Một nhóm bạn trẻ tại TP.HCM cùng công nhân vệ sinh truyền đi thông điệp đừng xả rác nơi công cộng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trước đó, phóng sự “Tại TP.HCM, miệng cống là bãi rác” đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi và đề nghị phải xử phạt thật nặng hành vi thiếu ý thức này.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến sau đây của những người trong cuộc.
Hành vi vứt, thải rác trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng
* Ông NGUYỄN HOÀNG ANH DŨNG (phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP):
Cống lớn cỡ nào bị bít cũng tắc
Trong lòng cống có đủ loại rác: nào là phế phẩm ăn thừa, chai lọ thủy tinh, hộp xốp, bao nilông... Người dân để rác tại các miệng cống, bịt chỗ thu nước. Có những đoạn kênh, rạch rác dày đến nỗi bước đi qua được.
Dù có đầu tư cống lớn cỡ nào, nhiều bao nhiêu nhưng các miệng hố ga thu nước bị bít rác thì nước cũng không thoát được. Đường Lý Chính Thắng, Q.3 hay đường Trần Nhân Tông, Q.5 dù mới đầu tư cống nhưng nhiều trận mưa nước vẫn ngập lình bình.
Kiểm tra thì thấy rác bít các miệng hố ga, khi tháo rác ra thì chỉ vài chục phút nước rút hết. Hiện nay mỗi lần mưa chúng tôi phải huy động hàng trăm công nhân thoát nước chỉ làm mỗi việc là vớt rác tại miệng hố ga.
Tình trạng xả rác như vậy không chỉ gây ngập mà còn làm đô thị nhếch nhác, ô nhiễm môi trường. Hằng năm thông qua các hội đoàn, tổ dân phố chúng tôi có tuyên truyền việc người dân không nên xem miệng hố ga là nơi để rác, để rác đúng quy định.
Lực lượng Đoàn thanh niên cũng thực hiện vẽ, viết chữ "Đừng để rác ở đây, rác làm tắc cống gây ngập" hay vẽ tranh kêu gọi bảo vệ môi trường trên nắp cống... Tuy nhiên vẫn chưa chuyển biến.
Mới đây, Trung tâm chống ngập đã liệt kê 175 tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng xả rác gửi các cơ quan chức năng mong có biện pháp xử lý.
Mong các địa phương hỗ trợ xử lý quyết liệt chuyện xả rác để tình trạng ngập nước giảm hơn, giúp những công nhân thoát nước đỡ vất vả, nguy hiểm hơn khi phải ngụp lặn trong lòng cống đầy rác, kim tiêm...
* NGUYỄN THỊ KIỀU DUYÊN (Q.Thủ Đức, TP.HCM):
Phạt tại chỗ, phạt qua camera
Tôi thấy nhiều người, nhất là người buôn bán quán ăn uống vỉa hè thường xuyên đổ nước, thức ăn thừa, xương, khăn ướt... xuống miệng cống.
Tôi mong các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện phạt tại chỗ hoặc xử phạt qua hình ảnh camera đối với các hành vi xả rác tùy tiện như trên. Mặc dù mức phạt tiền theo quy định là cao, nhưng như vậy thì người vi phạm mới sợ.
Bên cạnh đó, tôi ủng hộ hình thức xử phạt lao động công ích đối với người vi phạm thay vì phạt tiền, bị phạt một lần dọn cống chắc sẽ sợ tới già.
Ngoài ra, tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên tổ chức xe tuyên truyền lưu động, loa, tờ rơi... tuyên truyền đến từng hộ dân, nhất là tập trung vào các hộ buôn bán hàng rong, ăn uống vỉa hè để người dân ghi nhớ thực hiện cho đúng.
* Anh NGUYỄN HỒNG VIỆT (30 tuổi, giám đốc Công ty Hoa Nói):
Thay đổi để thay đổi hành vi
Quan trọng nhất là ý thức. Ý thức thay đổi thì hành vi mới thay đổi. Bạn bè tôi cũng vứt mẩu thuốc lá ra đường với tâm lý "chỉ là một mẩu thuốc lá". Nhưng thử hình dung nhiều người làm như vậy: mẩu thuốc lá, vỏ kẹo, vỏ chai nước... thì khối lượng rác sẽ bao nhiêu?
Ba mẹ vứt rác bừa bãi thì con trẻ cũng sẽ làm theo. Do đó, bên cạnh giáo dục từ gia đình, chúng ta để con trẻ trải nghiệm một ngày làm công nhân vệ sinh, trẻ sẽ hiểu nỗi cơ cực của công nhân quét rác để từ đó thay đổi nhận thức.
Trên thực tế đã có những chương trình như thế.
Ngoài ra, thay vì ghi những khẩu hiệu sáo rỗng, thiếu hình ảnh ấn tượng thì hãy thay đổi phương thức tuyên truyền hiệu quả hơn như lấy chủ đề bắn pháo hoa "Bầu trời tỏa sáng, mặt đường sạch rác".
Những chương trình hội chợ, triển lãm, chương trình ca nhạc... cũng kèm thêm chủ đề xanh như chương trình ca nhạc Câu chuyện hòa bình vừa diễn ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Sau chương trình, mọi người đã tự dọn sạch rác.
Hiện nay, có rất nhiều người trẻ đã thay đổi hành vi theo hướng tích cực và nỗ lực thay đổi cộng đồng bằng các dự án về môi trường.
Như chúng tôi đã từng truyền đi thông điệp ngưng xả rác bằng cách để công nhân tự viết nên nỗi vất vả của họ trên những tấm bảng, đăng tải lên mạng xã hội và đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực.
Những nhóm khác cũng có những dự án tương tự và mục đích cuối cùng là để thay đổi hành vi xả rác của người Việt.
Nhiều người trẻ cũng bắt đầu đem rác về nhà nếu không có thùng rác như người Nhật. Nhiều trẻ em được giáo dục tốt nên ý thức rất cao. Một số quán đã dùng ống hút tre, inox để thay thế ống nhựa...
Đó là tín hiệu tốt để tin vào tương lai gần nhưng vẫn phải xem cuộc chiến ý thức là cuộc chiến lâu dài.
* Sinh viên ĐOÀN HỒNG VÂN (Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM):
Chế tài đi kèm với giáo dục
Thói quen xả rác vô tội vạ là một tật xấu có ở các tầng lớp, kể cả trí thức. Nhưng đáng buồn nhất là nhiều người trẻ dù rất bảnh bao nhưng lại không biết giữ gìn môi trường, bạ đâu vứt rác đấy.
Ngay cả những buổi sinh hoạt, hoạt động ngoài trời, dã ngoại... cũng xả.
Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên đó là ý thức kém, không được giáo dục ngay từ nhỏ. Thứ hai, có thể do "tính bầy đàn", thấy người này xả, người khác cũng xả.
Nếu bước vào những nơi ngay từ đầu đã có quy định, xử phạt rõ ràng thì ai cũng có ý thức: sẽ không xả.
Một minh chứng là người Việt sang Singapore có ai dám xả rác đâu, vì bị chế tài nặng. Điều đó cho thấy quy định, chế tài chặt chẽ sẽ chi phối hành vi của con người bên cạnh giáo dục và môi trường sống.
Đừng nghĩ rằng việc thu gom rác là của công nhân vệ sinh. Cần phải thấy rằng đằng sau hành động xả rác tưởng chừng như rất nhỏ đó lại tiêu tốn tiền bạc, công sức của xã hội và sức khỏe của người khác.
Và trường lớp phải dạy từ những bài học sơ đẳng như thế, cha mẹ phải giáo dục con cái ý thức từ những chuyện nhỏ như thế và ngay cả những hoạt động xã hội của các tổ chức Đoàn - Hội cũng phải giáo dục những điều như vậy.
* Ông HOÀNG HỮU ĐỊNH QUỐC (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM):
Phải triệt nguồn xả rác!
Rác tập trung nhiều nhất ở những khu đông dân cư như bệnh viện, bến xe, trường học, chợ... Có hai vấn đề, một là trang bị thùng rác chưa đủ, chưa phù hợp để người dân bỏ vào.
Thứ hai, ý thức của người dân chưa tốt, bạ đâu quăng đấy. Nếu ai cũng đem rác bỏ đúng nơi quy định, để rác trong thùng rồi xe rác đến gom đi thì rác sẽ không có đường chảy xuống cống.
Rác ảnh hưởng lớn đến việc thoát nước. Để giảm tình trạng này, cái cơ bản là triệt nguồn xả rác, đánh mạnh vào ý thức người dân. Phía công ty cũng nghiên cứu những lưới chắn để làm sao hạn chế việc rác trôi xuống cống.
Nhưng cuối cùng vẫn là ý thức người dân, người dân để rác đúng quy định thì rác đâu nữa mà lọt xuống cống!
* Luật sư HỨA THỊ THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM):
Phạt tiền và nên phạt lao động công ích
Theo điểm d, khoản 1, điều 20 của nghị định 155 năm 2016, hành vi vứt, thải rác trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng.
Mức phạt đó đủ sức răn đe người vi phạm.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có quá ít việc xử phạt vi phạm trên từ lực lượng chức năng. Điều đó làm giảm hiệu quả răn đe, ngăn ngừa hành vi xả rác của quy định.
Do vậy, tôi cho rằng cần tổ chức lực lượng để phát hiện và xử phạt thật nghiêm hành vi vi phạm thì bảo đảm người vi phạm sẽ sợ.
Phạt tiền người có thu nhập và đồng thời nên nghiên cứu để có quy định phạt người vi phạm lao động công ích, phục vụ cộng đồng (dọn rác, dọn vệ sinh tại nơi dân cư...) như là hình phạt chính bên cạnh phạt tiền mà nhiều nước đã áp dụng.
Hình phạt này áp dụng với những người buôn bán hàng rong, người có thu nhập thấp.
Theo bạn, việc nhiều người hồn nhiên mang rác ra vứt xuống miệng cống gần nhà mình là góp phần làm hại mình? Làm sao để trị dứt điểm thói quen xấu này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận