22/09/2016 07:00 GMT+7

Phạt hút thuốc lá bao giờ mới nghiêm?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG

TTO - 90% nguyên nhân ung thư phổi liên quan đến thuốc lá. Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ tháng 5-2013 nhưng đâu đâu cũng thấy người hút thuốc, nhả khói phì phèo.

Nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá khi có phụ nữ và trẻ em bên cạnh - Ảnh: Quang Định
Nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá khi có phụ nữ và trẻ em bên cạnh - Ảnh: Quang Định

Nhiều người còn hút thuốc khi đang lái xe, trong khuôn viên bệnh viện, nơi công cộng… rồi phả khói ra cho người xung quanh “hưởng” hết.

Luật đã có nhưng….

Điều 11, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi dành riêng cho trẻ em và khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.

Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, địa điểm công cộng. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn.

Điều 23, nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về một số biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá nêu rõ: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với một trong các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định.

Nghị định này cũng quy định sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi (điều 24).

Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã có. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện những quy định này chưa triệt để và rốt ráo.

“Dường như các cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm đến việc xử phạt hoặc do họ vẫn đang tập trung cho các vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Hút thuốc lá được xem như một thói quen phổ biến và thực tế chưa thấy ai bị xử phạt vì hút thuốc lá”, ông Quý nhận định.

Trẻ em, phụ nữ thường phải hít khói thuốc lá thụ động tại các quán giải khát - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Trẻ em, phụ nữ thường phải hít khói thuốc lá thụ động tại nhiều nơi công cộng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trách nhiệm của người đứng đầu

Là người gắn bó nhiều năm với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, ThS.BS Phạm Thị Hoàng Anh - giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam - cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dù đã có Luật quy định cấm hút thuốc trong nhà tại nơi làm việc, những địa điểm công cộng và việc xử phạt đối với chủ các địa điểm công cộng không triển khai quy định cấm hút thuốc, các hành vi hút thuốc lá không đúng nơi quy định nhưng tình trạng hút thuốc nơi công cộng, kể cả trong bệnh viện, cơ quan, trường học vẫn còn phổ biến…

Theo bà Hoàng Anh, một trong những cản trở của việc thực thi nghiêm các quy định trong Luật chính là từ ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, nhất là những người đứng đầu.

“Luật đã quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhưng chính những người đứng đầu lại vi phạm thì rõ ràng cam kết chính trị, thực thi luật pháp của họ đã chưa tốt ngay từ đầu.

Tại sao vẫn có những địa phương làm rất tốt vấn đề tuyên truyền, thực thi, giám sát, có những địa phương thì không? Vấn đề không nằm ở các quy định Luật mà ở người thực hiện, giám sát, quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu”, bà Hoàng Anh nói.

Về xử lý vi phạm, theo bà Hoàng Anh, dù Luật phòng chống tác hại thuốc lá có những hạn chế nhất định nhưng đó không phải là lý do để lý giải việc thực thi pháp luật yếu, vấn đề vẫn là ý thức, cam kết của lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, tổ chức.

“Luật quy định UBND các cấp, các chiến sí công an đang làm nhiệm vụ, thanh tra y tế là những cơ quan/người có thẩm quyền và trách nhiệm xử lý vi phạm nhưng địa phương lại không tổ chức bộ phận giám sát, báo cáo các trường hợp vi phạm hoặc nếu có nhận được báo cáo thì cũng chỉ làm động tác nhắc nhở hoặc lơ đi không xử lý. Người vi phạm một lần không bị xử lý thì những lần tiếp theo sẽ diễn ra”, bà Hoàng Anh thẳng thắn.

Một vấn đề khác, theo bà Hoàng Anh chính là sự nể nang, không xử phạt nếu người vi phạm là những người có chức, có quyền.

“Việc ứng xử không công bằng, không nhất quán từ trên xuống dưới, nể nang người có chức có quyền cũng là vấn đề khi thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy luật phải áp dụng công bằng cho tất cả mọi người thì mới thực sự nghiêm minh và có hiệu quả”, bà Hoàng Anh chia sẻ thêm.

“Ở đây hút thuốc thoải mái quá”

Bạn Tường Vi (sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM) bức xúc cho biết: “Xe buýt là phương tiện công cộng, lẽ ra không được hút thuốc nhưng em vẫn thấy cảnh người dân vô tư hút mà không ai nhắc nhở, thậm chí đến bác tài cũng hút nữa. Chuyện này xảy ra rất thường xuyên trên những tuyến xe đường dài. Lúc đó em chỉ biết lấy khẩu trang ra bịt nhưng mùi khói vẫn nồng nặc”.

Anh Tuấn Hùng (ngụ Q.12, TP.HCM) chia sẻ: “Hiện nay ớn nhất là ra đường dừng đèn đỏ và ngửi mùi thuốc lá. Mỗi lần dừng, người trước hút phà khói ra người sau. Sáng chở bé đi học thì bé hưởng trọn làn khói đó. Tức thật”.

Bạn đọc Thanh Vân nói: “Anh tôi là Việt kiều về nước bảo ở đây sao hút thuốc thoải mái quá. Bên kia cấm gần như mọi nơi, chỉ có quyền hút ở nhà mình. Thậm chí, đến nhà bạn bè “lai rai” cũng không dám hút vì sợ ảnh hưởng con cái họ". 

Anh Đức Hiền - một người sống tại Mỹ cho biết, mới đây, khi đang ngồi trò chuyện cùng bạn bè tại khu vực ngoài trời của một quán cà phê thì bắt gặp một nhóm khoảng 8-9 người trung niên đang hút thuốc.

Anh bước qua và nhắc đến hai lần rằng đây là khu vực chung, không được hút thuốc vì sẽ ảnh hưởng mọi người xung quanh. Tuy nhiên, nhóm này vẫn hút và trò chuyện lớn tiếng.

Anh Hiền liền báo cho cảnh sát và đưa những hình ảnh nhóm người này hút thuốc, xả rác cho cảnh sát xem. Kết cuộc, mỗi người nhận một vé phạt 190USD tiền hút thuốc không đúng nơi quy định và còn bị phạt thêm 100USD tiền xả rác.

“Nếu mình không lên tiếng thì họ vẫn cứ hút, phải lên tiếng!”, anh Hiền chia sẻ.

Singapore: Hút thuốc bị phạt tiền từ 200 - 1.000 đô Sing

Tại Singapore, người dưới 18 tuổi không được mua thuốc lá, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền lên đến 300 đô Sing. Người hút thuốc ở nơi bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 200 đến 1.000 đô Sing.

Những quy định về việc cấm hút thuốc lá ở một số khu vực ra đời từ năm 1970 và danh sách những nơi cấm hút thuốc lá ngày càng dài thêm, hướng đến việc hút thuốc lá sẽ bị cấm hoàn toàn ở tất cả các khu vực công cộng.

Quy định này nhằm bảo vệ những người không hút thuốc khỏi những tác hại của khói thuốc và xây dựng Singapore có một môi trường trong sạch, lành mạnh cho mọi người.

>>Mẹ, con và cú té xe vì tàn thuốc lá 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp