06/04/2013 07:23 GMT+7

Phát hiện virút H7N9 ở chim bồ câu

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã phát hiện virút H7N9 trong các mẫu thử chim bồ câu được thu thập ở khu chợ Hỗ Hoài, nơi chuyên bán sỉ nông sản và gia cầm tại Thượng Hải.

KqhIdTUz.jpgPhóng to
Tại Trung Quốc đã có sáu người chết do cúm H7N9.

Tân Hoa xã cho biết ngay lập tức Ủy ban Nông nghiệp TP Thượng Hải đã ra lệnh tiêu hủy hơn 20.000 gia cầm sống và xử lý các loại thực phẩm ô nhiễm, nước thải, chất thải của gia cầm tại khu chợ này.

Quyết định được đưa ra sau khi nạn nhân thứ sáu nhiễm virút cúm H7N9 thiệt mạng. Nạn nhân là nông dân họ Trương, 64 tuổi, sống tại TP Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang. Ông Trương là một trong số 14 trường hợp nhiễm cúm gia cầm đã được nhà chức trách Trung Quốc xác nhận.

Chính quyền cũng cho biết một người tiếp xúc gần với bệnh nhân thiệt mạng do H7N9 đã bị cách ly vì xuất hiện các dấu hiệu sốt, sổ mũi và ngứa cổ. Thông tin này đang dấy lên mối lo ngại về việc virút H7N9 lây từ người sang người.

Cảnh giác cao độ

Trong cuộc họp báo chiều 5-4, người phát ngôn chính quyền Thượng Hải cho biết bắt đầu từ hôm nay (6-4), Thượng Hải cho đóng cửa toàn bộ các chợ bán gia cầm sống để “bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình Thượng Hải Từ Kiến Quang còn nhấn mạnh Thượng Hải nghiêm cấm việc chậm trễ hoặc không điều trị cho bệnh nhân (nhiễm H7N9) vì lý do viện phí.

Theo ông Từ, TP sẽ tăng cường kiểm tra các trường học, nhà trẻ và các đơn vị trọng điểm trên toàn TP. Đồng thời đường dây nóng y tế công cộng cũng sẽ trực 24/24 giờ để tiếp nhận phản ảnh của người dân. Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc hôm 5-4 cũng đề nghị tất cả người dân nhanh chóng đến bệnh viện ngay khi phát hiện bản thân có các triệu chứng sốt, ho và khó thở.

Tuy nhiên, bất chấp việc chính quyền cam kết sẽ thông tin kịp thời diễn biến của H7N9 đến với người dân, song người dân Trung Quốc hiện rất hoang mang. “Chính quyền từng ém nhẹm dịch SARS, tôi e ngại chính quyền sẽ làm điều tương tự đối với H7N9” - một cư dân mạng viết trên Weibo.

Mặc dù cách vùng phát sinh virút H7N9 khá xa, chính quyền tỉnh Quảng Đông cũng đã ra lệnh thành lập tổ chuyên gia tư vấn về việc phòng chống và khống chế virút H7N9 nhằm phát hiện kịp thời loại virút này.

Quản lý các sân bay ở Hong Kong cho biết họ đang hết sức cảnh giác trước tình trạng lây nhiễm virút H7N9. Các sân bay tại Nhật Bản cũng dán các poster khuyến cáo hành khách đến từ Trung Quốc kiểm tra y tế nếu thấy bản thân có các triệu chứng của bệnh cảm.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết họ đang theo dõi sát diễn biến của virút H7N9 ở Trung Quốc và bắt tay nghiên cứu văcxin cho chủng H7N9. Các trung tâm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Atlanta, Bắc Kinh, London, Melbourne và Tokyo đang phân tích các mẫu thử để tìm ra loại văcxin chống lại virút H7N9.

HWbI15zu.jpgPhóng to
Ngày 5-4, tại xã biên giới Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa, Ban quản lý dự án VAHIP tỉnh Long An đã tổ chức diễn tập phòng chống cúm gia cầm, cúm A/H5N1 ở người và dự phòng đại dịch. Đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn với hơn 300 người tham gia - Ảnh: Duy Bằng

Nguy hiểm hơn dịch SARS?

Các nhà khoa học cho biết virút H7N9 có khả năng lây nhiễm từ một số loài chim mà không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Vì vậy khó có thể truy tìm nguồn gốc nhiễm bệnh và ngăn chặn sự lây lan kịp thời. Tiến sĩ Masato Tashiro, giám đốc Trung tâm nghiên cứu cúm của WHO ở Tokyo, cho biết nếu không có dấu hiệu nhiễm bệnh ở chim và heo thì không ai nhận ra sự lây nhiễm của những động vật xung quanh. Từ đó, virút H7N9 có thể lây truyền từ động vật sang người một cách dễ dàng.

“Đây sẽ là một vấn đề còn lớn hơn so với cúm H5N1, bởi vì nếu bị nhiễm H5N1 bạn có thể có bằng chứng là gia cầm chết” - chuyên gia vi sinh Malik Peiris thuộc Đại học Hong Kong cảnh báo.

Các chuyên gia còn bày tỏ lo ngại loại virút H7N9 đã phát tán ra một khu vực rộng lớn bao gồm TP Thượng Hải và các tỉnh lân cận như Chiết Giang, Giang Tô, An Huy. Nhà nghiên cứu virút học John Oxford thuộc Đại học Queen Mary, London đánh giá virút H7N9 “có thể đã phát tán rộng nhiều hơn ta nghĩ”.

Reuters dẫn lời tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia nghiên cứu bệnh cúm tại Đại học Y khoa Vanderbilt, cho biết virút cúm biến đổi rất nhanh, các biến đổi gen này có thể lây nhiễm sang heo. Các nhà khoa học đặc biệt lưu ý virút cúm gia cầm và cúm người biến đổi gen có thể kết hợp với nhau theo cách tương tự như đợt bùng phát cúm heo năm 2009. Điều này có khả năng tạo ra một loại virút cúm gia cầm mới có thể lây nhiễm từ người sang người.

Theo WHO, từ năm 2003 đến ngày 12-3-2013 đã có 360 người trên thế giới thiệt mạng vì virút H5N1.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp