Những cuộc gặp gỡ giữa kiều bào và lãnh đạo TP.HCM trong ngày 2-2 đem đến cảm nhận niềm khát khao cống hiến cho quê hương của bà con xa quê vẫn luôn mãnh liệt. Và cũng từ đây đặt ra bài toán TP.HCM làm gì để phát huy hiệu quả nguồn kiều hối đang tăng trưởng hiện nay?
Bàn đầu tư xanh, nghị quyết 98
Tất bật trong lịch chương trình dày đặc, ông Trần Hải Linh, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, cho biết vẫn đang kết nối thêm những hoạt động kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư cho kiều bào cũng như nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Linh, kiều hối chỉ là một phần đóng góp của kiều bào với sự phát triển của TP.HCM cũng như cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng nhưng làm sao để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả vẫn là thách thức và cơ hội đan xen cho TP.
Ông Linh cho biết để sử dụng dòng vốn từ kiều bào thực sự hiệu quả, cần tăng cường chủ động mạnh mẽ hơn nữa không chỉ từ chính quyền TP mà còn từ kiều bào. Chẳng hạn như đầu tư vào những lĩnh vực mới như kinh tế xanh, công nghệ cao...
Thời gian qua, hiệp hội của ông Linh đã hợp tác với TP về lĩnh vực kinh tế, tài chính trong đó gắn với kinh tế xanh, công nghiệp xanh. Ngoài nhà đầu tư lớn đã hiện diện là Samsung, tháng 6-2023 hiệp hội cũng tổ chức đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm và làm việc với lãnh đạo TP.HCM, tìm hiểu cơ hội phát triển năng lượng xanh, công nghiệp xanh, công nghệ cao. Và những hoạt động này sẽ được tiếp tục trong năm 2024.
Ông Peter Hồng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, bày tỏ niềm vui trước những thành tựu kinh tế mà TP đã đạt được. Ông cho biết bà con kiều bào ở nước ngoài luôn có mong muốn, tâm huyết đóng góp cho TP và đất nước.
Vị doanh nhân này kiến nghị lãnh đạo TP.HCM xem xét việc phát hành trái phiếu quốc tế cho những dự án, đề án trọng điểm thực hiện nghị quyết 98 của Quốc hội và ông sẽ vận động kiều bào tham gia để TP.HCM có vốn đầu tư phát triển. "TP.HCM cần có chương trình thu hút và sử dụng hiệu quả kiều hối từ kiều bào", ông Peter Hồng kiến nghị.
Với mong muốn đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của quê hương, các kiều bào đã đề nghị TP.HCM xây dựng chương trình thu hút và sử dụng kiều hối riêng, tạo cơ chế và nền tảng để có thể tập hợp kiều bào tham gia hiến kế, góp sáng kiến tham mưu cho TP.
Bà Phan Bích Thiện (kiều bào Hungary) chia sẻ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hay những trí thức kiều bào luôn mong muốn được đóng góp tri thức, hiểu biết của mình để thực hiện các chương trình, đề án lớn của TP. Một trong những đề án mà kiều bào Hungary có thể tham gia tích cực đó là xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Nguồn lực kiều bào không chỉ là kiều hối
Theo tiến sĩ Trần Bá Phúc - kiều bào Úc, những kiều bào xa quê như ông luôn hướng về quê hương, muốn đóng góp nhiều hơn với điều kiện các chính sách, quy định rõ ràng.
"Kiều bào rất quan tâm đến những hình thức đầu tư mới như trái phiếu hay kinh tế xanh. Nhưng cũng có thực tế, tiền được gửi về lại nằm trong ngân hàng, chưa đi vào sản xuất, đầu tư do bà con vẫn còn chưa rõ ràng về chính sách. Họ an tâm thì sẽ mạnh dạn đầu tư", ông Phúc chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, đề cập đến nghị quyết 98 của Quốc hội, ông Nguyễn Anh Quân, kiều bào tại Ukraine, chia sẻ hiện tại cũng không có quá nhiều cản trở hay thủ tục để kiều bào gặp khó khăn khi đầu tư trong nước. Ông tin nghị quyết 98 sẽ giúp TP thuận lợi để có thêm những bước tiến và kiều bào sẽ có thêm nhiều cơ hội nữa khi đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của TP và đất nước mình.
Trong khi đó, lãnh đạo TP.HCM bày tỏ và mong muốn kiều bào tiếp tục quan tâm góp ý, đầu tư, kết nối các nguồn lực... để đất nước và TP.HCM có điều kiện phát triển.
Chia sẻ với 100 kiều bào tiêu biểu vào sáng 2-2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan gợi ý làm sao để đồng vốn từ kiều hối đổ về Việt Nam thực sự phát huy hiệu quả.
"Kiều hối gửi về cho người Việt trong nước nên được chuyển vào những dự án, công trình, đầu tư và phát triển tốt nhất. TP.HCM hiện là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nguồn từ kiều hối sẽ hỗ trợ lớp khởi nghiệp trẻ phát triển bền vững hơn", ông Hoan nói.
Ông Hoan đề xuất hai giải pháp. Một là, các kiều bào định hướng cho con cháu mình sử dụng nguồn lực đưa về một cách hiệu quả. Hai là, thông qua kênh hiệp hội doanh nghiệp, kiều bào ở nước ngoài có thêm thông tin và tự tin về nước đầu tư, mở những công ty, dự án...
Trao đổi với 1.000 kiều bào ở buổi gặp mặt chiều 2-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP sẽ tận dụng và phát huy các cơ chế, chính sách vượt trội của nghị quyết 98 để thúc đẩy sự năng động, thu hút nhiều nguồn lực, kiến tạo nền tảng, động lực mới, phát triển tương xứng với vị trí, vai trò của mình.
TP.HCM tập trung đề xuất trung ương có những cơ chế cụ thể hơn nữa để hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm cách mạng công nghệ 4.0 tại TP.HCM. Đây sẽ là đầu mối tiếp nhận tri thức, công nghệ, các nguồn lực cho phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ vận dụng cơ chế của nghị quyết 98 để huy động nguồn lực, cách thức triển khai hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM để đến năm 2035 TP hoàn thành giai đoạn 1 của tuyến đường sắt đô thị dài 220km.
"Tôi mong kiều bào không chỉ hướng về quê hương đất nước bằng kiều hối, sự đầu tư trực tiếp mà còn đóng góp ý kiến, kết nối các nguồn lực, nhất là tri thức, công nghệ cho TP", ông Mãi nhấn mạnh.
Kiều bào là phần máu thịt của Tổ quốc
Tối 2-2, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân đã tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật Xuân quê hương tại hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Cùng tham dự chương trình có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang... và 1.500 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới.
Phát biểu chúc Tết kiều bào, Chủ tịch nước cho biết sau gần 50 năm thống nhất, Việt Nam từ một đất nước nghèo khó, trải qua chiến tranh, bị cấm vận đến nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam còn là thành viên của 70 tổ chức trong khu vực và toàn cầu.
Để đạt được những thành tựu đó có sự đóng góp quý báu và rất quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. "Người Việt Nam ở nước ngoài dù thuộc thế hệ nào, ở bất cứ nơi đâu, đã là con Lạc cháu Hồng đều luôn là phần máu thịt, một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc, luôn hiện hữu trái tim tình cảm của đất nước, dân tộc Việt Nam", Chủ tịch nước bày tỏ.
Ông cho biết Đảng, Nhà nước đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào về thăm đất nước, đầu tư sản xuất kinh doanh, hợp tác khoa học công nghệ, đóng góp chính sách, chia sẻ kinh nghiệm và tri thức, làm cầu nối giữa Việt Nam với thế giới.
Ông mong đồng bào ta ở nước ngoài về thăm đất nước nhiều hơn, chứng kiến đổi thay của đất nước để cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kiều hối về TP.HCM đạt gần 9,5 tỉ USD
Ngân hàng Nhà nước cho biết ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỉ USD, tăng 32% so với năm trước. Trong đó, lượng kiều hối về TP.HCM đạt gần 9,5 tỉ USD, chiếm gần 60% của cả nước. Tính cả giai đoạn 1993 - 2023, lượng kiều hối gửi về nước đạt gần 200 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết so với mức dự báo hồi tháng 12-2023, số kiều hối chuyển về TP.HCM thực tế cao hơn 500 triệu USD.
Đáng chú ý, so với năm 2022, kiều hối chuyển về tăng tới 43,3% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Còn so với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.HCM năm 2023 thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần, bằng khoảng 14% GRDP của TP.HCM.
Theo ông Lệnh, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng nhờ xu hướng tăng trưởng lao động và làm việc ở nước ngoài. Xét theo khu vực thì lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỉ trọng cao nhất: 50,5% và tăng trưởng 143,8% so với cuối năm 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận