08/10/2024 15:12 GMT+7

Phát hiện vi khuẩn 'bị nhốt' 2 tỉ năm trong đá vẫn sống rất tốt

Các nhà khoa học phát hiện một cộng đồng vi khuẩn sống rất tốt suốt 2 tỉ năm qua trong đá sâu bên dưới mặt đất.

Phát hiện vi khuẩn 'bị nhốt' 2 tỉ năm trong đá - Ảnh 1.

Lõi đá chứa vi khuẩn sống 2 tỉ năm - Ảnh: Y. Suzuki

Điều đặc biệt nhất của những vi khuẩn này là việc chúng hoàn toàn cắt đứt mối liên hệ với thế giới bên ngoài trong hàng tỉ năm, lâu hơn nhiều so với bất kỳ cộng đồng vi khuẩn dưới lòng đất nào từng được biết đến, và vượt qua kỷ lục của cộng đồng sống 100 triệu năm trong đá trước đó.

Thông tin quan trọng là những vi khuẩn sống trong không gian biệt lập như vậy thường có xu hướng tiến hóa chậm hơn, do chúng tách biệt với những áp lực thúc đẩy chúng phải tiến hóa để thích nghi với môi trường đông đúc hơn.

Do đó, cộng đồng vi khuẩn nói trên có thể cho chúng ta biết những gì chúng ta chưa biết về sự tiến hóa của vi khuẩn tại đây trên Trái đất. Đồng thời cũng giúp chúng ta hình dung về những cộng đồng vi khuẩn dưới đất có thể vẫn còn sống trên sao Hỏa.

"Chúng tôi vốn không biết những tảng đá 2 tỉ năm có chứa sự sống hay không. Tuy nhiên, bằng nghiên cứu DNA và gene của những vi khuẩn như thế này, chúng ta có thể hiểu được quá trình tiến hóa của sự sống từ thời sơ khai trên Trái đất", nhà địa vi sinh vật học Yohey Suzuki, làm việc tại ĐH Tokyo (Nhật Bản), cho biết.

Theo trang ScienceAlert ngày 8-10, mẫu đá trong nghiên cứu được khoan sâu 15m bên dưới lòng đất từ một tổ hợp đá gọi là Bushveld Igneous Complex, được hình thành cách đây khoảng 2 tỉ năm từ magma nóng chảy nguội dần bên dưới bề mặt đất ở đông bắc Nam Phi.

Ông Suzuki và đồng nghiệp tin rằng quá trình hình thành và tiến hóa theo thời gian của đá có thể tạo điều kiện cho khả năng sống lâu của vi khuẩn. Mẫu đá có nhiều đất sét giúp cung cấp nguồn thức ăn cho các vi khuẩn sống, đồng thời bịt kín đá ngăn không cho vi khuẩn ra ngoài hay bất cứ thứ gì xâm nhập vào.

Phát hiện vi khuẩn 'bị nhốt' 2 tỉ năm trong đá - Ảnh 2.

Tế bào vi khuẩn phát sáng nhờ thuốc nhuộm màu xanh lá trong mẫu đá - Ảnh: Microbial Ecology

Nhóm đã tiến hành khử trùng bên ngoài mẫu đá trước khi cắt lát để nghiên cứu. Sau đó, họ nhuộm các lát cắt bằng thuốc nhuộm cyanine. Nếu có bất kỳ DNA nào trong mẫu đá, chúng sẽ phát sáng dưới tác dụng của thuốc nhuộm.

Nhóm nghiên cứu cần phân tích chi tiết hơn, bao gồm phân tích DNA, để xác định cộng đồng vi khuẩn trong mẫu đá nói trên có thay đổi hay không và thay đổi như thế nào trong 2 tỉ năm bị cô lập.

Nhóm cũng sẽ nghiên cứu nhiều mẫu đá hơn từ Bushveld Igneous Complex để xác định đặc điểm của các vi khuẩn sống trong đó và đưa chúng vào lịch sử tiến hóa của Trái đất.

"Tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance của NASA hiện đang chuẩn bị mang về những tảng đá có tuổi đời tương tự mẫu đá mà chúng tôi nghiên cứu. Việc phát hiện sự sống của vi khuẩn trong các mẫu từ Trái đất cách đây 2 tỉ năm khiến tôi rất phấn khích về những gì chúng ta có thể tìm thấy trong các mẫu từ sao Hỏa", ông Suzuki nói thêm.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Microbial Ecology.

Phát hiện vi khuẩn 'bị nhốt' 2 tỉ năm trong đá - Ảnh 3.Vi khuẩn và nấm gây bệnh 'hung hãn' hơn trên Trạm vũ trụ quốc tế

Nghiên cứu nhận thấy rau diếp và các loại cây khác dễ bị nhiễm vi khuẩn trong không gian hơn trên Trái đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp