16/12/2021 09:05 GMT+7

Phát huy nguồn lực Việt ở nước ngoài

QUỲNH TRUNG thực hiện
QUỲNH TRUNG thực hiện

TTO - 600.000 trí thức có trình độ trên đại học, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Đây được xem là nguồn lực chất xám lớn để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Phát huy nguồn lực Việt ở nước ngoài - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà lưu niệm cho kiều bào có nhiều đóng góp xây dựng phát triển TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bên lề Hội nghị ngoại giao lần 31 diễn ra tại Hà Nội ngày 15-12, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Lương Thanh Nghị - phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) thuộc Bộ Ngoại giao - về các giải pháp thu hút nguồn lực kiều bào ở nước ngoài để phục vụ sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19.

Trong môi trường số như hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng không nhất thiết các trí thức, các nhà khoa học phải về Việt Nam. Họ có thể ở nước ngoài mà vẫn đóng góp hiệu quả tích cực cho quê hương".

Ông Lương Thanh Nghị (phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)

Phát huy nguồn lực Việt ở nước ngoài - Ảnh 3.

Ông Lương Thanh Nghị - phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

* Những đóng góp của kiều bào trí thức Việt ở nước ngoài cho đất nước trong thời gian qua được đánh giá là rất lớn, quan điểm của ông về nhận định này như thế nào ?

- Kiều bào của chúng ta trong nhiều năm qua có những đóng góp hết sức thực chất và hiệu quả vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trên hai lĩnh vực tài lực và trí lực. Tài lực ở đây là số lượng các doanh nghiệp kiều bào đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam rất nhiều. Riêng về đầu tư, tính đến cuối năm 2020, kiều bào đã đầu tư trên 360 dự án với tổng số vốn 1,6 tỉ USD.

Việt Nam cũng luôn đứng trong top 10 quốc gia nhận kiều hồi lớn nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới dự báo lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 18,06 tỉ USD, tương đương 5% GDP của Việt Nam. 

Về trí lực, phải nói trong suốt nhiều năm qua, lực lượng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên về nước cộng tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các bộ ngành địa phương để hiến kế cũng như đóng góp cho sự phát triển nền khoa học công nghệ Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống và học tập, đã hình thành nên những mạng lưới cũng như các câu lạc bộ tri thức ở nước ngoài và gắn bó hết sức chặt chẽ với trong nước. 

Chẳng hạn, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) có trụ sở tại Pháp, quy tụ trên 200 thành viên. Hay nhóm sáng kiến Việt Nam ở Mỹ, các mạng lưới diễn đàn tri thức khoa học công nghệ của người Việt tại Nhật Bản, Hà Lan, Phần Lan, Đức, Ba Lan, Mỹ...

* Bộ Ngoại giao đã có những sáng kiến gì để thúc đẩy thu hút chất xám Việt Nam ở nước ngoài cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thưa ông?

- Đầu tháng này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp cùng Bộ KH-CN ra mắt Mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ, quy tụ hơn 20 chủ tịch của các diễn đàn tri thức người Việt ở nước ngoài. 

Ngoài ra, hằng năm chúng tôi vẫn tổ chức rất nhiều diễn đàn, hội thảo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút rất nhiều ý kiến, đóng góp hết sức tâm huyết của các trí thức, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cho việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Chính từ những hội thảo, diễn đàn như vậy, cùng với sự vào cuộc của rất nhiều bộ ngành, như Bộ KH-CN, Bộ KH-ĐT, Bộ GD-ĐT... dần dần chúng ta đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối có chất lượng, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà trí thức công nghệ trong và ngoài nước. 

Trước đó, vào năm 2018, Ủy ban NVNONN đã phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ KH-CN thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ Việt Nam trên thế giới, quy tụ hàng nghìn chuyên gia trí thức, người Việt ở nước ngoài. Mạng lưới này đang hoạt động hết sức hiệu quả.

Phát huy nguồn lực Việt ở nước ngoài - Ảnh 4.

Ông Hoàng Thế Bân (kiều bào Nhật), giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt Nhật, giám sát đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM, sáng 15-12 - Ảnh: TỰ TRUNG

* Theo ông, cần có giải pháp gì để thu hút hiệu quả hơn nữa chất xám Việt ở nước ngoài?

- Chúng tôi mong muốn các cơ quan có liên quan cùng với Bộ Ngoại giao xây dựng cơ chế chính sách hoàn thiện hơn, thực chất hơn để thu hút ngày càng đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là phải xây dựng được môi trường để các nhà khoa học chúng ta tự do sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của khoa học công nghệ trong nước.

Kế đến, cần những đặt hàng rất cụ thể của các bộ ngành, các địa phương, đối với các chuyên gia, nhà khoa học. Ba là làm thế nào để có sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài vào các dự án, đề án cụ thể ở trong nước. Cuối cùng, chúng tôi cho rằng rất quan trọng: phải xây dựng được cơ chế phản hồi, tiếp thu ý kiến ở trong nước đối với các chuyên gia trí thức người Việt ở nước ngoài.

Kết nối trực tuyến trong đại dịch

Trong năm 2021, theo ông Lương Thanh Nghị, với bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Ủy ban NVNONN đã nỗ lực kết nối trực tuyến với kiều bào để tìm giải pháp cho các vấn đề nóng của đất nước.

Ủy ban NVNONN đã tổ chức rất nhiều hội thảo trực tuyến dành cho các chuyên gia về dịch tễ, về bệnh truyền nhiễm, y tế... hiến kế cho TP.HCM cũng như cho Việt Nam những giải pháp cho việc phòng chống dịch, trong việc tiêm vắc xin hay những thuốc đặc trị cho COVID-19.

Ngoài ra, Ủy ban NVNONN đã tổ chức các hội thảo trực tuyến về chuyển đổi số và phục hồi kinh tế sau đại dịch, có sự tham gia của đông đảo nhà khoa học Việt Nam ở rất nhiều địa bàn như Mỹ, Pháp, Hà Lan, Đức, Singapore...

"Chúng tôi đã thu hút những ý kiến và đóng góp rất tâm huyết để giúp đất nước phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, kinh tế tuần hoàn..." - ông Nghị cho biết.

Ông Hà Kim Ngọc (đại sứ Việt Nam tại Mỹ): Trọng dụng là vấn đề then chốt

Tiềm năng trí thức người Việt ở Mỹ rất lớn. Số lượng trí thức người Việt ở Mỹ hiện có khoảng 200.000 người. Đây cũng là cộng đồng có học vấn rất cao trong những cộng đồng nhập cư ở Mỹ, với 55% có trình độ đại học và tương đương, 23% trình độ thạc sĩ (cao hơn tỉ lệ trung bình ở Mỹ) và 10% tiến sĩ.

Ngoài ra, có rất nhiều trí thức người Việt có tên tuổi ở Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật cơ bản, vật lý, vũ trụ, công nghệ thông tin... Chúng tôi nhìn thấy đây là một nguồn tài nguyên, nguồn lực rất lớn để có thể tận dụng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Vừa qua có nhiều trí thức người Việt đã về nước, hợp tác đào tạo về giáo dục, làm những dự án về khởi nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ đó chỉ là bước khởi đầu. Tiềm năng còn rất lớn, chúng ta cần tiếp tục huy động nguồn lực này để đóng góp cho đất nước.

Bản thân những trí thức người Việt ở Mỹ cũng muốn được đóng góp cho quê hương. Gần đây, tôi có gặp một trí thức trẻ gốc Việt làm về tài chính mà cách đó chỉ một tuần, công ty của bạn đã được định giá 1 tỉ USD. Bạn này rất mong muốn đóng góp cho quê hương.

Nhiều bạn nói rằng họ có thể đầu tư ở Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil, thế nhưng vẫn quyết định đầu tư ở Việt Nam bởi đó là quê hương. Do đó, điều quan trọng là làm sao chúng ta tạo được môi trường, phương tiện, cơ sở vật chất làm việc để có thể hấp dẫn, thu hút người Việt ở nước ngoài.

Đã có nhiều câu chuyện kiều bào Việt ở Mỹ về nước kinh doanh rất thành công, nhưng cũng có những trí thức Việt kiều khi trở lại Mỹ nói rằng họ không được "trọng dụng" như những trí thức ở nước ngoài cũng như trí thức ở trong nước, mặc dù họ có trình độ tương đương, thậm chí tốt hơn.

Tôi cũng có kiến nghị tại hội nghị lần này là đối với các địa phương phải có chính sách hết sức cụ thể, chế độ ưu đãi cho các kiều bào trí thức và tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự "trọng dụng". Điều then chốt là chúng ta phải "trọng dụng" họ, bởi họ sẵn sàng từ bỏ địa vị giàu sang để đồng cam cộng khổ với đồng bào trong nước.

Ông Phạm Bình Đàm (tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong, Trung Quốc): Chính sách và biện pháp cần đi đôi

Hong Kong đang vào cuộc đua thu hút chất xám toàn cầu để phục vụ cho những kế hoạch phát triển rất tham vọng của họ, trong đó một số trí thức Việt Nam bắt đầu vào Hong Kong, như giáo sư, nhân lực quản lý cao.

Ngoài ra, bắt đầu từ năm nay, Hong Kong mở visa (thị thực) cho sinh viên Việt Nam. Điều khác biệt ở đây là họ chỉ tuyển các sinh viên xuất sắc. Trong tương lai khá gần, sẽ có lượng trí thức trẻ người Việt tốt nghiệp ở Hong Kong, và nhiều khả năng là họ có thể làm việc ở Hong Kong, Singapore.

Việt Nam có lực lượng trí thức trẻ rất đông, rất phong phú. Họ học ở các trường học danh tiếng trên thế giới. Khi ra trường, họ sẽ được các tập đoàn hàng đầu săn tìm. Các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phải kết nối với họ từ khi họ còn là những sinh viên xuất sắc. Đấy là điều mà tôi đang quan tâm. Tôi đang duy trì quan hệ chặt chẽ với các bạn sinh viên trẻ, tài năng đang du học ở Hong Kong, hiện tại khoảng 100 người.

Để thu hút lượng chất xám trẻ này, tôi nghĩ các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học cần có những chính sách tương đối đột phá, xem họ là những nguồn nhân lực quốc tế, chất lượng cao để thu hút họ về làm việc thường trực. Ngoài ra, chúng ta cần huy động họ tham gia các dự án cụ thể, tạo môi trường thân thiện để họ cống hiến.

Trong trái tim mỗi người Việt ở nước ngoài, ai cũng mong muốn đóng góp một phần cho đất nước. Nhưng để thu hút họ, chúng ta cần có chính sách đãi ngộ tốt cũng như các biện pháp hiệu quả, ở đây là vận động trực tiếp từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ông Mai Phước Dũng (đại sứ Việt Nam tại Singapore): Chính sách tốt nhưng cần cụ thể hóa

Singapore có nhiều trí thức người Việt, trong đó có giáo sư Vũ Minh Khương - người từng tham gia Ban cố vấn Thủ tướng. Anh Khương là trưởng nhóm hành trình Việt, tập hợp các trí thức nổi tiếng của Singapore, trong đó có nhiều trí thức trẻ. Họ luôn hướng về đất nước, đóng góp cho quê hương, họ mong muốn tham gia các dự án nghiên cứu phát triển của Việt Nam. Anh Khương cũng thường xuyên gửi về Việt Nam các nghiên cứu của mình để đóng góp cho quê hương.

Singapore cũng có nhiều bạn trẻ người Việt làm trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ thông tin và họ rất giỏi. Nếu chúng ta thu hút được nguồn lực này thì rất tốt, đặc biệt là sắp tới Việt Nam - Singapore hợp tác về chuyển đổi số, nếu tận dụng được nguồn chất xám này thì rất tuyệt vời. Nhà nước ta có nhiều chính sách thu hút chất xám Việt Nam ở nước ngoài tốt rồi, nhưng quan trọng là phải cụ thể hóa các chính sách này bằng những dự án, chương trình cụ thể phù hợp.

Q.TRUNG ghi

Phát huy nguồn lực Việt ở nước ngoài - Ảnh 7.

Công nhân sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ tại công ty do doanh nhân Nguyễn Phạm Thị Mỹ Hương (Việt kiều Mỹ) đầu tư ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Anh Huỳnh Thành Nhân (nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Đại học Toronto, Canada): Tôi sẽ về Việt Nam khởi nghiệp

Học đại học tại Mỹ và làm nghiên cứu sinh ở Canada kể từ năm 2011, tôi đã có 10 năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Phòng lab nơi tôi đang làm việc chuyên phát triển các chất giúp bất hoạt các protein ở những tác nhân gây bệnh, chủ yếu từ virus và vi khuẩn. Ứng dụng của các chất này rất phong phú, trong đó có thuốc trị COVID-19.

Dù sống ở Canada, nơi có điều kiện nghiên cứu và công việc rất tốt, nhưng với dự định sẽ về Việt Nam lập nghiệp, tôi cũng tìm hiểu về môi trường nghiên cứu và ứng dụng của lĩnh vực y sinh tại Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu này đang phát triển và tôi tin trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa tại Việt Nam.

Tôi luôn hy vọng một ngày có thể mở công ty của riêng mình và Việt Nam sẽ cho tôi cơ hội để thực hiện ước mơ này. Có thể trong vòng 5 năm hoặc ngắn hơn, tôi sẽ về Việt Nam để thực hiện giấc mơ này.

Bà Phan Bích Thiện (chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt Nam, chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary): Kiều bào sẵn sàng làm việc từ xa

Hơn 600.000 chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực và nguồn chất xám rất lớn. Dù lượng kiều hối gửi về hằng năm rất quan trọng nhưng nếu Việt Nam tận dụng được chất xám của trí thức, chuyên gia kiều bào thì đất nước sẽ có lợi nhiều hơn nữa. Tôi rất mừng là những năm gần đây Việt Nam đã có những chính sách để thu hút và chú trọng tận dụng trí thức của kiều bào.

Đơn cử là gần đây có thành lập mạng lưới trí thức, chuyên gia kiều bào kết hợp các hội trí thức ở 18 quốc gia. Các hội thảo kết nối trí thức kiều bào cũng thường xuyên diễn ra để tư vấn, hiến kế cho Việt Nam về nhiều lĩnh vực. Đây là hướng đi rất đúng đắn của Nhà nước.

Về thu hút kiều bào về nước làm việc, theo tôi, phương án khả thi là mời trí thức kiều bào về Việt Nam giảng dạy, huấn luyện, tư vấn... trong một khoảng thời gian. Bây giờ làm việc trực tuyến rất khả thi. Họ vẫn làm việc tại cơ quan, tiếp tục các dự án, công trình nghiên cứu của mình ở nước ngoài và chỉ cần về nước vài tháng hoặc một năm.

Kiều bào rất muốn đóng góp cho đất nước, chỉ mong làm sao đưa kiến thức, kinh nghiệm ở nước ngoài về áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, để ghi nhận sự đóng góp của lực lượng này, cũng mong Nhà nước có cơ chế khen thưởng hoặc có một phần đãi ngộ, không cần bằng như ở nước ngoài nhưng cũng là có ghi nhận.

HỒNG VÂN ghi

Thủ tướng nêu phương châm 14 chữ cho ngành ngoại giao Thủ tướng nêu phương châm 14 chữ cho ngành ngoại giao

TTO - Ngoại giao cần phải 'tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, hiệu quả và cùng phát triển', Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần 31 tại Hà Nội ngày 15-12.

QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp