Khoảng 5 tháng trước, bệnh nhân tự sờ thấy khối u vùng bụng dưới rốn và càng ngày càng to dần, không đi điều trị, gần đây đau bụng gây khó chịu và ăn uống khó tiêu nên đi khám tại Bệnh viện Tâm Trí. Qua thăm khám, kết hợp với siêu âm và chụp CT scanner, phát hiện có khối u rất to nằm choán chỗ vùng giữa bụng trên và dưới rốn, kích thước 25 x 30 x 20cm, đè ngay trước tĩnh mạch và động mạch chủ bụng.
Bệnh nhân nữ N.T.K.T (45 tuổi, ngụ Thanh Bình, Đồng Tháp) bị khối u khổng lồ trong mạc treo đại tràng ngang nặng gần 3 kg
Các bác sĩ Bệnh viện Tâm Trí tiến hành hội chẩn và đưa ra kết luận: Khối u trong phúc mạc có chỉ định phẫu thuật. Sau 1 giờ phẫu thuật các bác sĩ đã cắt trọn khối u nặng 2.700gr xuất phát từ mạc treo đại tràng ngang một cách an toàn, và lấy phần khối u gửi làm XN giải phẫu bệnh; Sau phẫu thuật bệnh nhân hồi phục tốt, cảm giác rất nhẹ không còn đau và khó chịu vùng bụng như trước nữa.
Hình chụp phim CT scanner: Khối u trong ổ bụng
Theo y văn các triệu chứng lâm sàng của u mạc treo thường liên quan đến vị trí xuất phát của khối; Do u mạc treo thường không liên quan đến phần ống của đường tiêu hóa nên các triệu chứng tắc nghẽn (nếu có) thường ở giai đoạn muộn với các trường hợp u mạc treo ác tính hoặc lành tính nhưng có kích thước lớn. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể xuất hiện đau bụng do khối u lớn gây hiệu ứng khối trong khoang ổ bụng. Bệnh nhân thường có cảm giác đau sâu, ở giữa ổ bụng.
• U mạc treo lành tính: thường gặp ở mạc treo ruột non, đôi khi cũng có thể gặp ở mạc treo đại tràng. Loại tổn thương hay gặp hơn cả là u lympho, u nang, u nguyên bào mỡ nguyên phát ở trẻ em,…
• U mạc treo ác tính: các khối u ác tính nguyên phát hoặc u mô đệm của mạc treo hoặc mạc nối thường là những bệnh lý ác tính.
• U mạc treo ruột có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ. Điều trị u mạc treo ruột phẫu thuật là phương pháp tốt nhất. Phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào kích thước, tính chất, vị trí của khối u.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm Trí khuyến cáo, để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý, đảm bảo dự phòng các biến chứng của bệnh, mọi người dân nên đi khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc ít nhất 01 năm/lần, và khám ngay khi có dấu hiệu bất thường, có các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, tự sờ thấy khối bất thường vùng bụng…Không nên để muộn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc điều trị. Việc khám bệnh nên đến các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám kết hợp với các xét nghiệm, siêu âm và các kỹ thuật thăm dò khác giúp phát hiện và điều trị bệnh chính xác.
BS.CKII Ngô Minh Nghĩa - Giám đốc chuyên môn (CMO)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận