Hình ảnh số hóa nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh: AGP
AGP là tên tuổi nổi tiếng trong giới bảo tồn di tích lịch sử của Pháp. Đến nay AGP đã thực hiện số hóa cho hơn 2.000 di tích tại 18 quốc gia trong 25 năm hoạt động.
Không ai đặt hàng vẫn cứ làm!
Nhớ lại chuyện cũ, ông Gaël Hamon - người sáng lập Công ty AGP - kể: "Năm 2014, một kiến trúc sư tương lai về di sản đang làm luận án về khung sườn nhà thờ Đức Bà Paris hỏi chúng tôi có hình ảnh khung sườn nhà thờ hay không. Thực sự chúng tôi không có gì hết".
Từ năm 1994, Công ty AGP đã số hóa nhiều phần của nhà thờ Đức Bà Paris theo yêu cầu từ chi nhánh văn phòng Bộ Văn hóa ở Île-de-France, các kiến trúc sư trưởng di tích lịch sử hoặc các doanh nghiệp bảo tồn. Song không ai yêu cầu số hóa khung sườn.
Một ngày nọ, AGP được giao số hóa khung chống đầu nhà thờ bị hỏng. Lúc bấy giờ ông Gaël Hamon - người sáng lập AGP - đã dặn các kỹ thuật viên: "Phải scan khung sườn nhà thờ, vì ngày nào đó sẽ dùng đến. Không ai đặt hàng, mình cũng cứ làm".
Khung sườn nhà thờ được gọi là "Rừng", do số lượng gỗ dùng làm xà nhà rất nhiều. Khung sườn dài đến 100m, rộng 40m ở khu vực cánh ngang và cao 10m.
Đống đổ nát gạch đá và gỗ từ mái rơi xuống nhà thờ sau hỏa hoạn - Ảnh: AFP
Thời gian trôi qua. Dữ liệu số hóa khung sườn nhà thờ ngủ yên trong máy tính.
Và rồi thảm kịch cháy nhà thờ xảy ra ngày 16-4. Ban đầu ông Gaël Hamon đã quên AGP từng scan khung sườn, đến khi các kỹ thuật viên nhắc ông mới sực nhớ.
Chi tiết đến từng milimét
Dữ liệu số hóa khung sườn nhà thờ Đức Bà Paris của Công ty AGP như một phép lạ nhỏ, giúp như nguyên bản.
Với 150 bản scan khung sườn và chóp tháp do AGP thực hiện, các kiến trúc sư sẽ hình dung cấu trúc nguyên bản của nhà thờ đến từng milimét.
Sau vụ hỏa hoạn, các kiến trúc sư trưởng về di tích lịch sử đã mời Công ty AGP tham gia công tác phục dựng.
Trước đây, để lập hình ảnh ba chiều đối với các bộ phận trong nhà thờ, AGP sử dụng phương pháp quang trắc (scan 3D bằng máy ảnh) và phương pháp quét bằng laser.
Khung sườn nhà thờ Đức Bà Paris đã được tu sửa vào năm 2003 - Ảnh: LA GAZETTE
Ngày 21-4, AGP huy động 9 kỹ thuật viên, 10 máy scan cố định và 2 máy bay không người lái tiếp tục thu thập dữ liệu quang trắc và laser tình trạng nhà thờ sau hỏa hoạn. Từ các vị trí ở mặt đất và trên không, họ cho ra 300 bản scan màu.
Trong thời gian tới, đây sẽ là tài liệu quý giá để các kiến trúc sư so sánh kiến trúc nhà thờ trước và sau hỏa hoạn trong quá trình phục dựng.
Cần đến 2.000 cây sồi
Khung sườn nhà thờ Đức Bà Paris hoàn toàn bằng gỗ sồi 800 năm tuổi. Một số đoạn xà có tuổi còn xưa hơn, từ loại cây đốn hạ khoảng năm 1160-1170.
Nhà sử học Andrée Corvol - giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp - khẳng định khung sườn cần từ 3.000 - 5.000 m3 gỗ, tương đương khoảng 2.000 cây sồi. Đây không phải vấn đề lớn so với số lượng thu hoạch gỗ sồi ở Pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận