Phóng to |
Bác sĩ khám cho một bệnh nhi nghi ngờ xoắn tinh hoàn - Ảnh tư liệu |
Một bé trai 12 tuổi bị đau đột ngột và dữ dội ở bìu trái, buồn nôn, ói. Bệnh nhân đến khám tại một phòng khám tư nhân và được chẩn đoán viêm tinh hoàn. Em được điều trị nội khoa với thuốc kháng sinh, kháng viêm.
Ngày thứ ba sau khi uống thuốc, cơn đau âm ỉ càng tăng, lúc này em được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM mới phát hiện bị xoắn dây tinh và phải lập tức mổ cấp cứu. Do để quá lâu, dây tinh bị xoắn hai vòng khiến tinh hoàn tím đen, hoại tử. Hậu quả là em bị cắt bỏ tinh hoàn bên trái.
Tỉ lệ cắt bỏ tinh hoàn cao
Trường hợp thứ hai, bệnh nhân nam 30 tuổi (có một vợ, một con) nhập viện trong tình trạng bìu phải sưng to, đỏ, đau âm ỉ không thành cơn, sờ vào rất đau. Bìu ngày càng đau dữ dội kèm buồn nôn nhưng không rối loạn đường tiểu. Siêu âm mạch máu (Doppler) thấy mạch máu nuôi tinh hoàn bị bít. Bệnh nhân được chẩn đoán xoắn dây tinh và được tiến hành mổ ngay. Nhưng do để hơn một ngày sau khi có dấu hiệu đau đầu tiên bệnh nhân mới đến bệnh viện nên tinh hoàn cũng tím đen không hồi phục đành phải cắt bỏ.
Theo PGS.TS.BS Trần Lê Linh Phương - trưởng phân khoa niệu - thận Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, xoắn dây tinh là tình trạng tinh hoàn xoay quanh thừng tinh làm tắc nghẽn tĩnh mạch và động mạch của tinh hoàn. Nếu không được điều trị cấp cứu trong 4-6 giờ từ khi bắt đầu đau, tinh hoàn sẽ bị nhồi máu hoàn toàn và hậu quả là teo tinh hoàn về sau hoặc hoại tử phải cắt bỏ.
Xoắn dây tinh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng hai nhóm tuổi thường gặp nhất là thanh thiếu niên từ 10-20 tuổi và trẻ sơ sinh. 50% các trường hợp xoắn dây tinh xảy ra trong lúc ngủ. Do tỉ lệ phải cắt bỏ tinh hoàn cao, vì vậy không nên chần chừ trong việc điều trị.
Đến bệnh viện ngay
BS Phương cho biết vấn đề điều trị phụ thuộc lớn vào thời gian từ lúc bắt đầu đau cho đến khi bệnh nhân được đưa tới phòng cấp cứu. Dưới 4 giờ thì có thể gây tê tại chỗ và tháo xoắn dây tinh bằng tay. Nếu tháo xoắn bằng tay thành công, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để cố định hai tinh hoàn trong vài ngày sau. Nếu tháo xoắn bằng tay thất bại, phẫu thuật thăm dò được chỉ định ngay.
Nếu bệnh nhân đến từ 4-24 giờ sau khi đau thì phẫu thuật thăm dò tháo xoắn và cố định hai tinh hoàn vào bìu. Nếu bệnh nhân đến sau 24 giờ, phẫu thuật thăm dò cũng được chỉ định nhưng chưa chắc giữ được tinh hoàn. Nếu phải cắt bỏ một bên tinh hoàn thì cần dự trù khả năng nhiễm trùng và phản ứng miễn dịch của tinh hoàn còn lại.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này là đau đột ngột và dữ dội ở tinh hoàn, buồn nôn, ói, tinh hoàn bị kéo lên cao và rất đau khi sờ chạm. Khi thấy những biểu hiện trên, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Cũng có trường hợp xoắn dây tinh không hoàn toàn như em L.Đ.T.H., 10 tuổi, nhập viện vì đau bìu phải hai ngày. Mức độ đau vừa phải, đau không thành cơn, không bị chấn thương bìu. Bệnh nhân có tiền sử tinh hoàn phải di động. Khám thấy bìu phải sưng to, da bìu bình thường, không sờ được tinh hoàn và nút xoắn. Siêu âm mạch máu bìu phát hiện tinh hoàn phải có một vùng u không rõ ràng, bít mạch máu. Bệnh nhân được mổ thám sát bìu cho kết quả xoắn dây tinh không hoàn toàn và đã được tháo xoắn, cố định hai tinh hoàn vào bìu.
Phân biệt xoắn dây tinh và viêm tinh hoàn (viêm mào tinh - tinh hoàn cấp) Đau và sưng bìu cấp mà không có bệnh sử, tiền căn chấn thương là vấn đề thường phải giải quyết ở khoa cấp cứu các bệnh viện hiện nay. Người bệnh cần phân biệt giữa hai bệnh lý chính là xoắn dây tinh và viêm mào tinh - tinh hoàn cấp.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận