Mẫu hóa thạch được phát hiện ở Nam Cực là quả trứng lớn nhất trong thời đại khủng long thống trị Trái đất. Ảnh: scmp.com
Ngày 17/6, các nhà khoa học Chile thông báo mẫu hóa thạch được phát hiện ở Nam Cực từ trước đó là quả trứng lớn nhất trong thời đại khủng long thống trị Trái đất. Quả trứng này có thể là từ loài Mosasaur (thương long), một loài thằn lằn biển sống cách đây hơn 66 triệu năm.
Một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chile và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Chile đã tìm thấy một mẫu hóa thạch tương tự như một quả bóng rổ bị biến dạng trong cuộc thám hiểm Nam Cực vào năm 2011, nhưng chỉ đến bây giờ các nhà khoa học mới xác định được rằng vật thể này là một quả trứng với đường kính 30 cm.
Đây là quả trứng có kích thước lớn nhất trong thời đại khủng long và lớn thứ hai trong lịch sử được ghi nhận, chỉ xếp sau trứng của loài Chim voi ở Madagascar đã tuyệt chủng vào thế kỷ 18.
Các nhà khoa học đã sử dụng kính hiển vi điện tử và các thiết bị quang phổ và nhiễu xạ tia X để đi đến kết luận rằng đây là một quả trứng có vỏ mềm, tương tự như của các loài rắn và thằn lằn ngày nay.
Theo Tiến sĩ Alexander Vargas thuộc Đại học Chile, 2 nghiên cứu đã được thực hiện để xác định các đặc điểm của quả trứng, cũng như kích thước của loài vật đã sinh ra nó.
Tiến sĩ Vargas cho biết Mosasaur sống trong thời đại khủng long và là một loài thằn lằn khổng lồ thích nghi với môi trường nước và có quan hệ họ hàng gần gũi với các loài thằn lằn như rồng Komodo và các loài rắn.
Ông Vargas cũng lưu ý rằng đảo Seymour tại Nam Cực, nơi quả trứng được tìm thấy, có rất nhiều hóa thạch của của loài Mosasaur và loài Plesiosaur (loài thằn lằn ở bước tiến hóa trước Mosasaur).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận