Chuyến thám hiểm diễn ra từ ngày 24-2 đến ngày 4-4 ở vùng biển sâu dọc sườn núi Salas y Gómez, ngoài khơi bờ biển Rapa Nui, Chile.
Tham gia chuyến thám hiểm là nhóm nghiên cứu quốc tế gồm 25 nhà khoa học đến từ 14 tổ chức ở 5 quốc gia (Chile, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan).
Được tài trợ bởi Viện Đại dương học Schmidt, chuyến thám hiểm nhằm nghiên cứu hệ sinh thái của một trong những vùng chưa từng được khám phá: sườn núi Salas y Gómez. Đây là một chuỗi núi dưới nước dài 2.900km, bao gồm hơn 200 núi dưới đáy biển, trải dài từ ngoài khơi Chile đến Rapa Nui.
Dãy núi này là nơi có một trong những cảnh quan biển độc đáo và đa dạng sinh học nhất trên Trái đất, với tỉ lệ đặc hữu cực kỳ cao và là "quê nhà" của hơn 80 loài bị đe dọa hoặc nguy cấp.
Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 160 loài trên sườn núi Salas y Gómez, 50 loài trong số này được cho là hoàn toàn mới đối với khoa học.
Các loài được quan sát bao gồm mực, cá, san hô, động vật thân mềm, sao biển, bọt biển thủy tinh, nhím biển, cua và tôm hùm ngồi xổm, cùng nhiều loài khác.
Ở độ sâu khoảng 800-1.200m dưới mực nước biển, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra sinh vật sống phụ thuộc vào quá trình quang hợp ở độ sâu lớn nhất từng được ghi nhận: loài Leptoseris, thường được gọi là san hô nhăn.
Họ cũng ghi nhận được những sinh vật biển đặc biệt khác, bao gồm một sinh vật giống loài sứa được gọi là "quái vật spaghetti bay" (Bathyphysa conifera), một loài cá rồng biển phát sáng thuộc họ Stomiidae và một số loài kỳ lạ chưa biết là gì.
"Chúng tôi đã tìm thấy 50-60 loài nhiều khả năng là loài mới, con số này có thể còn tăng lên vì chúng tôi có nhiều mẫu vật để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm", nhà nghiên cứu Ariadna Mechó cho biết tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị thập kỷ hải dương của Liên Hiệp Quốc, diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha) từ ngày 10 đến 12-4-2024.
"Chúng tôi cũng tìm thấy một trong những rạn san hô tầng trung sâu nhất thế giới, mở rộng phạm vi phân bố của hệ động vật Polynesia này thêm vài trăm km. Ở độ sâu này, chúng tôi tìm thấy các bãi bọt biển và san hô, những môi trường sống được coi là dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ", bà thông tin thêm.
Công nghệ máy ảnh mới
Trong chuyến thám hiểm, các kỹ sư đã thử nghiệm nhiều công nghệ camera mới, bao gồm hệ thống camera siêu phổ và âm thanh nổi do Viện nghiên cứu thủy cung vịnh Monterey - MBARI phát triển.
Họ hy vọng có thể mở rộng quy mô các công nghệ chi phí thấp này để hỗ trợ tốt hơn cho các cuộc khảo sát đa dạng sinh học dưới đáy biển.
Đây là chuyến thám hiểm thứ hai tới Salas y Gómez Ridge của Viện Đại dương Schmidt trong năm 2024. Chuyến đi đầu tiên của họ tới khu vực này diễn ra hồi đầu năm và đã phát hiện 100 loài mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận