15/07/2024 08:54 GMT+7

Phát súng 'mở cửa' Nhà Trắng cho ông Trump

Chiều tối 13-7 giờ địa phương (khoảng 5h sáng 14-7 theo giờ Việt Nam), cả thế giới rúng động trước tin ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump bị bắn trúng vào tai giữa thanh thiên bạch nhật khi đang vận động tranh cử ở bang Pennsylvania.

Bức ảnh ông Trump giơ nắm đấm và phía sau là quốc kỳ Mỹ sau khi bị bắn đã lan tỏa mạnh trên mạng xã hội - Ảnh: AP

Bức ảnh ông Trump giơ nắm đấm và phía sau là quốc kỳ Mỹ sau khi bị bắn đã lan tỏa mạnh trên mạng xã hội - Ảnh: AP

Vụ mưu sát không chỉ gợi nhớ lại thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Mỹ mà có thể tạo bước ngoặt lớn cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.

Hình ảnh "Donald Trump tử vì đạo"

Gần như cùng thời điểm ông Trump bị bắn ở thành phố Butler, bang Pennsylvania, Tổng thống Mỹ Joe Biden có một cuộc họp trực tuyến bị mô tả "thảm họa" với các dân biểu Đảng Dân chủ.

Theo trang Axios, Tổng thống Biden đã lớn tiếng, hét vào mặt Hạ nghị sĩ Jason Crow của bang Colorado khi nhận câu hỏi về những hoài nghi đối với khả năng lãnh đạo của ông.

Khoảnh khắc nghi phạm 20 tuổi nổ súng bắn ông Trump

Khi ông Biden bị chính những thành viên Đảng Dân chủ tại cuộc họp ấy ngầm chỉ trích, ông Donald Trump - đối thủ chính trị lớn nhất của ông ở Đảng Cộng hòa - trải qua khoảnh khắc chết hụt sau một vụ ám sát bất thành trong lúc ông đang tranh cử ở thành phố Butler. Và sau khoảnh khắc lịch sử này, ông Trump nổi lên như một người hùng trong mắt cử tri.

Nghi phạm nổ súng đã chết và được nhận diện. Ông Trump bị bắn sượt ở tai bên phải (chỉ cách đầu vỏn vẹn 3cm) và hiện đã an toàn. Hình ảnh đáng nhớ nhất đọng lại sau vụ mưu sát là khoảnh khắc cựu tổng thống Mỹ đứng lại giữa vòng vây các nhân viên an ninh, giơ cao nắm đấm và hô to nhiều lần: Fight (chiến đấu).

Tài khoản Donald Trump Jr. (con trai ông Trump) trên X đã đăng bức ảnh của AP kèm dòng tweet "Ông ấy sẽ không bao giờ ngưng chiến đấu để cứu lấy nước Mỹ" đã thu hút hơn 12 triệu lượt xem (tính đến chiều 14-7 giờ Việt Nam). Tại cuộc phỏng vấn nhanh với báo Politico hôm 14-7, dân biểu Cộng hòa Derrick Van Orden (bang Wisconsin) khẳng định: "Tổng thống Trump không chết vì vụ tấn công. Ông ta vừa đắc cử".

Nhìn chung đa số giới phân tích, dù yêu hay ghét ông Trump, cho rằng việc sống sót sau một vụ mưu sát như vậy đã mang lại cú hích cho ứng viên Đảng Cộng hòa này trên đường đua vào Nhà Trắng.

Ông có thể tiếp tục tận dụng sức mạnh từ hình ảnh mang tính biểu tượng đó để thuyết phục cử tri, hoặc ít nhất cũng khiến phe trung lập và phản đối cảm thông hơn. Một "Donald Trump tử vì đạo" gần như chắc chắn càng in sâu vào tâm trí những người ủng hộ ông.

"Hình ảnh ấy dĩ nhiên sẽ quyết định khoảnh khắc này, nếu không muốn nói là toàn bộ chiến dịch tranh cử của Trump. Đã có hàng loạt điểm bùng phát trong chiến dịch này tính tới nay, và đây có lẽ là điểm quyết định. Nó có thể biến ông Trump từ một người tử vì đạo thành một vị thánh trong mắt những người ủng hộ của ông ta", tờ Conversation nhận định.

Cách ông Trump phản ứng tích cực và mạnh mẽ sau vụ nổ súng được xem là "bàn thắng" thứ hai của ông trước đương kim Tổng thống Biden, sau khi ông Trump thắng thuyết phục đối thủ trong lần tranh luận trực tiếp cách đây chưa lâu.

Giữa bối cảnh ông Biden chịu áp lực kêu gọi bỏ cuộc từ phe Dân chủ, "màn chết hụt" của ông Trump rất có khả năng là "cú đấm" quyết định cho cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Toàn cảnh vụ mưu sát ông Donald Trump - Nguồn: Washington Post. Việt hóa: Duy Linh

Toàn cảnh vụ mưu sát ông Donald Trump - Nguồn: Washington Post. Việt hóa: Duy Linh

Mối lo bạo lực chính trị

Phát súng

Vụ Pennsylvania lần này là mưu sát đầu tiên nhắm vào một tổng thống hoặc ứng viên tổng thống Mỹ kể từ khi tổng thống Ronald Reagan bị bắn vào năm 1981.

Trường hợp ông Reagan bị bắn xảy ra sau giai đoạn đen tối của nước Mỹ khi hàng loạt chính trị gia bị ám sát như John F. Kennedy (1963), Robert F. Kennedy (1968) và George Wallace (1972).

Lần này, ông Trump là người hiếm hoi vừa là cựu tổng thống vừa là ứng viên đang tranh cử.

Sự kiện Pennsylvania là điềm may cho ông Trump nhưng cũng là lời cảnh báo cho sự chia rẽ và nguy cơ bạo lực chính trị ở xứ cờ hoa.

Hôm 14-7 giờ Mỹ, khi cuộc điều tra vụ mưu sát ông Trump chỉ ở giai đoạn đầu, một số ý kiến từ Đảng Cộng hòa đã đổ lỗi cho phe Dân chủ.

Thượng nghị sĩ J. D. Vance (bang Ohio), một trong những ứng viên sáng giá cho vị trí phó tướng của ông Trump, khẳng định vụ ám sát bắt nguồn từ việc ông Biden mô tả ông Trump như một kẻ độc tài, phát xít và rằng ông Trump "phải bị ngăn chặn bằng mọi giá" trong các diễn ngôn tranh cử của mình. "Giọng điệu này trực tiếp dẫn tới vụ mưu sát tổng thống Trump", ông Vance cáo buộc.

Theo ông David Axelrod - chiến lược gia của Đảng Dân chủ, câu hỏi thực sự sau toàn bộ vụ việc là liệu nước Mỹ có lùi lại hay dấn sâu vào chia rẽ và bạo lực.

Karl Rove, cựu phó chánh văn phòng Nhà Trắng, cũng chia sẻ mối quan tâm tương tự: "Điều khiến tôi lo lắng là liệu việc này đã xong chưa, hay ta đang tiến vào giai đoạn như từ 1963 tới 1981 đây?".

Rất nhanh sau vụ mưu sát ông Trump, phe Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội thúc đẩy một cuộc điều tra, điều này sẽ dẫn đến những chất vấn và cả nghi hoặc về động cơ cuộc mưu sát, được đánh giá không khác cuộc điều tra vụ bạo lực xảy ra tại đồi Capitol trước đây.

Chờ đại hội Đảng Cộng hòa

Ngày 15-7 (giờ Mỹ) sẽ là ngày Đảng Cộng hòa khai mạc đại hội toàn quốc tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, kéo dài bốn ngày (từ 15 tới 18-7). Dự kiến các ngôi sao đang lên của Đảng Cộng hòa sẽ phát biểu bên cạnh ông Trump, người cũng sẽ công bố chọn ứng viên tranh cử đồng hành với mình. Ngay sau vụ mưu sát, đội ngũ của ông Trump khẳng định ông sẽ dự đại hội cùng phu nhân Melania.

Giới quan sát cho rằng hiện nay cách ông Trump và người ủng hộ ông đề cập tới vụ mưu sát vừa qua sẽ rất quan trọng với tương lai cuộc bầu cử. Wisconsin là một trong các bang "chiến trường", có khả năng quyết định cuộc bầu cử tháng 11.

Nghi phạm là cử tri của Đảng Cộng hòa

Theo báo New York Times, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác định nghi phạm bị lực lượng chức năng tiêu diệt tại hiện trường vụ mưu sát cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tên là Thomas Matthew Crooks (20 tuổi), đến từ quận Bethel Park, bang Pennsylvania.

Lực lượng chức năng cho biết nghi phạm bị bắn hạ trên nóc một tòa nhà gần nơi ông Trump tổ chức sự kiện vận động tranh cử. Thi thể Crooks được tìm thấy bên cạnh một khẩu súng trường tấn công bán tự động AR-15.

Crooks tốt nghiệp phổ thông năm 2022 và nhận "giải thưởng ngôi sao" trị giá 500 USD từ Tổ chức Sáng kiến toán và khoa học quốc gia cùng năm.

Báo New York Times cho biết hồ sơ đăng ký cử tri của bang Pennsylvania cho thấy Crooks đã đăng ký làm cử tri chính thức của Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên quan điểm chính trị của đối tượng này vẫn còn dao động vì Crooks từng ủng hộ 15 USD cho một ủy ban hành động chính trị cấp tiến thông qua nền tảng quyên góp ActBlue của Đảng Dân chủ. Thời điểm quyên góp diễn ra đúng ngày 20-1-2021, ngày nhậm chức tổng thống của ông Joe Biden.

Hung thủ bắn ông Trump Hung thủ bắn ông Trump 'ngoan, hiền' nhưng lại trữ nhiều thuốc nổ

Khẩu súng trường bán tự động AR-15 mà nghi phạm sử dụng để bắn ông Trump là súng của cha nghi phạm mua. Các quan chức liên bang vẫn đang nỗ lực tìm hiểu thời điểm và cách thức nghi phạm có được khẩu súng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp