Sáng 17-1, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí và thông tin những vấn đề quan trọng liên quan đến tình trạng kẹt xe cuối năm, nghị định 168 và thành tựu giao thông trong năm qua.
Tập trung làm đường sắt đô thị
Tại buổi gặp gỡ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị là giải pháp cốt lõi để giải quyết triệt để vấn đề kẹt xe vốn đã tồn tại lâu nay tại TP.HCM.
Theo kế hoạch, TP.HCM bổ sung 12 tuyến metro với tổng chiều dài 510km, hoàn thành vào năm 2045. Đây là bước đi cần thiết cho một đô thị có dân số cao như TP.HCM, trong khi hiện tại chỉ có duy nhất tuyến metro số 1.
"Việc phát triển đường sắt đô thị không thể chậm trễ. Chúng ta đang đối mặt với nhu cầu bức thiết về giao thông công cộng, và metro là giải pháp mang tính bền vững. Chính phủ và các cấp thẩm quyền đã tính toán đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống này, với 42 tỉ USD dành cho 7 tuyến metro từ nay đến năm 2035", ông Lâm cho biết.
Về chính sách đặc thù để phát triển metro, ông Lâm cho hay TP.HCM sẽ trình Quốc hội các cơ chế đặc thù ngay trong tháng 2 năm nay. Những chính sách này sẽ giúp thành phố chủ động hơn trong việc triển khai làm các tuyến metro, đồng thời có thể xử lý nhanh chóng các vướng mắc trong thời gian xây dựng.
"Chúng ta không thể chần chừ mà phải làm ngay và chắc chắn phải làm được. Hệ thống đường sắt đô thị không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là nền tảng để TP.HCM phát triển bền vững, hiện đại hơn", ông Lâm nhấn mạnh.
Với tầm nhìn dài hạn, hệ thống metro sẽ không chỉ giảm áp lực lên giao thông đường bộ, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kết nối các loại hình công cộng khác, giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn.
Nhiều thành tựu về giao thông
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, năm 2024, ngành giao thông TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số liệu thống kê cho thấy tai nạn giao thông giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí và 7/9 điểm đen tai nạn giao thông đã được xử lý.
Vận tải hành khách công cộng cũng đạt 504,4 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt 105,6% kế hoạch đề ra. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,44%, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, thành phố còn đạt được nhiều bước tiến trong quản lý giao thông thông minh như sử dụng camera AI, điều khiển giao thông từ xa, và thí điểm cân xe tự động để xử phạt vi phạm hành chính. Qua một năm triển khai, số vi phạm giao thông giảm đến 92,91%, với 4.759 trường hợp bị xử lý.
Bên cạnh đó, TP.HCM đã xây dựng hoàn thành đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày hôm qua. Đồng thời chuẩn bị đầu tư 5 dự án BOT đường hiện hữu, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và khởi công ít nhất 2 dự án…
"Nhiệm vụ trong năm 2025 sẽ nhiều hơn, nhưng Sở Giao thông vận tải sẽ nỗ lực hoàn thiện hồ sơ trình chính sách đặc thù để làm nhanh hơn các dự án trọng điểm. Trong đó, khởi công vành đai 2, khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể vành đai 4.
Chúng ta sẽ phát hành trái phiếu, quỹ đất dọc các tuyến metro. Thành phố sẵn sàng làm nhiều dự án trọng điểm hơn nữa để phát triển, xây dựng đô thị ngày càng hiện đại", ông Lâm cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận