Bảo tàng Lịch sử quốc gia, được hình thành trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, sẽ là nơi trưng bày và giới thiệu về lịch sử dân tộc, những thành tựu trong công cuộc dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước; về văn hoá và tài năng sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, bảo tàng còn là nơi cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu lịch sử, bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành bảo tàng.
Với quy mô khoảng 10ha, bảo tàng có các khu chức năng chính là khu trưng bày theo tiến trình lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ; các tuyến trưng bày chuyên đề và sưu tập bổ trợ cho hệ thống trưng bày theo tiến trình lịch sử; không gian "khám phá-sáng tạo" và khu trưng bày dành cho tuổi trẻ; không gian trưng bày ngoài trời và khu tưởng niệm danh nhân lịch sử, danh nhân cách mạng và danh nhân văn hoá - khoa học.
* Công ước bảo tồn đa dạng văn hóa sắp có hiệu lực
Công ước quốc tế về bảo tồn sự đa dạng văn hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 18-3-2007.
Công ước này, do LHQ bảo trợ, được thông qua hồi tháng 10-2005 tại Hội nghị toàn thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) và đến ngày 18-12 đã được 35 nước phê chuẩn (chỉ cần ít nhất 30 nước phê chuẩn là đủ có hiệu lực).
Công ước thúc đẩy tính đa dạng trong các lĩnh vực văn hóa, bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới; khẳng định mối liên hệ giữa văn hóa với vấn đề phát triển và đối thoại, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do thông tin, sự đa dạng trong lĩnh vực truyền thông; nêu bật tầm quan trọng của vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và tạo nền tảng cho sự hợp tác quốc tế.
Công ước cũng khẳng định chủ quyền của các quốc gia trong việc đề ra các chính sách văn hóa nhằm bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng trong các biểu hiện văn hóa, đồng thời bảo đảm tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
* Khởi quay phim tài liệu "Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu"
Bộ phim tài liệu "Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu", do Trung tâm Hợp tác Báo chí và Truyền thông quốc tế viết kịch bản và thực hiện, đã chính thức được khởi quay tại tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc).
Bộ phim tái hiện thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại tỉnh Quảng Châu từ năm 1924 đến 1928 dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là khoảng thời gian Người gặp gỡ nhiều nhà yêu nước như Phan Bội Châu và tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội.
Theo lịch trình, các nhà làm phim sẽ đến các địa danh lịch sử nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc như Quảng Châu, Quảng Đông, Hồng Công, Thẩm Quyến, Ma Cao, Hồ Nam, Thượng Hải và tiếp xúc với những nhân chứng từng gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tái hiện chân thực, sinh động về một giai đoạn trong sự nghiệp cách mạng của Người.
* Bảo tồn và phát triển tộc người thiểu số Đan Lai
Ngày 19-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, hiện sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An), với tổng kinh phí hơn 93 tỷ đồng.
Theo đề án, 146 trong tổng số 176 hộ dân tộc Đan Lai sẽ được di chuyển đến vùng tái định cư tại xã Thạch Ngàn. Các hộ dân sẽ được hỗ trợ đất và vốn để chuyển đổi phương thức sản xuất từ săn bắn, hái lượm, làm nương rẫy sang trồng lúa nước, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rừng nguyên liệu.
30 hộ còn lại sẽ được chuyển đến bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, để tham gia công tác bảo vệ, kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Pù Mát.
Đề án, được thực hiện đến năm 2009, cũng cho biết Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đào tạo tại các khu vực đồng bào Đan Lai sinh sống, giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận