30/06/2019 13:16 GMT+7

Phát hiện hơn 1.000ha rừng sâm ba kích tím tự nhiên

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Một rừng sâm ba kích tím tự nhiên rộng hơn 1.000ha vừa được phát hiện ở cánh rừng nguyên sinh thuộc lâm phận rừng phòng hộ Đăk Mi, huyện Phước Sơn, Quảng Nam.

Phát hiện hơn 1.000ha rừng sâm ba kích tím tự nhiên - Ảnh 1.

Khu rừng Đăk Mi, nơi có rừng sâm ba kích tím ngự trị - Ảnh: LÊ TRUNG

Cho đến giờ này, có thể nói đây là vườn ba kích tự nhiên lớn nhất của Quảng Nam. Tỉnh yêu cầu phải bảo vệ nghiêm ngặt vườn ba kích này và khoanh định, xác lập thành khu bảo tồn gen gốc ba kích đặc hữu.

Ông Lê Trí Thanh (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam)

Đây được đánh giá là quần thể sâm ba kích tự nhiên lớn nhất của tỉnh Quảng Nam và như một báu vật vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, con người nơi đây.

Tìm vào rừng sâm quý

Từ đập chính thủy điện Đăk Mi 4, chúng tôi xuôi thuyền theo dòng sông Đăk Mi để đến rừng sâm ba kích này. Mùa này, nước sông Đăk Mi xanh màu ngọc bích, hai bên bờ là những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn. 

Sáng sớm, sương trắng phủ kín trên các ngọn cây. Phải mất gần một giờ đi thuyền và hơn nửa giờ đi bộ lên đỉnh núi, chúng tôi mới được tận mắt nhìn thấy rừng ba kích tím tọa lạc giữa cánh rừng nguyên sinh nằm ở độ cao khoảng 500m so với mực nước biển.

Ba kích mọc dày đặc dưới những tán rừng cổ thụ, thân cây leo quấn chằng chịt những cây rừng. Lá xanh ngắt, đọt tím, đâu đâu cũng thấy sự ngự trị của chúng. Những bộ rễ, củ của cây ba kích bám sâu lan rộng xuống đất, dưới thảm lá mục. Dưới những tán cây rừng, những cây sâm ba kích như được chở che. Những cây ba kích cho quả đỏ chót, chín mọng. 

Càng đi sâu vào khu rừng, lên đến đỉnh, càng thấy cây sâm ba kích mọc nhiều dưới tán rừng, nơi mà ánh nắng mặt trời chỉ khẽ lọt xuống vài tia. Một số nơi ba kích tập trung dày đã được rào bởi thép B40.

Anh Hồ Ngọc Vương - cán bộ ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi - kể rằng quần thể ba kích tím này được phát hiện bởi một người dân bản địa, là thành viên của tổ bảo vệ rừng cộng đồng vào cuối năm 2017. Những năm trước, anh em cũng hay đi tuần tra ở khu rừng này nhưng không để ý. Phải đến khi người dân này đi rừng, phát hiện và báo thì anh em lên kiểm tra và thấy rừng ba kích tím tự nhiên này với mật độ dày đặc nằm dưới tán rừng. 

Rừng sâm ba kích này đến mùa sẽ nở hoa trắng. Đến tháng 5-6, cây sâm ba kích sẽ cho quả chín đỏ chót, tuyệt đẹp. "Chúng tôi khá bất ngờ vì cây sâm này mọc san sát nhau dưới đất với mật độ khá dày" - anh Vương nói.

Các cán bộ kiểm lâm dùng dao đào thử một cây sâm ba kích tím quấn lấy cây cổ thụ để quan sát. Hai cán bộ kiểm lâm phải chật vật đào một hồi lâu mà chưa thể đào hết, vì rễ và củ của cây ba kích này bám thật sâu dưới đất, mọc tua tủa rộng ra xung quanh. Bộ rễ của cây sâm ba kích có nhiều hình thù kỳ dị, có màu vàng nhạt.

Ông Huỳnh Đức Vũ - cán bộ kiểm lâm rừng phòng hộ Đăk Mi - cho biết không thể đếm được số cây sâm tự nhiên ở đây vì khu vực rừng này quá rộng, mật độ mọc của sâm dày đặc. Có rất nhiều cây sâm có độ tuổi từ 5-7 năm. "Có những bộ củ sâm khi đào lên có trọng lượng đến 1kg vì rễ củ mọc sâu và lan rộng dưới đất" - ông Vũ nói.

Phát hiện hơn 1.000ha rừng sâm ba kích tím tự nhiên - Ảnh 3.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra, kiểm soát tại khu rừng ba kích - Ảnh: LÊ TRUNG

Bảo vệ nghiêm ngặt

Sau khi rừng sâm được phát hiện, chính quyền huyện Phước Sơn đã ráo riết lên phương án bảo vệ, sợ người dân biết sẽ đến khai thác cạn kiệt. Tháng 6-2018, huyện Phước Sơn đã xây dựng một chốt bảo vệ dưới chân khu rừng này, đầu tư gần 300 triệu đồng làm một ngôi nhà cho cán bộ ở. Chốt này luôn có bốn cán bộ của ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi túc trực, canh giữ rừng sâm bất kể ngày đêm.

Anh Cao Văn Long - thành viên chốt bảo vệ - cho biết ngày trước tổ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên lòng hồ, bảo vệ rừng phòng hộ, nhưng từ khi rừng sâm ba kích tím được phát hiện thì tổ có thêm một nhiệm vụ nặng nề hơn, đó là bảo vệ rừng sâm tự nhiên này. "Rừng sâm được bảo vệ nghiêm ngặt, các cán bộ túc trực ngày đêm để ngăn không cho người lạ vào rừng đào bới củ sâm" - anh Long nói.

Ông Nguyễn Văn Tình - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi - cho biết sau khi phát hiện khu rừng ba kích này đã lấy mẫu đem đi kiểm tra và được các cơ quan đánh giá chất lượng tốt, một số hoạt chất vượt trội so với sâm ba kích ở những khu vực khác trong tỉnh. Sau đó UBND huyện Phước Sơn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã giao cho ban để quản lý, bảo vệ và bảo tồn rừng ba kích quý giá này.

Bảo tồn, nhân giống cho dân trồng

Ông Tình cho hay đơn vị ông đang xây dựng kế hoạch bảo tồn và nhân giống đại trà để cung cấp cho người dân trồng ở những khu rừng khác trên địa bàn huyện, từ đó phát triển vùng dược liệu kết hợp với việc bảo vệ rừng. Cây sâm ba kích thuộc loại dây leo có thể nhân giống bằng thân, dây bám vào những cây nhỏ nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái rừng. 

"Giá sâm ba kích tím tự nhiên hiện nay khoảng 400.000-500.000 đồng/kg, nếu nhân giống, mở rộng diện tích trồng sau này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho dân, xóa đói giảm nghèo" - ông Tình nói.

Ông Nguyễn Quảng - phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - nói rằng khu rừng sâm này như "báu vật" mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương nên phải ra sức bảo vệ nghiêm ngặt. Từ khi phát hiện rừng sâm quý này, huyện cũng đã lập đề án quy hoạch rừng sâm ba kích với diện tích gần 9.000ha ở rừng phòng hộ Đăk Mi để bảo tồn, nhân giống, cấp phát cho người dân trồng, bên cạnh đó phát triển du lịch.

Lý lịch khoa học

sâm ba kích

Một củ sâm ba kích tại khu rừng - Ảnh: LÊ TRUNG

Cây sâm ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis How, thuộc họ nhà cà phê, có hai loại là ba kích trắng và ba kích tím. Cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn, có vị cay ngọt, tính hơi ấm.

Trong củ ba kích có chứa gentianine, carpaine, choline, trigonelline, díogenin, vitamin B1, morindin, vitamin C... Rễ chứa antraglycozid, đường, nhựa, axit hữu cơ, phytosterol và ít tinh dầu. Ba kích có tác dụng ôn thận, tráng dương, ích tinh, mạnh gân cốt, khử phong thấp, gân cốt yếu, lưng, gối mỏi đau, hóa đờm... Ba kích là vị thuốc bổ trí não và tinh khí, chữa di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều.

Theo y học hiện đại, loài sâm này tăng cường đề kháng, chống viêm, tăng sức dẻo dai. Sâm ba kích có thể bào chế thuốc nhưng thông dụng nhất vẫn là dùng để ngâm rượu.

Trồng sâm ba kích

TTCT - Loại sâm quý hiếm này được người Cơ Tu ở Quảng Nam tìm ra cách di thực và nhân giống trong vườn nhà như một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp bảo tồn nguồn gen ba kích trước nạn săn lùng diễn ra ngay sau khi chúng được tìm thấy tại địa phương.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp