Một số ít mẫu phế liệu nhập lậu bị biên phòng bắt giữ trong thời gian qua - Ảnh: BỬU ĐẤU
19h ngày 22-4, nhóm PV Tuổi Trẻ ghi hình hoạt động ở phía sau cơ sở vật liệu xây dựng Phúc Thảo, ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang.
Xuyên đêm nhập lậu phế liệu qua biên giới
"Hang ổ" nhập lậu phế liệu
"Hang ổ" qua biên giới mà chúng tôi đề cập nằm ngay phía sau cơ sở vật liệu xây dựng Phúc Thảo. Còn phía bên kia sông Hậu là xã Phẹt Chạy, huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal, Campuchia.
Nơi này tuy là khu vực đường biên giới Việt Nam - Campuchia, được ngăn cách bởi một đoạn sông Hậu chảy qua, nhưng dân sống ở đây rất đông đúc.
Cơ sở Phúc Thảo nằm cách quốc lộ 91C chỉ chừng hơn 100m, được kết nối bởi 2 tuyến đường nhựa nên các loại xe tải lớn ra vào rất thuận tiện. Đặc biệt ban đêm, những chiếc xe tải loại hàng chục tấn được phủ kín bạt thường xuyên ra vào đây.
Nhiều đêm liền, nhóm PV Tuổi Trẻ chia thành nhiều mũi áp sát phía sau cơ sở Phúc Thảo. Đây là một khu vực rộng lớn tập kết cát đá với đội ngũ xe ben, xe cẩu, máy xúc đông đúc.
Đáng chú ý, phía sau cơ sở này còn có một bến thủy nội địa, xung quanh khu vực được lắp đặt nhiều camera quan sát.
Khi đồng hồ điểm đúng 19h, xe tải biển số 67C-037.38 bắt đầu nổ máy tiến sát bờ sông Hậu. Từ phía bên kia biên giới Campuchia, một ánh sáng đèn pin "nháy" sang bên này.
Sau vài ánh chớp nháy, tiếng máy động cơ cũng bắt đầu nổ vang, chiếc sà lan sắt chở đầy ắp phế liệu cũng từ từ vượt sông qua biên giới và cũng chỉ mất vài phút để chiếc sà lan này cập bến cơ sở Phúc Thảo.
Ngay bến, một nhóm 7 thanh niên đang chờ sẵn, tiếng máy động cơ của cần cẩu cũng bắt đầu nổ rền trời.
Chiếc cần cẩu có cánh tay chuyên dụng 4 càng dùng để gắp phế liệu bắt đầu vung liên hồi, xen lẫn cùng tiếng rít ken két của sắt thép. Phế liệu đã qua sử dụng được ép thành từng khối, cứ thế chất lên đầy xe tải 67C-037.38.
Chiếc xe chở sắt lậu sau đó được phủ kín bạt rồi hướng thẳng ra quốc lộ 91C chạy về TP Châu Đốc.
Rạng sáng 23-4, chúng tôi tiếp tục có mặt và ghi hình ngay phía sau cơ sở Phúc Thảo. Lần này, phế liệu được ép thành từng khối to được sà lan chở từ phía bên kia biên giới chạy qua.
Nhìn bề ngoài, những khối lớn này là giấy vụn được ép lại thành kiện. Vẫn là một xe tải lớn thuộc HTX Đoàn Kết (An Giang) được huy động, máy xúc có dây xích móc ở gàu cũng bắt đầu nổ máy, cẩu từng khối phế liệu chất lên.
Nhóm buôn lậu hoạt động công khai xuyên đêm, chỉ cách đồn biên phòng Phú Hữu chưa đầy 2km.
Họ hoạt động công khai đến mức chúng tôi còn ghi hình rõ mặt mũi được một số người, ghi được cụ thể khối lượng phế liệu trong mỗi chuyến qua biên giới. Thậm chí, trên sông Hậu có rất nhiều tàu ghe qua lại nhưng nhóm người trên vẫn rất ung dung.
Ông Nguyễn V.M., (65 tuổi, ngụ xã Khánh An) bức xúc nói: "Bà con ăn ngủ không được vì tiếng ồn của xe tải, tiếng máy xúc. Tụi tui qua nói chuyện thì họ nói muốn gì cứ đi thưa. Các cơ quan ở đây đã được 'chăm sóc' hết rồi".
Cần cẩu gắn càng gắp phế liệu lậu từ sà lan lên xe tải tối 22-4 - Ảnh: Cắt từ clip
Đường đi của phế liệu nhập lậu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Minh - chủ cơ sở Phúc Thảo - thừa nhận vợ ông đã cho nhóm người Campuchia thuê mặt bằng phía sau để tập kết, vận chuyển phế liệu được vài tháng nay với giá 15 triệu đồng/tháng.
Ông Minh cũng cho biết có nghe bà con phản ảnh tiếng ồn vào ban đêm. Tuy nhiên, hiện hàng đã ít rồi, mỗi đêm chừng 2 - 3 xe tải.
Theo điều tra, chiếc xe tải biển số 67C-037.38 của một người tên Minh Nhã (ngụ TP Châu Đốc, An Giang).
Chiều 22-4, xe này xuất phát từ TP Châu Đốc, chạy theo quốc lộ 91C đến xã Khánh An (huyện An Phú). Đến 23h cùng ngày, sau khi chất đầy phế liệu nhập lậu, xe quay đầu chạy về hướng TP Châu Đốc, rồi đi về hướng TP Long Xuyên.
Đến sáng 23-4, xe tải 67C-037.38 di chuyển qua phà An Hòa đi Đồng Tháp, rồi di chuyển về Tiền Giang, Long An tới TP.HCM.
Đến 13h cùng ngày, xe có mặt tại một địa điểm trên đường Nguyễn Văn Bá (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM) để xuống hàng phế liệu lậu.
Một người đàn ông tên Trọng, được cho là chủ phế liệu nhập lậu qua biên giới An Giang đêm 22 và 23-4, thừa nhận số hàng trên toàn bộ là sắt vụn, được ông thu mua ở Campuchia rồi lén vận chuyển vào Việt Nam.
"Mỗi lần đi 20-30 tấn, tùy theo tình hình thu mua ở bên kia. Em thuê chỗ Phúc Thảo để tập kết phế liệu nhập lậu rồi đem bán cho các doanh nghiệp ở Long An, Tiền Giang và TP.HCM. Nơi nào mua giá cao là em bán thôi, còn họ mua làm gì thì em không biết.
Nhiệm vụ của em đưa hàng qua Việt Nam là xong, còn họ vận chuyển thế nào, đi đâu em không rành" - ông Trọng nói.
Còn ông Minh Nhã cho rằng mình không tham gia chở hàng lậu. Khi PV cung cấp chứng cứ và lộ trình di chuyển của xe thì ông nói: "Tôi không biết, xe tôi không có chở hàng lậu, mấy anh muốn bắt thì bắt hải quan và biên phòng đi!".
Xe cần cẩu phía sau cơ sở vật liệu xây dựng Phúc Thảo múc phế liệu nhập lậu từ sà lan lên xe tải - Ảnh: CHÍ HẠNH
Công an nói sẽ lập chuyên án
Khi được PV Tuổi Trẻ hỏi về thực trạng buôn lậu phế liệu, lãnh đạo các đơn vị quản lý biên giới như Bộ đội biên phòng, Hải quan An Giang đều cho rằng "do địa bàn rộng, khó quản lý nên mới xảy ra tình trạng này".
Thiếu tá Đinh Quang Điềm - đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội biên phòng An Giang) - cho biết đơn vị ông phụ trách địa bàn hơn 15km đường biên giới, khu vực này nhà cửa san sát ven sông. Dù có tích cực tuần tra nhưng đến khi rời đi thì người ta liền vận chuyển hàng lậu sang sông.
"Nếu bắt phải bắt quả tang lúc chuyển hàng qua biên giới, chứ hàng chất lên xe rồi thì họ đã chuẩn bị sẵn giấy tờ" - thiếu tá Điềm nói về điểm nhập phế liệu lậu Phúc Thảo.
Ông Thái Văn Liêm - chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình - cũng cho rằng tình trạng buôn lậu phế liệu qua biên giới nói chung và ở xã Khánh An nói riêng phức tạp là "do địa bàn rộng, khó quản lý".
Ông Liêm nói đơn vị có nắm tình hình buôn lậu phế liệu ở xã Khánh An nhưng nằm ngoài địa bàn ông quản lý.
"Chúng tôi chỉ có trách nhiệm chính khi xảy ra buôn lậu trên địa bàn chúng tôi quản lý. Còn ngoài địa bàn khi có phản ảnh tôi mới báo cáo về Ban chỉ đạo 389 huyện phối hợp bắt giữ" - ông Liêm cho biết.
Trước những đoạn phim của PV Tuổi Trẻ cung cấp, thượng tá Hồ Văn Tấn - trưởng Công an huyện An Phú - cho biết sẽ báo cáo Ban chỉ đạo 389 huyện xác lập chuyên án vào cuộc điều tra, nếu có đủ chứng cứ sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
Thượng tá Tấn cũng cho biết thêm thời gian gần đây dọc biên giới huyện An Phú xuất hiện nhiều điểm tập kết phế liệu nhập lậu vào ban đêm. Công an huyện cũng nhận được thông tin tại cơ sở Phúc Thảo có hoạt động nhập lậu phế liệu gây bức xúc dư luận.
Không có chuyện biên phòng bị mua chuộc
Đó là khẳng định của đại tá Lý Kế Tùng - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng An Giang.
"Tôi khẳng định không có chuyện biên phòng bị mua chuộc ở đây. Vì mình canh (dân buôn lậu), họ cũng canh lại mình. Việc bà con nói mua chuộc là quyền của họ, nhưng tụi tui vẫn tích cực tuần tra và bắt giữ rất nhiều rồi.
Tôi sẽ chỉ đạo Đồn biên phòng Long Bình tập trung vào địa điểm mà bà con phản ảnh, kiên quyết xử lý nghiêm chứ không thể để tràn ngập phế liệu tuồn vào Việt Nam như vậy được", đại tá Lý Kế Tùng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Bửu - phó cục trưởng Cục Hải quan An Giang - cho rằng: "Khu vực xã Khánh An là ngoài địa bàn hoạt động của hải quan nên lực lượng chỉ báo cáo các ngành liên quan để cùng nhau phối hợp bắt giữ.
Đối với mặt hàng phế liệu, sau khi nhập lậu thường được các doanh nghiệp đưa về TP.HCM và tập trung chủ yếu ở các nhà máy tái chế phế liệu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận