Bệnh nhi khi sinh ra đã mang khối u nặng 1kg - Ảnh: BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
Trước đó, ngày 9-11, bé T.L. (trú tỉnh Quảng Ninh) chào đời ở tuần thai thứ 36, nặng 3,2kg tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Khi sinh ra, bé mang trên mình 1 khối u bạch huyết chiếm toàn bộ nửa người bên trái gây biến dạng hoàn toàn vùng ngực, nách và cánh tay trái. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi trung ương lúc 3 ngày tuổi.
Bác sĩ CKII Lê Thị Hà - giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết bé nhập viện trong tình trạng tự thở. Các bác sĩ tại Trung tâm Sơ sinh đã hội chẩn cùng khoa sọ mặt và tạo hình, cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá tình trạng của trẻ.
Theo ThS.BS Đặng Hoàng Thơm, trưởng khoa sọ mặt và tạo hình, sau khi thăm khám, đánh giá mức độ thương tổn trên lâm sàng và trên phim chụp MRI, trẻ được chẩn đoán có khối u bạch huyết nửa người trái kích thước 20x20cm, u xâm lấn vào vùng cổ, nách, ngực bụng, cánh tay trái. Nếu không loại bỏ sớm, nguy cơ u phát triển nhanh gây chèn ép, loét da, nhiễm trùng, biến dạng nửa người trái, ảnh hưởng đến chức năng vận động của trẻ.
Sau 7 ngày được các y bác sĩ tại Trung tâm Sơ sinh tận tình chăm sóc để đảm bảo toàn trạng ổn định, 10 ngày tuổi, bé T.L. bước vào cuộc đại phẫu loại bỏ khối u khổng lồ khỏi cơ thể mình.
Êkip bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương thực hiện cắt bỏ khối u cho bệnh nhi - Ảnh: BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, trưởng êkip phẫu thuật, người trực tiếp thực hiện ca đại phẫu, cho biết đây là một ca phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi độ chính xác rất cao, cần có kế hoạch và chiến lược phẫu thuật tạo hình phù hợp.
Khi phẫu thuật nếu làm thương tổn vào mạch máu, thần kinh, cơ… sẽ để lại nhiều di chứng cho trẻ như liệt cánh tay, thiếu máu hoại tử, thậm chí phải cắt bỏ tay.
Ngoài ra, bệnh nhi là trẻ sơ sinh mới 10 ngày tuổi nên quá trình gây mê và hồi sức trong phòng mổ cũng đặc biệt phức tạp. Việc tạo hình che phủ, xử lý vạt da mỏng để bảo tồn sau cắt khối u và chuyển đổi vị trí quầng núm vú bị thay đổi so với giải phẫu bình thường cũng là vấn đề quan trọng, nếu không thực hiện tốt thì các kết quả trước đó không thể được đảm bảo.
"Êkip phẫu thuật đã xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, đánh giá mạng mạch chi phối cấp máu cho da, lựa chọn đường rạch da, thiết kế các vạt da và chuyển vạt da cơ nhằm đảm bảo việc cấp máu cho da, tránh tình trạng da bị hoại tử do thiểu dưỡng, đảm bảo hồi lưu tốt, không ảnh hưởng chức năng vận động vùng nách, vai của trẻ.
Đặc biệt, đây là một bé gái, trước phẫu thuật núm vú bên trái của bé bị đẩy xuống dưới và bên ngoài ở vùng bụng cách vị trí giải phẫu 17cm. Khi phẫu thuật, các bác sĩ phải bảo tồn được phức hợp quầng và đưa về vị trí giải phẫu sinh lý bình thường, đảm bảo tính thẩm mỹ về mặt hình thể cũng như chức năng ngực, vú của bé trong tương lai. Đây là một công đoạn khó, đòi hỏi độ chính xác và kỹ năng phẫu thuật cao", bác sĩ Thơm chia sẻ.
Bệnh nhi đã được cắt bỏ khổi u và hồi phục - Ảnh: BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
10 ngày sau phẫu thuật, vết thương của trẻ đã dần hồi phục, trẻ ăn ngủ tốt, chức năng vai và cánh tay trái vận động bình thường, phức hợp quầng núm vú sống tốt, hình thể bé cân đối, đảm bảo chức năng và thẩm mỹ. Trong thời gian tới, trẻ sẽ được tiến hành tiêm xơ để làm giảm nguy cơ và tỉ lệ tái phát của khối u bạch huyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận