31/07/2024 16:14 GMT+7

Phát hiện nhiều hiện vật giá trị tại phế tích tháp Đại Hữu Bình Định

Ngày 31-7, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định đã có buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ đợt 2 tại phế tích tháp Đại Hữu.

Phát hiện nhiều hiện vật giá trị tại phế tích tháp Đại Hữu Bình Định- Ảnh 1.

Nhiều nhà nghiên cứu chiêm ngưỡng các hiện vật giá trị được khai quật tại phế tích tháp Đại Hữu - Ảnh: LÂM THIÊN

Tại buổi báo cáo, tiến sĩ Phạm Văn Triệu - Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho biết cuộc khai quật phế tích tháp Đại Hữu năm 2024 đã xuất lộ toàn bộ phần thân tháp, nền móng tiền sảnh phía đông, nền móng chân đế phía bắc và một phần nền móng chân đế phía nam và tây.

Quá trình khai quật phát hiện số lượng 156 hiện vật đá: đá cát kết, đá hoa cương và đá ong với nhiều loại hình và kích thước khác nhau. 

Các hiện vật đá được tìm thấy gồm: bệ thờ, mảnh minh văn, lá nhĩ đá, đá trang trí điểm góc, phù điêu trang trí hình người, tượng hình động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen…

Phát hiện nhiều hiện vật giá trị tại phế tích tháp Đại Hữu Bình Định- Ảnh 2.

Các hiện vật trang trí, bệ thờ bằng đá được tìm thấy tại tháp Đại Hữu - Ảnh: LÂM THIÊN

Ngoài ra, quá trình khai quật còn phát hiện 522 hiện vật chất liệu đất nung.

"Qua hai đợt khai quật, tháp Đại Hữu đã xuất lộ kiến trúc có bình đồ hình vuông. Kích thước thân tháp có bình đồ mỗi cạnh dài 9m x 9m. 

Lòng tháp có bình đồ mỗi cạnh dài 3,8m x 3,8m. Và nền móng chân đế tháp có bình đồ gần vuông mỗi cạnh dài 12,7m x 13 m", ông Triệu cho hay.

Theo ông Triệu, từ những di tích và di vật, so sánh với kiến trúc tháp Champa đã được khai quật nghiên cứu, có khả năng phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng giữa thế kỷ 13.

Cũng theo ông này, trong quá trình khai quật phát hiện các mảnh gốm gia dụng có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 18.

"Những hiện vật này gắn liền với thành Chánh Mẫn được nhà Tây Sơn cho xây dựng tại phía đông bắc dưới chân đỉnh núi Đất. Qua đó, phản ánh vào giai đoạn cuối thế kỷ 18, khu vực phế tích tháp Đại Hữu là căn cứ quân sự quan trọng của nhà Tây Sơn", ông Triệu nhận định.

Phát hiện nhiều hiện vật giá trị tại phế tích tháp Đại Hữu Bình Định- Ảnh 4.

Nhiều mảnh gốm được tìm thấy ở tháp Đại Hữu - Ảnh: LÂM THIÊN

Đánh giá về các hiện vật vừa được tìm thấy tại tháp Đại Hữu, TS Lê Đình Phụng - Hội Khảo cổ học Việt Nam - cho rằng: "Các hiện vật như bệ thờ mẹ, mái nhà cung điện Champa, mẫu trang trí bằng đá, tác phẩm điêu khắc vừa được tìm thấy ở tháp Đại Hữu đều rất đẹp, rất khác biệt và là những hiện vật lần đầu được tìm thấy từ trước tới nay tại Bình Định. Tất cả đều rất giá trị".

Hai lần khai quật phế tích tháp Đại Hữu

Phế tích Đại Hữu tọa lạc trên đỉnh núi Đất, có diện tích khoảng 4.000m² thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Năm 2023, phế tích tháp Đại Hữu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép cho Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khảo cổ đợt 1 từ ngày 25-4 đến 15-6, với diện tích khai quật 200m².

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 1223/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ đợt 2 tại phế tích Đại Hữu. Thời gian khai quật từ ngày 9-5-2024 đến ngày 10-7-2024, trên diện tích 300m².

Tháp Bánh Ít lọt vào “1.001 công trình kiến trúc phải đến”Tháp Bánh Ít lọt vào “1.001 công trình kiến trúc phải đến”

TT - Tháp Bánh Ít (tháp Bạc) là một tháp Chăm cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 10, nằm trên ngọn đồi huyện Tuy Phước, Bình Định, vừa được đưa vào cuốn sách 1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời của một nhóm tác giả người Anh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp