27/03/2017 14:47 GMT+7

Phát hiện hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phiên điều trần về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em được Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tổ chức tại Nhà Quốc hội ngày 27-3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: tại sao có những vụ việc chỉ khi có chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao mới khởi tố ? - Ảnh: LÊ KIÊN
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề tại sao có những vụ việc chỉ khi có chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao mới khởi tố? - Ảnh: LÊ KIÊN

Chủ trì phiên điều trần, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định tình trạng trẻ em, nhất là trẻ em nữ bị xâm hại tình dục diễn biến phức tạp, gây hoang mang cho các gia đình và bức xúc xã hội.

Hậu quả nặng nề

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, cho biết theo thống kê năm 2014 có gần 1.600 trẻ em, năm 2015 hơn 1.300 trẻ em và năm 2016 hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là số thống kê, trên thực tế còn cao hơn” - bà Lan nói.

Lý do có không ít gia đình không khai báo khi con em mình bị xâm hại tình dục bởi lo ngại ảnh hưởng tương lai các cháu, thậm chí có những trường hợp đối tượng có hành vi xâm hại chủ động thương lượng với gia đình bị hại…

Theo bà Lan, trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non; hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em; thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh…, báo động về băng hoại đạo đức.

Một số vụ việc xâm hại tình dục nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: vụ bé 13 tuổi ở tỉnh Cà Mau tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần; vụ việc nghi phạm là người già ở Vũng Tàu xâm hại tình dục với nhiều trẻ em; vụ cháu bé sinh năm 2012 bị đối tượng 78 tuổi xâm hại tình dục ở Ba Vì, Hà Nội; vụ cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai bị xâm hại tình dục…

Bà Đào Hồng Lan khẳng định số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em cao hơn số được báo cáo - Ảnh: Lê Kiên
Bà Đào Hồng Lan khẳng định số vụ xâm hại tình dục trẻ em cao hơn số được báo cáo - Ảnh: Lê Kiên

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cũng cảnh báo tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, thể hiện sự suy đồi đạo đức, coi thường tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em. Trong số các vụ xâm hại tình dục trẻ em thì số em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%.

Điều đau lòng là ngay ở trong trường học cũng xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng như thầy giáo, bảo vệ hoặc người lạ mặt đột nhập vào trường dâm ô học sinh. Nạn nhân của các vụ việc trong trường học chủ yếu là học sinh nữ cấp tiểu học, không có khả năng tự bảo vệ và yếu về kỹ năng phòng tránh xâm hại.

“Luật còn nhiều khoảng trống”

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng hiện nay luật pháp về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống. Pháp luật hình sự còn bỏ sót một só hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em…

Pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em. Chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.

Còn theo báo cáo của VKSND tối cao, khó khăn trong các vụ việc này là trong đánh giá chứng cứ không xác định được giá trị chứng minh của chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp nên các tài liệu, chứng cứ thu nhập trong quá trình giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, hoặc trong trinh sát không được chuyển hóa thành chứng cứ hơp pháp.

Điều này dẫn đến việc đánh giá, sử dụng chứng cứ chủ quan, thiên lệch, coi trọng chứng cứ này mà bỏ qua chứng cứ kia. Chỉ coi trọng chứng cứ gốc, chứng cứ trực tiếp mà bỏ qua, coi nhẹ chứng cứ sao chép, chứng cứ thuật lại.

Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, để xử lý tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em, bắt buộc phải có kết luận giám định pháp y và những chứng cứ có liên quan khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử về tội gì quy định trong Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, nhưng gia đình tố cáo muộn, không biết thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn dẫn đến không xử lý đối tượng phạm tội trong những trường hợp này.

Đồng thời do ám ảnh, xấu hổ nên nhiều trường hợp không tố cáo và cung cấp thông tin cho cơ quan pháp luật.

Vì vậy, VKSND tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng quy đinh định biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, phó cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an, cũng cho rằng việc đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc củng cố chứng cứ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Các cơ quan bảo vệ pháp luật nói rằng đây là lĩnh vực khó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm gặp nhiều khó khăn. Tôi xin hỏi là tại sao có nhiều vụ việc xảy ra thời gian đã lâu, nhưng khi có báo chí vào cuộc và có chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao thì lại khởi tố được? Phải chăng là có tình trạng chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm trong một số vụ việc?

Đề nghị báo chí giữ bí mật thông tin người bị hại

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị: Về giáo dục giới tính, hướng dẫn phòng chống xâm hại tình dục, cần đưa vào chương trình giáo dục để giảng dạy một cách toàn diện.

Đề nghị báo chí khi đưa tin các vụ việc này cần tôn trọng, bảo vệ bí mật thân nhân của nạn nhân để tránh những tổn hại về tinh thần, sinh kế.

Tôi lấy ví dụ vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, hiện nay gia đình đã phải chuyển đi nơi khác để sinh sống.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp