyến đường kết nối cảng.
Do đó, theo tôi, thu phí hạ tầng cảng biển sẽ tạo ra một nguồn thu để có thể tái đầu tư hạ tầng trong bối cảnh nguồn ngân sách còn khó khăn. Tuy nhiên, TP cần phải thống nhất và có lộ trình cụ thể về việc số tiền thu được phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng.
ĐỨC PHÚ
TP.HCM cần 533.500 tỉ đồng đầu tư hạ tầng đến năm 2025
Đường vành đai 3 đi qua 4 địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, nhu cầu vốn để xây dựng hạ tầng giao thông của TP giai đoạn 2021 - 2025 cần hơn 533.500 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 218.239 tỉ đồng và vốn khác (ODA, PPP...) 315.290 tỉ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn để đầu tư cho các dự án cần khoảng 437.125 tỉ đồng.
Nhóm các dự án cấp bách cần được ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025 như đường vành đai 2, vành đai 3; đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành; cầu đường Nguyễn Khoái hiện vẫn chưa cân đối được nguồn vốn. Các dự án này có tổng mức đầu tư lên đến 158.969 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 72.640,6 tỉ đồng...
Ngoài ra TP.HCM chuẩn bị đầu tư 7 dự án (với khoảng 61.232 tỉ đồng) như đường vành đai 4, đường trên cao số 1 và 5, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ và các cầu kết nối bán đảo Thanh Đa, xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD Long Bình.
Với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách TP.HCM đã được thông qua là 142.557 tỉ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án được chuyển tiếp, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới.
ĐỨC PHÚ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận