Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sáng 19-6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc đề xuất 256.250 tỉ đồng đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là con số rất lớn so với thực lực ngân sách.
Nhằm góp thêm một góc nhìn về vấn đề này, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của kỹ sư Trần Văn Tường sau đây:
Thay vì đầu tư hàng ngàn công trình văn hóa thì đẩy mạnh xã hội hóa cơ sở hạ tầng, khuyến khích tổ chức, cá nhân tổ chức khai thác các hội chợ triển lãm hoặc hợp tác phát triển sản phẩm văn hóa, phát triển xanh.
Cơ quan chức năng có thể đặt hàng thiết kế sáng tạo ý tưởng mới lồng ghép phát triển văn hóa trong giải quyết các bất cập kẹt xe, ngập nước, bảo vệ môi trường, cải tạo đô thị, quy hoạch xây dựng.
Xã hội hóa hạ tầng cứng đối với các dự án trung tâm thể thao, trung tâm văn hóa cũng như các công trình điêu khắc, nghệ thuật. Nếu có cách tiếp cận đúng và được đầu tư khai thác tốt không chỉ phục vụ hiệu quả đời sống người dân mà còn kéo theo các ngành dịch vụ, thu hút du lịch.
Chúng ta từng có bài học kinh nghiệm khi giao các nhà hát, rạp chiếu phim, công trình văn hóa cho quốc doanh quản lý và khai thác đã xảy ra tình trạng xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả vì "cha chung không ai khóc". Sau đó, xã hội hóa cho tư nhân thực hiện đã tính toán chi li, lượng khách hàng và giải pháp tăng thêm, cách thức tổ chức không lãng phí vì "đồng tiền đi liền khúc ruột".
Xã hội hóa rạp chiếu phim mang đến hiệu quả đáng kể, không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm gánh nặng ngân sách mà còn thu thuế. Đến nay hầu hết các rạp chiếu phim có lợi nhuận đều do tư nhân đầu tư và quản lý hiệu quả, khai thác khá tốt.
Tư nhân có thể làm tốt nếu được tạo điều kiện, cạnh tranh trên thị trường giúp có thêm các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng cao hơn. Với các dự án, công trình nhà hát, trung tâm thể thao như sân vận động hoàn toàn có thể xã hội hóa đầu tư, khai thác công trình.
Nếu cơ quan nhà nước đứng ra làm, đầu tư rồi quản lý khai thác chỉ để cạnh tranh với tư nhân thì không cần thiết. Nên để dành nguồn lực đó đầu tư vào những nơi thị trường bỏ ngỏ nhằm tạo sức lan tỏa, kích thích nhu cầu phát triển cho các khu vực ngoại thành, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn chưa thể xã hội hóa.
Thực tế khâu cung cấp các dịch vụ văn hóa, tham quan, vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện dễ thấy nhất tại các khu du lịch, rạp chiếu phim, nhà hát, sân khấu... tư nhân đáp ứng không bao giờ kém, thậm chí ngày càng tốt hơn.
Vai trò chính quyền nên thiết kế chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, tạo điều kiện về thủ tục, miễn giảm thuế, ưu đãi về mặt bằng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận