16/06/2017 14:50 GMT+7

​Phát hiện viêm túi mật cấp: chú ý dấu hiệu sớm

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định

Túi mật có chức năng chứa đầy dịch mật từ gan xuống lúc đói, cô đặc dịch mật và co bóp để tống dịch mật đã cô đặc vào tá tràng trong bữa ăn. Có 2 thể viêm túi mật cấp: viêm túi mật cấp do sỏi và không do sỏi.

Triệu chứng và diễn biến bệnh

Khi người bệnh có các dấu hiệu sau cần cảnh giác có thể bị viêm túi mật cấp: đau vùng hạ sườn phải, đau tăng khi hít vào sâu; sốt, ớn lạnh; nôn mửa, tiêu chảy; nước tiểu vàng đậm; vàng da, vàng mắt.

Người bị viêm túi mật khi xét nghiệm công thức máu sẽ thấy bạch cầu tăng trên 10.000/mm3, trong đó chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính. Siêu âm bụng thấy thành túi mật dày trên 5mm, túi mật căng to, có dấu hiệu của sỏi túi mật.

Viêm túi mật cấp là một bệnh khá nguy hiểm, có thể tiến triển nhanh dẫn đến thủng túi mật, viêm phúc mạc mật, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng…, đặc biệt ở phụ nữ có thai, người già, người có sức đề kháng kém…

Do đó, khi nghi ngờ bị viêm túi mật cấp không nên tự điều trị mà phải khám tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị. Nếu viêm túi mật cấp kéo dài, tái phát nhiều lần sẽ gây xơ teo túi mật, lúc này túi mật nhỏ lại, thành dày và xơ hóa. Chức năng dự trữ và bài tiết mật của túi mật sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêu hóa. Túi mật xơ teo có thể bị ung thư hóa.

Điều trị

Điều trị viêm túi mật cấp gồm nội khoa và ngoại khoa. Với điều trị ngoại khoa, có mổ cắt túi mật cấp cứu khi có biểu hiện viêm túi mật hoại tử, thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc do thủng túi mật. Chỉ định mổ chương trình cắt túi mật khi viêm túi mật tái phát nhiều lần, túi mật có sỏi lớn, nhiều sỏi hoặc viêm teo mạn tính. Hiện nay phương pháp cắt túi mật qua nội soi là phương pháp tiến bộ đã được áp dụng tại nhiều bệnh viện trong tỉnh, giúp rút ngắn ngày điều trị, giảm đau sau mổ và an toàn.

Đối với viêm túi mật do sỏi, sau khi điều trị nội khoa xong để giải quyết sỏi có thể dùng biện pháp mở túi mật lấy sỏi qua nội soi nếu bác sĩ đánh giá túi mật vẫn còn chức năng. Việc giữ lại túi mật giúp tránh các rối loạn tiêu hóa xảy ra sau cắt túi mật như khó tiêu, chán ăn, đau sau ăn…

Ngoài ra để giải quyết sỏi túi mật có thể dùng tán sỏi ngoài cơ thể hoặc dùng thuốc làm tan sỏi mật. Nếu điều trị đúng phương pháp viêm túi mật cấp có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh, cần giảm cholesterol, giảm mỡ bão hòa, thận trọng khi dùng thuốc ngừa thai. Dự phòng sỏi sắc tố mật bằng xổ giun định kỳ, giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường đồng thời điều trị tốt các bệnh nhiễm trùng đường mật.     

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Viêm túi mật
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp