Ảnh: Shutterstock/Lucky Business
"Hệ thống phòng thủ" này thực chất là các tế bào nằm bên trong khoang mũi có thể giải phóng vào chất dịch nhầy hàng tỷ "chiếc túi" siêu nhỏ, được gọi là exosome, để tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập.
Không những đóng vai trò tương tự như một loại thuốc kháng sinh mạnh mẽ, các exosome này còn "kiêm" luôn cả nhiệm vụ cảnh báo tới các tế bào chung quanh nhằm chống lại các mầm bệnh xâm nhập qua đường hô hấp.
Phát hiện này được các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện chuyên khoa Massachusetts Eye & Ear (Mỹ) đưa ra sau một loạt nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực tế trên bệnh nhân.
Để xác định vai trò chính xác của exosome, các nhà nghiên cứu phân tích các mẫu mô được lấy từ mũi bệnh nhân. Kết quả cho thấy, chỉ trong vòng năm phút sau khi các tế bào bên trong khoang mũi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh, số lượng các exosome được phát tán vào chất dịch nhầy đã tăng lên gấp đôi.
Nói về exosome, chuyên gia về xoang mũi đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Benjamin Bleier cho biết: "Chúng (exosome) tỏ ra mạnh mẽ trong việc tiêu diệt vi khuẩn như một loại thuốc kháng sinh".
Tuy nhiên, không phải tất cả các exosome chỉ biết tiêu diệt vi khuẩn. Đa phần trong số đó sẽ di chuyển sâu vào bên trong khoang mũi. Tại đây chúng "giao tiếp" với các tế bào khác để cảnh báo về các mầm bệnh xâm nhập. Kế đó, exosome trao đổi các protein và một số vật liệu di truyền tới các tế bào này để chúng cũng được trang bị khả năng chống lại vi khuẩn nguy hiểm.
Điều này có thể giải thích một phát hiện khác, các nhà khoa học từng khám phá ra rằng những sợi lông nhỏ xíu bên trong lỗ mũi thường có xu hướng đẩy các tác nhân gây bệnh vào sâu mũi hơn là "quét" chúng ra ngoài.
Một khi các tế bào "tuyến sau" có được thông tin về vi khuẩn gây bệnh, các mầm bệnh này sẽ được nuốt xuống theo đường tiêu hóa và bị tiêu diệt ở ruột, theo tiến sĩ Bleier. Ông chia sẻ thêm rằng đây là bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch của chúng ta có khả năng truy tìm và tấn công các tác nhân gây bệnh trước khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đang lên kế hoạch nhằm tìm hiểu cách thức liên kết giữa exosome và các tế bào để đưa ra các phương án điều trị bệnh hiệu quả hơn trong tương lai.
Exosome, được phát hiện lần đầu vào năm 1983, có nguồn gốc từ tế bào và xuất hiện trong dịch sinh học (máu, nước tiểu,…). Exosome có kích thước khoảng 30-100 nm và đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, cơ chế truyền tin tế bào và kiểm soát chất thải.
Hiện nay, exosome đang được các nhà khoa học xem xét trở thành một công cụ và một dấu sinh học trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận