17/05/2011 07:47 GMT+7

Phí ATM: số tiền không nhỏ

DƯƠNG TRẦN CA (dohuynhhoa@...)
DƯƠNG TRẦN CA (dohuynhhoa@...)

TT - Một chiều đầu tuần, khi ghé vào trước dãy máy ATM bên lề đường trước Vietcombank Bình Thạnh (TP.HCM), tôi thấy người rút tiền đứng chờ khá đông. Tại đây đặt bốn máy ATM, hai máy của Vietcombank TP.HCM ở giữa, một máy còn tiền, một máy hết tiền, hai bên một là máy của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, một là máy của ngân hàng trong nước khác không có ai giao dịch.

Tôi hỏi một chị đứng chờ đến lượt rút tiền ở máy ATM của Vietcombank sao không qua máy ATM hai bên rút cho nhanh, chị trả lời là bị trừ phí 3.300 đồng. Hỏi sao không vô ngân hàng rút cho nhanh, chị nói tốn tiền gửi xe. Khi tôi nói Vietcombank Bình Thạnh không thu tiền gửi xe của khách đến giao dịch, người khác cho biết bây giờ nghỉ giao dịch, bảo vệ không cho vô chỗ để máy ATM đặt trong sảnh giao dịch của ngân hàng. Vậy là xúm nhau rồng rắn xếp hàng.

QPArIUt7.jpgPhóng to

Công nhân sẵn sàng xếp hàng, chờ đợi đến lượt rút tiền để tiết kiệm 3.300 đồng phí rút tiền ngoại mạng - Ảnh: Dương Trần Ca

Những ngày chủ nhật cao điểm của các kỳ trả lương, các máy ATM tại các khu chế xuất và khu công nghiệp thường hết tiền nhưng công nhân thà đạp xe đi tìm máy ATM của ngân hàng mình mở thẻ ở địa điểm khác, có khi xa hơn 5km để rút tiền chứ không rút tại các máy ATM của ngân hàng khác. “3.300 đồng đâu phải rẻ. Có lần tiền không ra, tài khoản bị trừ mà vẫn bị thu 3.300 đồng hỏi có tức không? Lui tới ngân hàng mấy lần để khiếu nại. Lại còn phải mượn tiền bạn bè xài đỡ cả tháng trong khi chờ ngân hàng trả lại tiền. Một lần sợ đến già, thôi thì thẻ ngân hàng nào rút ngân hàng đó” - một công nhân cho tôi biết.

Trừ những công nhân làm bao nhiêu ăn nhậu hết bấy nhiêu và vài ngàn đồng đối với những người này “chẳng là cái đinh gì” (số này cực kỳ ít) thì hàng triệu công nhân nghèo đang sử dụng thẻ ATM để rút lương đang tằn tiện từng trăm đồng chắt chiu gửi về quê cho gia đình. Họ sẵn sàng đi bộ thêm cả cây số để đến chỗ mua gạo hay dăm quả trứng rẻ hơn chỉ vài trăm đồng, sẵn sàng đạp xe giữa chiều mưa tầm tã nửa giờ, xếp hàng chờ đợi hàng giờ chỉ để tiết kiệm 3.300 đồng hay 2.000 đồng gửi xe khi đi rút số tiền lương ít ỏi mà họ phải vắt kiệt sức cả tháng mới có được.

Nếu rút tiền nội mạng mà vẫn thu phí, họ sẽ cầm chứng minh nhân dân vô ngân hàng rút tiền. Còn xin đi rút tiền tại ngân hàng trong giờ giao dịch mà công ty không cho, hay rút tiền mà ngân hàng cũng thu phí thì họ yêu cầu công ty trả tiền mặt như cũ. Công ty này không chịu thì thiếu gì công ty khác sẽ chấp thuận trong thời buổi kiếm đỏ mắt không ra công nhân như bây giờ. Và thẻ ATM một khi bị tẩy chay thì để thuyết phục người dân sử dụng lại không phải là chuyện đơn giản. Vì vậy việc không cho thu phí sử dụng nội mạng của Ngân hàng Nhà nước lâu nay là chủ trương rất hợp lòng dân.

Và không chỉ có công nhân, rất nhiều công chức nhà nước, nhân viên các doanh nghiệp cũng đều khó khăn, nhất là trong thời buổi quá khó khăn như hiện nay. Số tiền 3.300 hay 5.500 đồng có thể không là gì với những người có quyền ra quyết định tăng hay không tăng, thu hay không thu phí. Nhưng với người lao động nghèo, một năm ít nhất phải giao dịch tại máy ATM không dưới 20 lần thì số tiền phí chủ thẻ ATM phải trả là không nhỏ. Chưa kể rất nhiều ngân hàng vẫn sử dụng hàng ngàn máy ATM đã khấu hao hết từ lâu thì chuyện tăng phí rút tiền ngoại mạng và sẽ thu phí rút tiền nội mạng không được sự đồng thuận là điều tất nhiên.

Cần nâng phí dịch vụ từ các công ty

Theo tôi, vấn đề ở đây là các ngân hàng thương mại không nên tìm cách tăng thu cho mình từ những người sử dụng thẻ ATM mà cần nâng mức phí dịch vụ trả lương qua ATM từ các công ty. Việc trả lương qua ATM của các ngân hàng nhiều năm qua đã giúp tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho các công ty từ thời gian sản xuất của công nhân, tiền lương cho bộ phận chi lương, chi phí thời gian rút tiền về kiểm đếm và phân chia từng bao thư cho công nhân...

Một phụ trách nhân sự tại một công ty may mặc có hơn 15.000 công nhân cho biết nếu công ty tự chi lương cho công nhân phải cần đến gần 40 người để chi lương một tháng hai kỳ. Tốn kém nhất là thời gian làm việc của công nhân phải tạm nghỉ để lên nhận lương. Tính trung bình một người mất một giờ nghỉ làm để lên nhận, kiểm đếm, ký tên..., một tháng mất hai giờ cho mỗi người và 30.000 giờ cho 15.000 công nhân.

Trong thời buổi khan hiếm lao động như hiện nay, số giờ lao động này là vô giá. Nếu tính giờ công rẻ nhất 10.000 đồng/giờ thì chỉ tính 30.000 giờ công này thôi ngân hàng đã giúp công ty tiết kiệm được đến 300 triệu đồng hằng tháng, trong khi phí chi lương ngân hàng thu của công ty cao lắm cũng chỉ từ 1/5 đến 2/5 số tiền trên. Chưa nói để “dụ” công ty mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng mình, nhiều ngân hàng còn miễn phí dịch vụ chi trả lương này cho các công ty.

DƯƠNG TRẦN CA (dohuynhhoa@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp