Bạn trẻ TP.HCM xem triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật Miền cổ tích của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên năm 2018 - Ảnh: TIẾN VŨ
Điều này phù hợp với đường lối phát triển văn hóa nghệ thuật của Đảng được ghi trong nhiều nghị quyết: Tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân, chấp nhận mọi khuynh hướng và phong cách.
Ý kiến được nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ tại hội thảo khoa học "Từ Hội Văn hóa cứu quốc đến Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam - những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa văn nghệ" do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 19-11 tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhân dịp Hội nghị văn hóa toàn quốc sắp diễn ra ngày 24-11.
Khi chuyển sang công nghiệp văn hóa thì phải thay đổi cơ chế kiểm duyệt nghệ thuật. Vì nó đã là kinh tế rồi, nó phải đáp ứng thị trường, thị hiếu người mua. Đòi kiểm duyệt cả nhu cầu của người mua tức là đang phá thị trường chứ không phải là xây dựng thị trường. Hãy để cho người mua tự lựa chọn nền văn hóa nghệ thuật của mình.
Nhà phê bình mỹ thuật PHAN CẨM THƯỢNG
"Tác giả chuyên nghiệp, khán giả trung lưu"
Phát biểu cuối cùng trong hội thảo, ý kiến của nhà phê bình và nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận được sự tán thưởng lớn của các đại biểu.
Đóng góp ý kiến để đưa văn hóa nghệ thuật vào nền kinh tế, có thị trường mà gần đây thường được hô hào là phát triển công nghiệp văn hóa, ông Phan Cẩm Thượng nói đầu tiên phải xây dựng được hệ thống tác giả (nghệ sĩ) chuyên nghiệp, sau đó là phải xây dựng tầng lớp trung lưu là đối tượng tiêu thụ sản phẩm văn hóa nghệ thuật trong xã hội, đồng thời phải tháo bỏ cơ chế kiểm duyệt.
Về yếu tố tác giả (nghệ sĩ) chuyên nghiệp, ông Thượng nói trong nền kinh tế công nghiệp, chỉ có những ai trở thành tác giả mới kinh doanh được.
Sân khấu, phim ảnh nếu không có diễn viên ngôi sao thì kịch bản có hay, được đầu tư cũng không bán được vé. Không ai đi xem bóng đá nếu không có các cầu thủ ngôi sao... Đây là điều tự nhiên của nền công nghiệp văn hóa, phải có sự trưởng thành của tác giả - nghệ sĩ mới sinh ra thị trường văn hóa nghệ thuật.
Tiếp theo là phải có đối tượng tiêu thụ văn hóa nghệ thuật - tầng lớp trung lưu đông đảo. "Chỉ tầng lớp trung lưu mới mua sách, xem kịch, mua tranh... Tầng lớp trung lưu phát triển đến đâu thì thị trường nghệ thuật phát triển đến đấy" - ông Thượng nói.
Và đặc biệt, ông Thượng đặt câu hỏi liệu có thể phát triển công nghiệp văn hóa khi vẫn duy trì cơ chế kiểm duyệt?
Ông Thượng cho biết hiện nay không kể các nước phương Tây mà ngay như các nước ở Đông Nam Á hầu như cũng đã bỏ kiểm duyệt. Một trong những lý do là nhiều loại hình nghệ thuật mới khiến việc tiền kiểm là không khả thi.
Tranh có thể duyệt được nhưng nghệ thuật trình diễn (Performance) thì không thể bởi nó chỉ xảy ra lúc nghệ sĩ trình diễn, nó không xảy ra trước đó, cũng không xảy ra sau đó.
Nếu người nắm quyền kiểm duyệt chỉ lo giữ ghế thì vô cùng tệ hại cho sự phát triển của sáng tạo. "Tôi ví dụ như trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2015 có một anh vẽ những ông mặc comple rất đẹp, trang nhã nhưng đầu toàn là đầu trâu, bò.
Hội đồng nghệ thuật ban đầu đã duyệt cho treo rồi nhưng cuối cùng hội đồng nghĩ lại và quyết định loại bỏ. Họ rất sợ chịu trách nhiệm với những tiếng nói như thế" - ông Thượng nói.
Bỏ kiểm duyệt, đã đặt ra từ lâu
Mặc dù ghi nhận có những tiến bộ nhỏ trong kiểm duyệt gần đây nhưng theo ông Thượng, có một cơ chế khác hiệu quả hơn ngoài kiểm duyệt của Nhà nước, đó là cơ chế đạo đức nghề nghiệp của nghệ sĩ. Đó là người làm nghệ thuật bao giờ cũng lấy chủ nghĩa nhân văn để sáng tác, nếu đi ngược lại thì nghệ thuật ấy sẽ tự chết.
Trung Quốc hiện nay cũng bắt đầu áp dụng hậu kiểm thay vì tiền kiểm như trước đây, theo ông Thượng, là hay hơn. Nếu nghệ sĩ vi phạm phong tục tập quán, đạo đức thì sẽ cấm hoạt động 1 - 2 năm, thậm chí cấm vĩnh viễn.
Về đề xuất bỏ kiểm duyệt trong văn hóa văn nghệ, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Xuân Đoàn bày tỏ đồng tình và cho biết yêu cầu xóa bỏ kiểm duyệt không phải bây giờ mới được đặt ra mà nó đã được đặt ra từ lâu.
Ông Đoàn cũng đồng tình rằng do hạn chế về khả năng, kiến thức, nền cốt văn hóa, một số người quản lý có thể khó cảm nhận được ngôn ngữ nghệ thuật khác truyền thống, khiến họ và nghệ sĩ bị vênh quan điểm trong nhiều trường hợp.
Từng nhiều năm ngồi ở Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương, chứng kiến quá trình đổi mới nghệ thuật với vai trò một người làm quản lý, ông Lương Xuân Đoàn cũng chứng kiến nhiều câu chuyện không vui của kiểm duyệt từ cấp cơ sở. Nhưng ông Đoàn xem lại thì thấy không có gì ở những triển lãm đó để phải cấm.
Triệt tiêu nỗ lực cá nhân
Theo ông Đoàn, việc kiểm duyệt theo lối sợ trách nhiệm của một số nhà quản lý trong một thời gian đã làm triệt tiêu nỗ lực cá nhân, mặc dù đường lối văn nghệ của Đảng từ nghị quyết 05 đến nghị quyết trung ương 5 khóa VIII, nghị quyết 23, 33 vẫn một sợi chỉ xuyên suốt là: Tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân, chấp nhận mọi khuynh hướng và phong cách.
"Việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống có những khó khăn, gần như chỉ được một phần thôi. Hệ thống quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa ở trung ương đã có những bất cập với sự phát triển của đời sống nhưng xuống đến các địa phương còn khó khăn nữa" - ông Đoàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận