Ba của bệnh nhi Lý Hùng đang chăm sóc bé sau hậu phẫu tại Bệnh viện - Ảnh: T.DƯƠNG |
BS Đào Trung Hiếu, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nhận xét đây là trường hợp rất hiếm gặp vì sán dải heo thường ở đường tiêu hóa, dưới da, chứ rất hiếm khi lên não. Chưa kể, hình ảnh chụp MRI não cho thấy bệnh nhi có một khối u, chứ không có hình ảnh của ấu trùng sán dải heo.
Cách đây 3 tháng, bệnh nhi Lý Hùng nhập viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tổng trạng kém, đi cầu liên tục, đau đầu ngày càng nhiều, yếu, tê nửa người.
Bệnh nhi bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, 16 tuổi nhưng chỉ nặng 20 kg, cao 1,2m. Lúc đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có khối u ở trong não. Do bệnh nhân có biểu hiện tăng áp lực nội sọ, yếu, tê nửa người chứng tỏ khối u đã chèn ép vào trung tâm não nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, trước khi phẫu thuật các bác sĩ phải chăm sóc, điều trị nâng tổng trạng của bệnh nhi lên để bệnh nhi đủ sức trải qua một cuộc phẫu thuật.
Ngày 24-3, bệnh nhi đã được các bác sĩ mổ não để lấy một khối nang to bằng quả chôm chôm ra. Khi phẫu thuật, các bác sĩ mới biết khối nang có dịch và ấu trùng sán lá heo.
BS Đào Trung Hiếu cho biết rất hiếm trường hợp nhiễm sán dải heo phải mổ não để điều trị như bệnh nhân này mà thường chỉ cần điều trị bằng thuốc.
Tuy nhiên, bệnh nhi này đã có biểu hiện tăng áp lực nội sọ, khối nang chèn ép vào trung tâm não nên phải mổ não để điều trị. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.
Gia đình bệnh nhi này thường sử dụng nước giếng và nước suối (đây là những nguồn nước không sạch) nên có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận