Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5-10 - Ảnh: Reuters
Hai động thái trên được xem như phép thử cho quan hệ giữa New Delhi và Washington.
Chuyến thăm Ấn Độ 2 ngày của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đem về cho Matxcơva hàng loạt hợp đồng trong các lĩnh vực đường sắt, vũ trụ và công nghệ hạt nhân. Trong khi tất cả đều được ký công khai trước sự chứng kiến của truyền thông, thỏa thuận mua hệ thống S-400 lại đạt được trong bí mật.
"Nó được ký bên lề cuộc gặp thượng đỉnh" - người phát ngôn Điện Kremlin (Nga) Dmitry Peskov xác nhận với Hãng tin Reuters ngày 5-10. Việc Ấn Độ đủ năng lực bắn hạ máy bay và tên lửa ở khoảng cách chưa từng có trong lịch sử quân đội nước này giờ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ấn Độ không phải là Trung Quốc
Người Mỹ đã cảnh báo bất kỳ quốc gia nào giao thương với Nga trong lĩnh vực quân sự và tình báo sẽ tự động đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Washington dựa trên một đạo luật gọi là "Ứng phó với các kẻ thù của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt" (CAATSA).
Đạo luật này được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào tháng 8-2017, mục đích chính nhằm trừng phạt Nga nhưng lại quá rộng đến nỗi bao trùm cả bạn lẫn thù.
Hồi tháng 9-2018, Cục Phát triển trang bị thuộc quân đội Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này đã bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vì các hợp đồng mua tiêm kích và hệ thống S-400 từ Nga.
Tiếp theo sau động thái này, Washington tuyên bố việc trừng phạt sẽ tập trung chủ yếu vào các nước mua S-400 của Nga.
Vậy nên, việc Ấn Độ bí mật mua S-400 của Nga ngay lập tức làm dấy lên suy đoán New Delhi sẽ đi vào "vết xe đổ" của Bắc Kinh. Lập luận này nên được gác qua một bên bởi Ấn Độ không phải Trung Quốc.
Trong phản ứng đầu tiên, chính quyền Mỹ đã tỏ ra thận trọng khi nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt Nga không nhằm mục đích làm tổn hại năng lực quân sự của "các đồng minh và đối tác của nước Mỹ", đồng thời cho biết có thể xem xét miễn trừ trong trường hợp của Ấn Độ, theo trang NDTV.
"Sẽ có rất ít trường hợp được miễn trừ khỏi CAATSA, việc miễn trừng phạt chỉ nhằm mục đích cho phép các nước mua phụ tùng cho các vũ khí đã mua trước đó từ Nga" - người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) nhấn mạnh.
Các chỉ dấu gần đây đang khiến người ta có cảm giác CAATSA dần trở thành một đạo luật ép các nước từ bỏ vũ khí Nga và chuyển sang Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis không giấu giếm điều này, khi hồi tháng 5-2018 từng đề nghị nên miễn trừng phạt một vài nước "có xu hướng mua thêm vũ khí từ Mỹ".
Trừng phạt Ấn Độ: lợi bất cập hại
Trong khi Trung Quốc đang ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh của Mỹ, Ấn Độ là một đồng minh chiến lược của Washington tại khu vực, một đối trọng với Bắc Kinh trong cân bằng quyền lực ở châu Á. Mối quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được cho là rất tốt.
Cho đến thời điểm hiện tại, quyết định cuối cùng về việc trừng phạt Ấn Độ vì mua S-400 thuộc về Tổng thống Trump. Đạo luật ủy quyền quốc phòng Mỹ 2019 cho phép tổng thống có quyền miễn trừ áp đặt các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ CAATSA nếu việc đó gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định chính quyền Trump sẽ mất nhiều hơn được nếu quyết trừng phạt Ấn Độ theo đạo luật CAATSA. Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho Ấn Độ, sau Nga.
"Tôi không muốn suy đoán trước về các động thái của Washington nhưng nếu trừng phạt New Delhi, nó cũng giống như hai tay dâng thị trường vũ khí Ấn Độ cho Nga. Sẽ không có nhóm lợi ích nào tại Mỹ hưởng lợi từ việc trừng phạt Ấn Độ" - Benjamin Schwartz, một cựu quan chức quốc phòng Mỹ, hiện là thành viên của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Ấn, nhấn mạnh với Hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.
Sản lượng dầu thô Ấn Độ dự định nhập khẩu từ Iran trong tháng 11-2018 là 9 triệu thùng, ít hơn tháng 10-2018 khoảng 1 triệu thùng, bất chấp việc Mỹ dự kiến áp thêm các biện pháp trừng phạt ngành dầu hỏa Iran kể từ ngày 4-11 trong nỗ lực gây sức ép lên Tehran trong vấn đề Syria và Iraq, buộc nước này quay trở lại bàn đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo.
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Washington đang ở giữa tiến trình cân nhắc miễn trừ trừng phạt các quốc gia giảm mua dầu thô từ Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó cho biết những quốc gia như Ấn Độ có thể được miễn trừ nhưng phải từ từ chấm dứt việc nhập khẩu dầu Iran.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận