07/06/2020 08:58 GMT+7

Phẫu thuật chuyển giới - Những bí mật chưa kể - Kỳ cuối: Ước mơ và sinh mệnh

MỄ THUẬN
MỄ THUẬN

TTO - Không chỉ hiểu rõ, dự đoán và xử lý tốt những sự cố xung quanh một ca phẫu thuật chuyển giới, mà Lâm Thanh Thảo đã dần trở thành 'chuyên viên' dinh dưỡng, tâm lý bất đắc dĩ cho cộng đồng chuyển giới...

Phẫu thuật chuyển giới - Những bí mật chưa kể - Kỳ cuối: Ước mơ và sinh mệnh - Ảnh 1.

Vẻ đẹp đầy nữ tính của Kaycee Chung sau phẫu thuật chuyển giới - Ảnh: NVCC

Thực sự đó là ca đại phẫu cực kỳ nguy hiểm, chẳng ai vì trào lưu mà đua đòi mổ xẻ. Tất cả đều là mơ ước cả đời và cũng là chuyện liên quan đến sinh mệnh.

LÂM THANH THẢO

Nghề nguy hiểm

Cách đây 10 năm, bản thân Thảo bị bao xơ ngực. Sự cố diễn ra vào thời điểm ba năm sau ca đại phẫu chuyển giới của cô. 

Lần đó, Thảo chuẩn bị một số tiền đi Thái Lan sửa ngực. Đến nơi cô mới biết mình không tốn phí vì được "bảo trì". Số tiền mang theo Thảo quyết định mua hormone dùng cho người chuyển giới đem về nước bán lại cho những người cần dùng.

Một cặp hormone đem đến tận nơi chích cho khách hàng, Thảo chỉ lời vài chục ngàn đồng. Làm nghề hát lô tô, thu nhập bấp bênh nên cô siêng năng kiếm thêm thu nhập. 

Lúc giao hormone, câu mọi người hay hỏi Thảo nhất là: "Chị ơi, em cũng muốn sang Thái chuyển giới, có gì chị dẫn em đi nha". Cứ thế, từ dẫn một người rồi hai người... và rồi một năm đưa đón 50-60 người. Mới đó mà đã 10 năm Thảo làm việc "đưa đò" này với hơn 500 trường hợp.

"Mình chỉ là người hướng dẫn, chăm sóc trước và sau phẫu thuật, còn chuyện sinh mạng các em nằm trong tay bác sĩ, và do chính sự tự ý thức tuân thủ các quy tắc trong sinh hoạt hậu phẫu nhằm tự bảo vệ mình của các em. Nhưng nếu có bất cứ bất trắc nào xảy ra thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của mình. Làm công việc này cực kỳ nguy hiểm là vì vậy", Thảo chia sẻ.

Không ai phẫu thuật vì trào lưu

10 năm gắn bó với công việc "đưa đò", 10 năm song hành cùng niềm vui được là con gái tròn vẹn của hàng trăm chị em là niềm hạnh phúc vô bờ với Thảo. 10 năm đủ để chị trải nghiệm để hiểu rõ những điều nên và không nên làm, ăn gì, không nên ăn gì... đối với người trải qua phẫu thuật chuyển giới

Nếu người nhà đi cùng chăm sóc không hiểu những điều đó, sơ sẩy một chút đều dẫn đến hậu quả khó lường.

"Chẳng hạn sau 14 ngày, bệnh nhân sẽ được bác sĩ đưa cho bộ cây nong đường âm đạo. Nhưng nếu không nghe kỹ, không hiểu rõ lời bác sĩ thì các cô gái và người nhà sẽ không biết nong cây như thế nào. 

Bởi nong nhẹ quá âm đạo sẽ bị cạn, nong sâu quá thì bung vết mổ. Cần nong vừa phải nhưng phải nong cho cứng, không được xoay, rồi cũng phải hiểu vết may nằm ở hướng nào để nong cây không gây tổn thương vết mổ...", Thảo lấy ví dụ.

Thảo ví dụ thêm ở giai đoạn 25 ngày sau phẫu thuật, vết mổ sẽ có những bã dơ do các đường may tạo ra, gọi là các đường mài. Nếu vết dơ này lòng thòng thì phải cắt ngang, còn ngứa tay giựt ra sẽ dẫn đến việc chảy máu rất nguy hiểm. 

"Nhiều bạn hai tháng sau vẫn liên tục hỏi Thảo về mọi vấn đề về sức khỏe. Hỏi cho tới khi nào cơ thể lành lặn, có thể quan hệ với bạn trai hoặc chồng mình được êm xuôi mới hết hỏi chuyện", Thảo vui vẻ cho biết.

Theo Thảo, điều quan trọng nhất với người có ý định chuyển giới từ nam sang nữ là phải sử dụng hormone chuyên dùng cho người chuyển giới trước phẫu thuật hai năm. 

Thời gian dùng hormone càng lâu, tâm lý của người chuyển giới càng ổn định, không bị sốc tâm lý vì những thay đổi của chính bản thân mình, đặc biệt là sự giảm sút đáng kể cảm giác hưng phấn trong quan hệ tình dục. Vì sau phẫu thuật, cơ thể không còn hiện tượng xuất tinh khi quan hệ nên cảm giác không còn mạnh mẽ, rạo rực như trước.

Đó cũng là lý do trước khi bước lên bàn mổ, người có nhu cầu phẫu thuật chuyển giới cần gặp hai bác sĩ tâm lý để làm các bài kiểm tra tâm lý. 

"Kinh nghiệm của Thảo cho thấy 100% các bạn đã dốc tâm dành dụm bao tháng ngày để có tiền qua Thái Lan phẫu thuật đều vượt qua các câu hỏi này một cách dễ dàng. Vì thực sự đó là ca đại phẫu cực kỳ nguy hiểm, chẳng ai vì trào lưu mà đua đòi mổ xẻ. Tất cả đều là mơ ước cả đời và cũng là chuyện liên quan đến sinh mệnh", Thảo khẳng định.

Phẫu thuật chuyển giới - Những bí mật chưa kể - Kỳ cuối: Ước mơ và sinh mệnh - Ảnh 3.

Lâm Thanh Thảo (giữa) cùng các chị em tại căn hộ phục vụ người phẫu thuật chuyển giới ở Bangkok - Ảnh: MỄ THUẬN

Người đưa đò điềm tĩnh

Thời điểm Thảo phẫu thuật và ở những năm đầu cô dẫn các chị em từ Việt Nam đi Thái chuyển giới, mọi thủ tục cho một ca phẫu thuật được tiến hành rất đơn giản. 

"Lúc đó bác sĩ không kiểm tra tâm lý, chỉ cần đóng viện phí đầy đủ là được hẹn ngày phẫu thuật. Ít năm sau bệnh viện yêu cầu người phẫu thuật phải trải qua phỏng vấn, làm bài kiểm tra tâm lý rất chi tiết", Thảo nhớ lại.

Cũng chính vì phát sinh các thủ tục này nên dịch vụ của Thảo cũng phải thêm chi phí thuê phiên dịch viên là 100 USD cho một lần phỏng vấn. 

Được nửa năm thuê phiên dịch viên, Thảo thấy tốn kém không cần thiết nên quyết định tự học thêm tiếng Thái, bên cạnh nâng cấp trình độ tiếng Anh để có thể phiên dịch cho các chị em. Vốn là người hoạt bát, nhanh nhảu nên mọi việc cũng không quá khó với Thảo.

Quá trình dẫn các chị em qua Thái Lan ngày một đông, việc thuê khách sạn cho chị em ở cũng dẫn đến chi phí phát sinh khó kiểm soát, Thảo quyết định thuê một căn hộ trong chung cư, ngay trung tâm Bangkok, sát bên nhà riêng bác sĩ Thep Vechavisit. Căn hộ này vì vậy được chị em gọi vui là "ngôi nhà bươm bướm". 

"Mặc dù tần suất phải gõ cửa bác sĩ Thep cầu cứu giữa đêm không nhiều nhưng vì sự an toàn tuyệt đối của mọi người, Thảo cố gắng duy trì việc thuê căn hộ này dù chi phí rất đắt đỏ", Thảo chia sẻ.

Ngày trước Thảo nói cô rất dễ nóng tính, dễ la mắng các cô gái vì bản thân chịu áp lực rất lớn với công việc. 

"Thời điểm đó tôi mới làm nên cũng không dám nhận tiền các bạn nhiều, không có kinh nghiệm tính toán các chi phí phát sinh nên thường xảy ra các trường hợp bị lỗ, thiếu hụt chi phí. Những lúc như thế mình dễ mệt, buồn chán và cáu gắt", cô nhớ lại. 

Hiện tại Thảo đã tự tin hơn, điềm tĩnh hơn khi đã hiểu rõ công việc, đường đi nước bước, dự đoán được tình hình.

"Bản thân mình đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong công việc là người đồng hành với các chị em đi phẫu thuật chuyển giới nên cũng muốn tiếp tục nối dài công việc này, giúp được nhiều bạn hơn nữa hoàn thành tâm nguyện cả đời của các bạn", Thảo tâm niệm.

Có trường hợp tử vong

Trong thời gian lưu lại bệnh viện chăm sóc các ca chuyển giới, Lâm Thanh Thảo nói chị chứng kiến và nghe rất nhiều trường hợp gặp các biến cố hậu phẫu xuất phát từ việc chăm sóc y tế chưa đúng mực.

Cá biệt mới đây có một ca người Philippines, sau phẫu thuật tại Thái Lan về tới nhà được ít ngày thì gặp sự cố dẫn đến tử vong.

Cụ thể, theo lời kể của nhóm bạn đi cùng đang còn lưu lại bệnh viện tại Thái Lan, cô bạn xấu số này khi thực hiện việc nong cây tại nhà đã làm không đúng cách, cô gái đã bị chảy máu nhưng gia đình không hay biết, dẫn đến mất máu quá nhiều và tử vong.

"Ở Việt Nam mình chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào như thế. Một phần cũng vì các cơ sở y tế và trình độ của y bác sĩ ở hầu hết các địa phương của chúng ta rất tốt nên có thể hỗ trợ kịp thời nếu các bạn có xảy ra sự cố gì đó.

Tuy vậy, tôi vẫn luôn hướng dẫn, theo dõi sát sao tất cả các ca phẫu thuật mà mình đã đưa các em đi và về.

Tôi luôn nhắc các em phải uống nước thật nhiều để không bao giờ tắc nghẽn đường tiểu, sau đó là việc nong cây phải làm đúng cách, chỉ một chút sai sót đều dẫn đến hậu quả khó lường", Thảo nhấn mạnh.

Phẫu thuật chuyển giới - những bí mật chưa kể - Kỳ 6: Người Phẫu thuật chuyển giới - những bí mật chưa kể - Kỳ 6: Người 'đưa đò' chuyển giới

TTO - 10 năm làm công việc chăm sóc trực tiếp cho hơn 500 ca đi Thái Lan phẫu thuật chuyển giới thành công, Lâm Thanh Thảo đã chứng kiến nhiều pha vào sinh ra tử cũng như nhìn rõ những nguy hiểm chực chờ của một ca phẫu thuật chuyển giới.

MỄ THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp