Cụ bà Nguyễn Thị S. (ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng bụng đau nhiều, dấu hiệu suy kiệt. Theo lời kể của người nhà, trước đó bà thường xuyên đau bụng, ăn uống không được, cơ thể suy kiệt…
Gia đình có đưa đi khám bệnh và phát hiện khối u, tuy nhiên do sợ phẫu thuật nên không tiếp tục đi điều trị. Sau khoảng 1 năm, khối u dần dần phát triển cho đến khi bụng bà to ra, khối u chèn ép mạch máu và nội tạng gây khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt.
Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp chụp CT bụng có cản quang. Kết quả chụp CT scan khảo sát vùng bụng phát hiện khối u có kích thước lớn, choán chỗ toàn bộ vùng bụng cụ bà.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp khó do khối u có kích thước khổng lồ, thời gian tồn tại lâu nên dính nhiều cơ quan trong ổ bụng. Đồng thời, sức khỏe cụ bà kém do suy kiệt nặng, lớn tuổi, nên việc thực hiện phẫu thuật gặp khó khăn.
Ca phẫu thuật được tiến hành, ê kíp tập trung trong từng thao tác bóc tách, gỡ dính, đồng thời vừa phải đảm bảo không tổn thương các tĩnh mạch quan trọng trong ổ bụng người bệnh. Các bác sĩ cũng chú ý việc cầm máu nhanh chóng để tránh nguy cơ bất ngờ gây xuất huyết ồ ạt và đe dọa tính mạng người bệnh.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ, các bác sĩ đã cắt trọn khối u xuất phát từ dạ dày nặng gần 4kg. Sau phẫu thuật, hiện tại tình trạng cụ bà có nhiều tiến triển tốt và đang được tiếp tục theo dõi.
Bác sĩ Tống Hải Dương - phó trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ - cho biết khối u của bệnh nhân có kích thước rất lớn, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ rất nguy hiểm do chèn ép các cơ quan khác, người bệnh không ăn uống được và suy kiệt.
Khuyến cáo người dân khi phát hiện dấu hiệu bất thường, phát hiện khối u thì cần thăm khám, kiểm tra định kỳ để kịp thời điều trị, phẫu thuật. Vì để khối u phát triển quá lớn sẽ gây khó khăn cho bác sĩ khi có quyết định phẫu thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận