03/01/2025 13:40 GMT+7

Phạt nặng vi phạm giao thông, không dám vi phạm

Sáng 2-1, người dân trở lại làm việc sau nghỉ Tết dương lịch 2025. Đây cũng là ngày thứ hai nghị định 168 quy định về mức xử phạt mới đối với các vi phạm giao thông chính thức có hiệu lực, với nhiều hành vi vi phạm bị phạt rất cao.

Phạt nặng, không dám vi phạm - Ảnh 1.

Người đi xe đều dừng trước vạch chờ khi có đèn đỏ tại nút giao Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: HỒNG QUANG

Sau hai ngày thực thi nghị định 168, việc tăng mức xử phạt đối với các vi phạm giao thông thu hút sự quan tâm lớn của xã hội.

Một Hà Nội khác lạ

Trở lại làm việc, anh Lê Văn Phương (ở đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có chút cẩn trọng hơn trước khi cầm vô lăng. Người đàn ông 31 tuổi thắt dây an toàn rồi đánh lái chiếc ô tô ra khỏi hầm chung cư, hòa vào dòng người hướng về Ngã Tư Sở.

"Mình nghe nói mức phạt giao thông tăng nhưng không nhớ cụ thể từng lỗi. Với mình, khi lái xe cần quan sát kỹ biển báo, đèn tín hiệu và tuân thủ các quy định an toàn thì mức phạt có tăng cũng không đáng sợ", anh Phương nói.

Khoảng 7h30, khung giờ cao điểm buổi sáng bắt đầu. Trên các trục đường vành đai 2, vành đai 3, quốc lộ 6..., lưu lượng xe cộ đông đúc. Tuy nhiên tại các nút giao, một hình ảnh hiếm thấy ở Hà Nội: xe cộ nghiêm túc đứng ngay hàng thẳng lối trước vạch đèn đỏ.

Trên nhánh đường từ Nguyễn Xiển đi Nguyễn Trãi, người đàn ông trung tuổi đi xe máy có ý định tăng ga thì một giọng nói phía sau vọng lên "Phạt 5 triệu đấy!", thế là anh này lập tức cho phanh chiếc xe ngay trước vạch dừng khi đèn đỏ bật lên.

Chị Lan Hương (ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai) nói trong hai ngày vừa qua, hình ảnh tại các ngã tư cho thấy về một Hà Nội khác lạ hoàn toàn.

Đó là hình ảnh những hàng xe đỗ trước vạch dừng như được "kẻ" thẳng tắp, là những nhịp đèn vàng mà hiếm hoi lắm mới có người cố băng qua.

Tuy nhiên vẫn xuất hiện một số trường hợp cố tình băng qua ngã tư khi đèn đã bật đỏ. Họ thừa nhận là ngại không muốn dừng xe, thấy các xe khác cũng vượt đèn đỏ, muốn đi về sớm lâu dần thành thói quen, nhất là khi không có cảnh sát.

Tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, N.T.H. (21 tuổi, sinh viên) cho biết đang trên đường vội đi thi nên có lỡ vượt đèn đỏ. Khi được cảnh sát thông báo mức phạt 4-6 triệu đồng, cô gái liền bật khóc vì "không nghĩ hành vi này lại bị xử phạt nặng như vậy".

Phạt nặng, không dám vi phạm - Ảnh 2.

Tại giao lộ đường vành đai 3 - Khuất Duy Tiến (Hà Nội) vào sáng 2-1 có lưu lượng xe rất đông nhưng các tài xế vẫn chấp hành nghiêm quy định khi đèn chuyển đỏ, tất cả xe cộ đều đứng trước vạch chờ - Ảnh: HỒNG QUANG

"Ít ai dám nữa"

Tại TP.HCM, sau hai ngày áp dụng nghị định 168, cảnh sát giao thông TP.HCM đã lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm lỗi có mức phạt tăng như vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, chạy xe máy trên vỉa hè, nồng độ cồn...

Bên cạnh đó cảnh sát cũng lập biên bản hành vi mới áp dụng xử phạt lần đầu tiên trong nghị định.

Lúc 10h10 ngày 1-1, Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an Thủ Đức dừng xe Đ.X.Đ. (22 tuổi) vì chạy xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Bá. Đ. sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng, trừ hai điểm trên giấy phép lái xe (nghị định trước phạt 400.000 - 600.000 đồng).

"Tôi khá bất ngờ vì mức phạt chạy xe máy trên vỉa hè tăng quá cao, tăng gấp 10 lần so với nghị định trước. Mức phạt tăng cao thế này mà xử lý nghiêm thì tôi nghĩ ít ai dám chạy lên vỉa hè nữa" - Đ. nói.

7h50, cảnh sát giao thông Đội tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM phát hiện L.N.T. (22 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chạy xe máy vượt đèn đỏ tại giao lộ Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh (ngay vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh) nên dừng xe kiểm tra. T. sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng, bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe (nghị định trước phạt 800.000 - 1 triệu đồng).

"Tôi nghĩ cơ quan chức năng đưa ra mức phạt cao cũng để răn đe. Cũng như tôi, bữa nay vi phạm vượt đèn đỏ, với mức phạt 5 triệu thì hôm sau không dám tái phạm nữa", anh T. thổ lộ.

7h58, cảnh sát phát hiện anh N.M.Đ. (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng) chạy xe máy ngược chiều trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Anh Đ. sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng, bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (nghị định trước phạt 1-2 triệu đồng).

"Trước đây đi ngược chiều với xe máy mức phạt còn nhẹ. Bây giờ áp dụng nghị định mới, tôi thấy mức phạt cao hơn nhiều. Với mức phạt cao như vậy sẽ đủ sức răn đe và tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt", anh Đ. bày tỏ.

Theo đại diện Phòng cảnh sát giao thông, trong ngày 1-1 cảnh sát giao thông TP.HCM xử phạt gần 1.600 trường hợp vi phạm, tạm giữ 664 xe máy, 18 phương tiện khác và tạm giữ hơn 300 giấy phép lái xe.

Phạt nặng, không dám vi phạm - Ảnh 3.

Một hình ảnh thường thấy tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM: người đi bộ qua đường thoải mái mỗi khi có đèn đỏ - Ảnh: T.T.D.

Hướng đến xây dựng văn hóa giao thông

Tại đường vành đai 3 giao đường Dương Đình Nghệ, tổ công tác của Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 6 còn in hình ảnh để người vi phạm ký xác nhận.

"Bước sang năm 2025, ý thức tham gia giao thông tại Hà Nội đã có nhiều thay đổi đột phá", TS Trần Hữu Minh (chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đánh giá.

Ông Minh cũng nêu hình ảnh ở các nút giao thông tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương trong hai ngày đầu năm mới là những dấu hiệu rất tích cực về ý thức chấp hành các quy định pháp luật. Điều này vốn đặt ra để bảo vệ sự an toàn của chính người dân.

Tuy nhiên điều này cũng đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý cần làm sao duy trì một môi trường giao thông mà sự tuân thủ như một thói quen bền vững. Hướng đến xây dựng văn hóa giao thông, mọi người ra đường đều trở về nhà an toàn.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), sau hai ngày triển khai các quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và các nghị định liên quan, ý thức tham gia giao thông của người dân bước đầu đi vào kỷ cương, chấp hành.

Đại tá Phạm Quang Huy (phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông) cho biết trong năm 2024 có 3.065 vụ do tài xế đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định.

Các sự cố này làm chết 1.423 người, bị thương 2.764 người. "Việc tùy tiện khi lái xe, coi thường quy tắc giao thông là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có", ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho biết việc tăng nặng mức phạt tiền, kèm theo là các hình thức nghiêm khắc như tịch thu phương tiện, tước bằng lái xe có thời hạn, trừ điểm bằng lái… là một trong những biện pháp ngăn chặn vi phạm, giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại xảy ra do tai nạn.

Ông cũng nêu quan điểm khi cơ quan chức năng nâng mức xử lý vi phạm hành chính là nhằm mục tiêu để răn đe, giáo dục một bộ phận người dân tham giao thông nhưng ý thức chưa tốt; đồng thời khích lệ động viên và bảo vệ đại đa số người tham gia giao thông, để mọi người ra đường đều được trở về nhà an toàn.

"Đã đến lúc phải thay đổi những thói quen xấu khi lái xe vì nó làm méo mó văn minh đô thị và hình ảnh của đất nước", ông Huy nói.

Phạt nặng, không dám vi phạm - Ảnh 4.

Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) xử lý nhiều trường hợp vi phạm - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đang xanh đột ngột đỏ chỉ là thí điểm

Phạt nặng, không dám vi phạm - Ảnh 5.

Shipper chở hàng hóa che khuất biển số bị lập biên bản tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết việc bỏ đếm giây đèn tín hiệu chỉ là đề xuất và thí điểm diện hẹp ở một vài nút giao thông tại TP.HCM.

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định rõ đèn giao thông có ba màu vàng, xanh, đỏ. Đồng thời luật cũng quy định đèn tín hiệu vẫn có loại có đồng hồ đếm giây.

Về băn khoăn cho rằng một số giao lộ đèn tín hiệu có thể gặp trục trặc, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết tại các nút giao thông hiện nay, đại đa số đều được trang bị hệ thống camera giám sát.

Người tham gia giao thông sẽ không bị phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này, do đối với phạt nguội, lực lượng chức năng sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản.

Đối với phạt trực tiếp, lực lượng phụ trách đèn sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông tại chốt thông báo vi phạm vượt đèn đỏ để dừng, xử lý, đồng thời gửi clip từ trung tâm cho cảnh sát tại chốt thông báo cho người vi phạm.

Người dân khi gặp trường hợp bị lập biên bản xử phạt chưa thỏa đáng có quyền khiếu nại.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Bảo (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận một số phản ánh về tín hiệu đèn giao thông "đang xanh đột ngột chuyển đỏ".

Đơn vị này đang rà soát, kiểm tra để khắc phục nhanh nhất tình trạng này. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đồng thời có nhóm điều hành tiếp nhận thông tin, từ đó kịp thời phát hiện trục trặc về kỹ thuật.

Khi có sự cố đèn tín hiệu, ông Bảo khẳng định đơn vị duy tu sẽ xử lý ngay lập tức, không để kéo dài.

Hiện toàn Hà Nội có hơn 800 nút đèn giao thông, nhưng theo ông Bảo, nơi có đèn bị trục trặc sự cố kỹ thuật rất ít.

"Tại các nút giao thường sẽ có camera giao thông soi thẳng vào đèn tín hiệu, điều này giúp cơ quan chức năng phát hiện được tình trạng đèn tín hiệu giao thông đang xanh bỗng dưng đỏ và cũng là căn cứ để người dân không bị xử phạt oan", phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nói.

Đà Nẵng: người dân chấp hành khá tốt

Theo ghi nhận ở Đà Nẵng, tại nhiều nút giao thông trên các tuyến đường, đa phần người dân đều chấp hành khá tốt. Tuy nhiên vẫn còn một số người vi phạm và khi bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe, thông báo mức phạt thì nêu đủ lý do.

Tại chốt kiểm tra của Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Thanh Khê trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, chỉ trong vài giờ đã phát hiện nhiều người lái xe máy "dính" các lỗi như chuyển hướng không bật đèn xi nhan, vượt đèn đỏ, vừa đi xe vừa nghe điện thoại…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại úy Nguyễn Ngọc Thịnh, cán bộ Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Thanh Khê, cho biết trong ngày 1 và 2-1 tổ công tác đã phát hiện xử lý trên 50 trường hợp vi phạm. Nếu tính cả các tổ công tác khác của đơn vị thì tổng số trường hợp bị xử lý trên 100.

Ngoài các lỗi nêu trên, đại úy Thịnh cho biết thêm là vào thời điểm buổi tối khi tổ công tác tuần tra trên các tuyến đường phát hiện nhiều người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn. Khi biết mức phạt, người vi phạm nêu đủ lý do như đi chơi Tết dương lịch, dự liên hoan, sinh nhật…

Cần Thơ: Kết hợp tăng cường tuyên truyền

Sau hai ngày nghị định 168 có hiệu lực, ghi nhận tại ngã tư đường Trần Hoàng Na - Ba Tháng Hai, ngã ba Trần Văn Hoài - Ba Mươi Tháng Tư, ngã tư Nguyễn Văn Linh - Ba Tháng Hai… (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), người lái xe máy và xe ô tô chấp hành tốt đèn tín hiệu giao thông, chưa ghi nhận tình trạng vượt đèn đỏ.

Tuy nhiên tại khu vực thường xảy ra tình trạng chạy ngược chiều như từ hẻm 51 ra đường Ba Tháng Hai, hay tuyến đường dân sinh cầu Cái Răng vẫn còn tình trạng người lái xe máy chạy ngược chiều.

Thượng tá Trương Văn Cảnh, trưởng Phòng tham mưu Công an Cần Thơ, cho biết lực lượng làm nhiệm vụ vừa xử phạt kết hợp với tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành vì nghị định 168 đã có hiệu lực.

Phạt nặng, không dám vi phạm - Ảnh 6.Phạt nặng để xây dựng văn hóa giao thông

Chỉ có thực thi nghiêm pháp luật thông qua công nghệ giám sát, tuần tra, xử lý, lâu ngày dần trở thành thói quen mới xây dựng được văn hóa giao thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp