16/04/2022 15:27 GMT+7

Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ

TRẦN MINH THI
TRẦN MINH THI

TTO - Sự cần thiết trong việc nâng cao chất lượng không gian công cộng đôi bờ sông Sài Gòn là rất rõ ràng. Để làm được điều đó, chúng ta cần hình thành chiến lược phát triển và khung thiết kế đô thị cụ thể.

Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ - Ảnh 1.

Cầu đi bộ thiết kế bởi Ramboll - Nguồn: Fredrik Rege. 2021

Tên tuổi của những đô thị lớn trên thế giới luôn đi cùng với cái tên của dòng sông chảy qua. Dòng sông là khởi nguồn, là nguồn mạch phát triển và cũng là một phần thương hiệu của đô thị.

Sài Gòn từ thuở ban đầu đã mang trong mình bản sắc đô thị sông nước đậm đặc nhưng qua thời gian Sài Gòn phát triển mà quên mất dòng sông và kênh rạch. Sự phát triển của dòng sông Sài Gòn luôn song hành với sự phát triển của không gian công cộng dọc theo đôi bờ.

Được thiết kế tốt, những không gian này sẽ nhấn mạnh sự hiện diện của sông Sài Gòn, giúp khôi phục hình ảnh sông nước, mang đến thay đổi tích cực cho bộ mặt cảnh quan thành phố.

Chính cư dân đô thị sẽ là những người được thừa hưởng những tiện ích và hoạt động tại những điểm đến như vậy mang lại. Đi kèm theo đó là sự gia tăng giá trị các khu vực xung quanh mang lại nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ.

Ngược lại, những không gian công cộng ven sông kém chất lượng sẽ trở thành rào cản thật sự. Những nơi như vậy không đủ hấp dẫn để người dân lui tới, vô tình đã tách hẳn hình ảnh dòng sông ra khỏi đời sống thường nhật, chia cắt cảnh quan đô thị nhân tạo và cảnh quan mặt nước tự nhiên.

Sự cần thiết trong việc nâng cao chất lượng không gian công cộng đôi bờ sông Sài Gòn là rất rõ ràng. Để làm được điều đó, chúng ta cần hình thành chiến lược phát triển và khung thiết kế đô thị cụ thể. Tiếp theo đó là hiện thực hóa tầm nhìn bằng cách đề xuất những phương án hay, những dự án đầu tư đúng chỗ, đúng lúc.

Nhưng trước tiên hãy thử cùng nhau tìm hiểu thực trạng bằng cách điểm qua 4 nhóm vấn đề chính. Bắt đúng bệnh sẽ tìm đúng thuốc.

1. Kết nối kém và giao thông tiếp cận thiếu hiệu quả

- Tiếp cận bộ hành còn khó khăn (luồng người đi bộ giao cắt trực tiếp với luồng giao thông cơ giới mật độ và tốc độ cao)

- Kém đa dạng về loại hình giao thông tiếp cận, chưa phát huy được hết mức loại hình giao thông thủy

- Thiếu hụt hệ thống bến bãi.

- Thiếu liền mạch giữa các khu vực, không có kết nối bộ hành giữa hai bờ sông.

2. Cảnh quan kém đặc sắc - Trải nghiệm sông nước thiếu trọn vẹn

- Chủ đề không gian công cộng còn chung chung, thiếu điểm nhấn, rập khuôn, đôi khi lạm dụng quá mức hình ảnh bông sen.

- Bờ kè sông còn thiếu đa dạng về mặt hình thức khiến trải nghiệm dòng sông chỉ dừng ở mức ngắm nhìn.

3. Đặc trưng về nơi chốn và yếu tố lịch sử mờ nhạt

Thiếu hẳn những yếu tố giúp hình thành liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giúp gợi nhớ về lịch sử văn hóa gắn liền với sông nước.

Mục tiêu và tầm nhìn phát triển 

1. Tăng cường kết nối và chú trọng giao thông tiếp cận

- Đặt lên ưu tiên hàng đầu tiếp cận bộ hành và xe đạp.

- Tổ chức giao thông tiếp cận đa phương thức, chú trọng giao thông công cộng và phát huy thế mạnh giao thông thủy.

- Tổ chức hệ thống bến bãi phù hợp.

- Bổ sung kết nối bộ hành nối liền đôi bờ. Tạo sự dẫn dắt, kết nối liền mạch giữa các không gian công cộng.

2. Tạo lập cảnh quan hấp dẫn gắn chặt với trải nghiệm sông nước

- Lựa chọn chủ đề và câu chuyện thiết kế lấy yếu tố nước làm đối tượng chính.

- Đa dạng hóa trải nghiệm thưởng ngoạn ngắm cảnh bằng cách khai thác ưu thế sông nước trong thiết kế cảnh quan.

3. Khai thác đặc trưng nơi chốn - tạo lập liên kết với quá khứ

- Trân trọng di sản và tìm ra giải pháp khéo léo để bảo tồn, nâng tầm giá trị di sản.

- Khai thác đặc trưng sông nước trong thiết kế để tạo lập bản sắc cho nơi chốn.

Tổng hòa cả ba mục tiêu trên cho phép chúng ta định hình tầm nhìn phát triển.

Không gian công cộng đôi bờ sông Sài Gòn là điểm đến hấp dẫn cho tất cả mọi người. Đó sẽ là những không gian đầy sức sống của thành phố hiện đại với đặc trưng nơi chốn rõ ràng, mang đậm bản sắc sông nước.

Những đề xuất cụ thể 

Hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn đề ra cần những dự án cụ thể, thực thi theo từng giai đoạn. Dưới đây là một vài đề xuất cụ thể áp dụng cho phân đoạn sông Sài Gòn từ Ba Son cho đến cột cờ Thủ Ngữ.

1. Kết nối thuận tiện hiệu quả

- Bố trí cầu bộ hành kết nối đôi bờ, tuy nhiên cần lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp. Cây cầu nên đóng vai trò như tuyến bộ hành liền mạch nối từ phố đi bộ Nguyễn Huệ qua công viên bến Bạch Đằng và sang tới công viên bờ sông Thủ Thiêm.

- Hình thành tuyến điểm buýt đường sông kết nối bờ Tây và bờ Đông.

- Bố trí bãi xe đạp, bến xe buýt và trạm xe tự hành công cộng ở vị trí thuận tiện.

Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ - Ảnh 2.

Gợi ý vị trí cầu đi bộ nên ở gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, kết nối trực tiếp qua tới công viên bến Bạch Đằng và công viên bờ sông Thủ Thiêm. Cây cầu ở vị trí này cũng đóng vai trò như một tuyến kết nối di sản

Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ - Ảnh 3.

Bố trí bến bãi giao thông đa phương thức

2. Cảnh quan đa dạng và hấp dẫn

- Thiết kế cảnh quan lấy cảm hứng từ câu chuyện sông nước, hình ảnh trên bến dưới thuyền.

- Kết hợp hình thức mặt nước tự nhiên và mặt nước nhân tạo.

- Tạo điều kiện để phát triển các loại hình hoạt động gắn liền với nước.

- Tổ chức hệ kè bờ sông một cách đa dạng về mặt hình thức.

- Bố trí nghệ thuật công cộng lấy nước làm chủ đề.

Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ - Ảnh 4.

Chicago Riverwalk được thiết kế bởi Sasaki với các hình thức kè sông đa dạng, tạo điều kiện cho nhiều loại hình hoạt động - Nguồn: Christian Phillips Photography-Kate Joyce Studios. 2016

3. Trân trọng và nâng tầm di sản

- Trùng tu, cải tạo và nâng tầm di sản, nhất là những di sản gắn liền với sông Sài Gòn (cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Ba Son và ụ tàu Ba Son…).

- Tổ chức không gian trưng bày, nghệ thuật công cộng gợi nhớ về từng giai đoạn phát triển của đô thị luôn gắn chặt với dòng sông Sài Gòn, với đời sống trên bến dưới thuyền.

- Tạo sự liên kết, dẫn dắt giữa các công trình lịch sử trong khu vực.

Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ - Ảnh 5.

Bảo tàng Hàng hải quốc gia Đan Mạch do BIG thiết kế thể hiện sự tôn trọng di sản thông gia giải pháp độc đáo để bảo tồn cấu trúc ụ tàu - Nguồn: Luca Santiago Mora. 2013

Những không gian công cộng liền kề mặt sông mặt nước vô cùng quý giá. Nếu biết cách khai thác, những không gian này không những tôn lên vẻ đẹp vốn có của dòng sông mà còn hình thành nên hệ thống điểm đến vui chơi-giải trí-nghỉ ngơi phục vụ trực tiếp nhu cầu tinh thần của cư dân đô thị.

Và điều đó phải chăng cũng là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá một đô thị đáng sống, kéo theo đó là sự gia tăng về vị thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và nhân tài.

Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ - Ảnh 6.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Mong mỏi quảng trường mới ven sông của TP.HCM Mong mỏi quảng trường mới ven sông của TP.HCM

Ven sông Sài Gòn đang hình thành một khu phức hợp bất động sản hàng hiệu mang tên Grand Marina, Saigon được định hình trở thành quảng trường mới của TP.HCM, đóng góp nhiều giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội cho thành phố.

TRẦN MINH THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp