Ngày 2-1, thông tin từ UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định phê duyệt dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam quốc lộ 1 thuộc tỉnh Bạc Liêu.
Theo đó, mục tiêu của dự án là điều tiết, bổ sung nước ngọt cho một số vùng nuôi trồng thủy sản phía nam quốc lộ 1 của tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời bảo vệ cơ sở hạ tầng (giảm ngập do triều cường, sụt lún đất và nước biển dâng) cho một số khu vực phía nam tỉnh Bạc Liêu.
Cụ thể, sẽ điều tiết nước ngọt từ vùng Bắc quốc lộ 1 về vùng Nam quốc lộ 1 phục vụ nuôi trồng thủy sản vào mùa khô cho khoảng 13.000ha thuộc địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình; phục vụ sản xuất cho vùng chuyển đổi mô hình lúa tôm ven kênh Cà Mau - Bạc Liêu với diện tích khoảng 5.000ha.
Ngoài ra, tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt cho 43.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản vùng Nam quốc lộ 1; giảm ngập úng do triều cường nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng cho các đô thị dọc quốc lộ 1 như thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình).
Về quy mô, sẽ xây dựng hai cống âu thuyền trên kênh Bạc Liêu - Cà Mau (gồm cống âu thuyền Hộ Phòng tại thị xã Giá Rai và cống âu thuyền Vàm Lẽo tại huyện Vĩnh Lợi); xây dựng bảy cống trên các tuyến kênh; xây dựng trạm bơm Cầu Sập tại huyện Vĩnh Lợi (công suất 10m3/giây).
Tổng chi phí cho dự án nêu trên là hơn 1.450 tỉ đồng, được thực hiện theo hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Trước đó, tại hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" do báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm khoảng 140.000ha, là một trong ba địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước, với sản lượng đóng góp hằng năm từ 20-21%.
Cũng theo ông Thiều, xung đột giữa người nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến rất lớn, hệ thống thủy lợi quá cũ, không đáp ứng yêu cầu. Việc lấy nước phục vụ nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, Bạc Liêu xin triển khai dự án nêu trên nhằm ngăn dòng kênh xáng Cà Mau, trữ ngọt kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau bằng cách lấy nước ngọt sông Hậu theo hướng từ Phụng Hiệp về phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận