22/10/2012 04:31 GMT+7

Phép mầu của người "không gục ngã"

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Gần bốn năm trôi qua kể từ khi Bích Lan đi vào lòng bạn đọc Tuổi Trẻ trong loạt bài “Không gục ngã”. Và cũng đã 24 năm từ khi cô phát căn bệnh hiếm: rối loạn dưỡng cơ tiến triển.

Lúc ấy bác sĩ bất lực bảo khó có thể qua nổi tuổi 20. Nhưng Bích Lan vẫn nở nụ cười ở tuổi 37.

HdG5RtUL.jpgPhóng to

Gia đình là thiên đường yêu thương và là tình yêu cuộc sống của Bích Lan (thứ hai từ trái sang) - Ảnh nhân vật cung cấp

Có người nói rằng đó là phép mầu. Còn tôi ngay từ ngày đầu gặp cô cách đây hơn ba năm đã tin rằng chính Bích Lan đã tạo ra phép mầu cho mình. Phép mầu trong trái tim đau yếu nhưng đẫm tràn tình yêu cuộc sống!

17g ngày 17-10-2012, màn hình máy tính vẫn sáng, hiện lên những dòng văn đầy khắc khoải về thân phận con người nhưng cũng ngập tràn tình yêu cuộc sống. Nguyễn Bích Lan ngồi suy tư soi bóng mình trong màn hình máy tính. Chiếc bóng xanh gầy chưa tới 30kg lặng lẽ hiện sau từng câu chữ...

1 ngày và 2 năm 9 tháng

Bích Lan lặng lẽ ngồi làm việc trước màn hình máy tính. Cô đang dịch dở tác phẩm The wild falms (Cọ hoang) của William Faulkner. Suốt mấy tháng, cô đã đau đáu cùng tác giả nổi tiếng người Mỹ từng đoạt giải Nobel văn học năm 1949 này. Cuộc đời bệnh tật không cho cô có điều kiện cọ xát thực tế xã hội phức tạp và thân phận bi kịch của người phụ nữ như nhà văn miêu tả, nhưng trái tim nhạy cảm của cô thấu cảm, nghẹt đau cùng nỗi niềm đó. Mỗi ngày cô ngồi sáu giờ, tám giờ và hơn nữa để chuyển ngữ tiếng Việt lối hành văn thâm trầm của tác giả Mỹ.

Đây là tác phẩm văn học dịch thứ bảy của Bích Lan tính từ thời điểm tôi gặp cô vào cuối xuân 2009. Nhìn cô suy tư làm việc trước màn hình máy tính, tôi bần thần nghĩ thời gian hai năm chín tháng là thế nào so với những gì cô gái như ngọn nến trước gió này làm được? Bảy tác phẩm văn học dịch, trong đó có những tác phẩm đồ sộ, nổi tiếng cả về giá trị lẫn ngữ nghĩa phức tạp và sâu sắc như Triệu phú khu ổ chuột của Vikas Swarup, Một đêm duy nhất của Tagore, Bị bán của Patricia McCormick. Đó là chưa kể hàng trăm bài thơ và truyện ngắn mà cô vẫn âm thầm sáng tác để trải bày nỗi niềm...

Hai năm chín tháng. Vâng, là quá ngắn của lượng công việc này so với cả những dịch giả, tay bút đang ở thời kỳ sung mãn nhất, chứ đừng nói gì một cô gái nặng chưa đến 30kg, mang trong mình căn bệnh biến chứng qua tim có thể ra đi bất cứ lúc nào!

Kể từ những ngày ngồi cùng nhau trên cánh đồng rơm rạ Thái Bình, nghe Bích Lan trải bày chuyện đời mình để viết loạt bài “Không gục ngã”, tôi vẫn lặng dõi theo bước chân của cô gái kỳ lạ này. Dù rằng bước chân thật sự của cô thì ngắn lắm, chẳng thể tự lên xuống được cầu thang nhà mình, không đi đâu được quá vài trăm mét nếu thiếu bàn tay dìu đỡ. Nhưng tôi lại thấy cô đã đi được rất dài và rất xa trong căn phòng vài mét vuông của mình.

Những lần công tác miền Bắc, tôi hay ghé thăm Bích Lan, khi thì ở nhà quê Thái Bình, khi thì trong căn hộ nhỏ của em trai ở Hà Nội. Chuyến nào không ghé được, tôi cũng hỏi thăm qua nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng là cô chú của cô. Rồi tôi và cô cũng thường xuyên gặp nhau, trải bày tâm sự trên email. Hiểu tôi, cuối thư điện tử Bích Lan luôn có câu trả lời rất ý nhị bằng cách nối dài thêm các tác phẩm mà cô đã dịch. Không nhắc lại tâm sự năm xưa ở làng quê Thái Bình, nhưng tôi hiểu rằng cô muốn nói: “Em còn làm việc là em còn đang vui sống, anh à”.

Dõi theo bước đi của Bích Lan, hiểu cô, nhưng đôi khi chính tôi cũng ngạc nhiên, không hiểu nổi tâm sức đâu để cô làm được ngần ấy việc. Vượt qua bệnh tật, chiến thắng cái kết cục đau buồn của kiếp nhân sinh khi mới tuổi 13 đã là phép mầu do chính cô tạo ra. Tự học trên giường bệnh để có kiến thức, nhất là tiếng Anh, để trở thành dịch giả của 25 tác phẩm văn học thế giới và tác giả của hàng trăm bài thơ, truyện ngắn đăng báo, in sách là một sự phi thường. Nhưng còn một điều kỳ diệu nữa là tình yêu cuộc sống luôn tràn ngập trong trái tim, trên ánh mắt, đôi môi cô.

Có những lần tôi biết Bích Lan trở yếu, mong manh lắm khi nhiều ngày buộc phải rời máy tính, nằm bẹp trên giường bệnh, giành giật từng hơi thở yếu ớt vào trái tim thoi thóp trong cơ thể chỉ có da bọc xương. Nhưng hỏi thăm cô, tôi cứ nghe câu trả lời: “Em vẫn khỏe, vẫn vui sống mà anh. Em còn biết rõ anh đang lang thang làm báo ở đâu đấy nhé”.

Mặt trời, chiếc lá trong tim

Bà ngồi nhặt sợi rơm khô/ dệt cho cây lúa ước mơ cuối đời/ sau xanh lại mới chổi phơi/ sau mùa lại chuốt những lời chân quê/ Ai phơi rơm óng triền đê/ dệt cho tôi một ngày về bớt xa/ cho tôi chạm góc hiên nhà/ bà tôi tóc trắng cười qua bóng mùa. Chiều thu trở lạnh se sắt ở Hà Nội, tôi lại ngồi lặng nghe Bích Lan đọc tặng bài thơ Mùa rơm. Một bức tranh quê da diết tình cảm như bài thơ tặng mẹ cách đây hơn ba năm mà cô đã đọc cho tôi nghe ở đồng quê Thái Bình: Mong mười chẳng được vẹn mười/ Vì con, mẹ chắt nụ cười ra môi/ Chênh vênh nửa dốc cuộc đời/ Vì con, mẹ mãi đầy vơi nỗi niềm... Chính cảm xúc với bài thơ thổn thức nỗi lòng này, mà tôi đã đi vào chuyện đời cô để viết nên “Không gục ngã”.

Giờ thì Bích Lan vẫn như xưa, vẫn vui sống để tiếp tục làm việc đều đặn mỗi ngày. Dịch thuật với cô thành chuyên môn mà ngày nào không làm việc sẽ cảm thấy nhớ. Còn sáng tác văn, thơ là góc riêng để cô trải bày nỗi lòng, có khi là nỗi nhớ đồng quê, là tình mẹ, và có cả sự chua xót, thương cảm cho những kiếp người bất hạnh dưới đáy xã hội. Cô tâm sự có nhiều động lực để làm điều này. Từ cách đây 24 năm, cô đã tự nhủ mình phải vượt qua thân xác ốm đau. Và thế rồi cuộc đời đã lặng lẽ nối tiếp tặng cho cô nhiều niềm vui để không gục ngã.

Khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài về cô hồi tháng 3-2009, gần 2.000 email, thư tay đã gửi đến cô tràn ngập tình bạn bè cảm thông, chia sẻ. Cô ứa nước mắt xúc động khi có cụ già miền Nam tìm ra tận Thái Bình quê cô để bày giúp bài thuốc. Cô cũng rất vui khi có những cha, mẹ viết thư báo tin: “Chính các bài viết về sự bất hạnh và nghị lực của đời cháu đã giúp kéo đứa con hư hỏng của bác về lại gia đình. Cháu đã trở thành cô giáo không biết mặt của con bác!”.

Nhiều năm gắn với chuyển ngữ văn học, Bích Lan đã chủ động hoàn toàn trong việc này. Không ngồi đợi đặt hàng, cô tự tìm kiếm tác phẩm ưng ý trên mạng, đàm phán tác quyền và đề xuất dịch với nhà xuất bản. Điều này đem đến sự hứng thú vì được dịch tác phẩm yêu thích, nhưng cũng làm cô bận rộn hơn. Tuy nhiên, ngày nào cô cũng dành thời gian để gặp gỡ, tâm sự với bạn bè trên mạng. Nhiều lần cô đã cứu được những bạn trẻ tuyệt vọng, chán nản cuộc sống. Tâm sự với họ, cô hay viết rằng: “Trước khi quyết định chết, em hãy bước ra đường, xem có ai còn khổ đau hơn mình không? Nếu thật sự chỉ em là người bất hạnh nhất cõi đời này thì chết cũng được. Nhưng chị không tin điều đó...”.

Tạm rời màn hình máy tính, Bích Lan tâm sự với tôi rằng mình đang có hàng ngàn người bạn quốc tế và trong nước. Cô rất hạnh phúc khi được sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với họ. Gia đình cũng chính là thiên đường hạnh phúc mà cô nâng niu yêu thương. Mẹ là cánh tay, em trai là bước chân nối dài, là trái tim trợ lực cho nhịp tim yếu ớt của cô. Cháu trai ba tuổi, con của người em, đã thành “viên thuốc thần kỳ” mỗi khi cô ốm đau mà được nghe tiếng cười, tiếng nói ngọng nghịu của cháu. Mỗi tuần, cô cứ mong ngày chủ nhật vì lúc đó em trai sẽ được nghỉ làm, cõng chị xuống phố để tắm nắng, ngắm những tán lá xào xạc chuyển mùa. Và mỗi buổi tối, cô đều trông đến bữa cơm gia đình để được thấy những ánh mắt ấm áp yêu thương nhau!

19 giờ...

Khung cửa sổ sau máy tính của Bích Lan đã trở tối. Nhưng tôi vẫn như đang nhìn thấy ánh mặt trời lấp lánh trên chiếc lá xanh tươi. Nó đang ở ngay trong trái tim tràn đầy tình yêu cuộc sống của Bích Lan!

Vài nét về Nguyễn Bích Lan

Dp2K4J4C.jpgPhóng to

Bích Lan trong buổi giới thiệu tác phẩm của mình - Ảnh nhân vật cung cấp

Nguyễn Bích Lan là nhân vật xúc động trong loạt bài “Không gục ngã” đăng trên Tuổi Trẻ tháng 3-2009. Chuyện kể về cô gái bé nhỏ ở làng quê Hưng Hà, Thái Bình mắc bệnh nan y mãn tính từ năm học lớp 8, nhưng vẫn tự học ở nhà để trở thành giáo viên tiếng Anh và dịch giả, tác giả của nhiều tác phẩm đi vào lòng bạn đọc. Năm 2010, cô đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN với tác phẩm dịch Triệu phú khu ổ chuột. Bảo tàng Phụ nữ VN vinh danh cô là một trong những chân dung phụ nữ đương đại.

Kỳ 1: Không gục ngã Kỳ 2: Không có phép màu Kỳ 3: Lớp học cây táo Kỳ 4: Ngọn nến không tắt Kỳ 5: Bước ra thế giới

Bích Lan truyền hi vọng đến nhiều ngườiCảm ơn các bạn đã nghe chuyện của LanTruyện ngắn: Con gái

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp