Một ca phẫu thuật thần kinh tại phòng mổ hiện đại của Trung tâm Phẫu thuật thần kinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Ảnh: TTXVN
Sau phẫu thuật, bệnh nhân không còn bị lên cơn giật, tự tin hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Chị T.N.T. (29 tuổi, ở TP.HCM) đã có 25 năm sống chung với bệnh động kinh, bệnh nặng tới mức có ngày chị phải chịu đựng tới 40 cơn giật.
Gia đình đã đưa chị đi chạy chữa nhiều nơi từ Nam ra Bắc, thậm chí uống tới 7 loại thuốc động kinh nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Nụ cười đã lâu không còn trên môi chị, nay lại thêm héo hắt khi người chồng đã bỏ ra đi vì nghĩ vợ bị tâm thần. Chỉ còn mẹ đẻ cùng chị trên hành trình trở lại cuộc sống bình thường…
Mãi đến tháng 8-2018, cơ duyên đưa chị đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bệnh nhân được hội chẩn với hội đồng động kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hội đồng động kinh Sainte Anne (Pháp) với chẩn đoán động kinh kháng thuốc, loạn sản vỏ thùy trán. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt tổn thương cho chị.
Hiện tại, sau phẫu thuật, chị T. không còn cơn giật, không còn biến chứng, không còn trầm cảm và tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Bác sĩ Trần Đình Văn - Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết hành trình tìm lại nụ cười, trao niềm tin và hi vọng cho chị T. là cả một hành trình dài không ngừng hết hi vọng của mẹ đẻ chị T. và sự nỗ lực của cô gái trẻ.
Bởi để trở thành ứng viên phẫu thuật động kinh cũng phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Bệnh nhân phải đảm bảo ít nhất 2 trong 3 điều kiện, đó là: lâm sàng phải phù hợp với điện não đồ; hình ảnh cộng hưởng từ phải tìm thấy tổn thương (chỉ định được chụp ở những trung tâm phẫu thuật thần kinh lớn, theo quy chuẩn quốc tế.
Bệnh nhân phải điều trị theo thuốc chống động kinh phù hợp ít nhất trong 2 năm, bệnh nhân được đánh giá test tâm lý thần kinh trước mổ, hội chẩn và quyết định phương án phẫu thuật…
Các bác sĩ đã tiến hành sử dụng kính vi phẫu, hệ thống định vị, phẫu thuật nội soi, có những trường hợp phải sử dụng điện não. Phẫu thuật để khu trú vùng sinh động kinh.
Theo bác sĩ Trần Đình Văn, với phương pháp này, động kinh tổn thương vùng sinh động kinh: xơ hóa hải mã, loạn sản vỏ, u não bậc thấp sẽ cho tỉ lệ khỏi 75-85%; với các thể động kinh khác như động kinh mất trường lực, tỉ lệ phẫu thuật thành công 50-60% (giảm cơn động kinh).
Hiện nay, ngoài phương pháp phẫu thuật cắt tổn thương còn có phương pháp khác như: kích thích dây X, phẫu thuật kích thích não sâu cũng là những tiến bộ đang chuẩn bị được áp dụng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
"Chứng kiến các cháu nhỏ động kinh, bố mẹ không dám cho con đi học, bắt ở nhà vì học kém đi, vì mặc cảm tự ti, vì trầm cảm, vì coi như hết hi vọng... Hàng trăm câu chuyện bắt gặp như vậy làm chúng tôi càng thêm quyết tâm điều trị, mặc dù còn rất nhiều khó khăn và thử thách", bác sĩ Trần Đình Văn chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận