Tại cuộc họp ở Tokyo ngày 2-1, hội đồng chuyên gia về động đất cho biết trận động đất mạnh 7,6 độ hôm 1-1 là do đứt gãy nghịch gây ra trong hoạt động kiến tạo của vỏ Trái đất.
Theo đó, mặt phía trên của đứt gãy bị dịch chuyển hướng lên, dịch xa khỏi mặt phía dưới của đứt gãy này, theo báo Japan Times.
Hội đồng chuyên gia nhấn mạnh: Vùng hoạt động kiến tạo đang mở rộng trong và xung quanh khu vực. Do đó người dân nên cảnh giác với những trận động đất tiếp theo, sẽ có cấp độ cao nhất là 7 trong thang cường độ địa chấn của Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, vùng hoạt động địa chấn mạnh đã được phát hiện ở khu vực phía bắc bán đảo Noto, nằm ở tỉnh Ishikawa trên bờ biển Nhật Bản, kể từ tháng 12-2020. Khu vực này đã bị một trận động đất mạnh 5,4 độ vào tháng 6-2022 và một trận động đất mạnh 6,5 độ vào tháng 5-2023.
Sau trận động đất mạnh 7,6 độ (cấp độ 7) ở thị trấn Shika, tỉnh Ishikawa vào chiều 1-1-2024, bán đảo và vùng phụ cận đã trải qua nhiều dư chấn mạnh, bao gồm cả các trận động đất có cấp độ trên 5.
Ông Naoshi Hirata - giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo, người đứng đầu hội đồng - nói với các phóng viên rằng trận động đất mới nhất là một phần của hoạt động địa chấn đang diễn ra, nhưng tại thời điểm này vẫn chưa biết chính xác phần nào của đứt gãy đã di chuyển.
Động đất thường xảy ra tại đường đứt gãy giữa các mảng kiến tạo, những khối đá khổng lồ tạo nên lớp vỏ Trái đất. Đứt gãy cho phép các khối đá dịch chuyển tương đối so với nhau, nhưng đôi khi chúng mắc kẹt với nhau, khiến áp lực tại các đường đứt gãy gia tăng.
Khi áp lực ngày một tăng và đạt tới đỉnh điểm, các mảng kiến tạo sẽ có hiện tượng trượt, năng lượng sẽ được giải phóng dưới dạng sóng địa chấn, khiến cho mặt đất rung chuyển, gây ra động đất.
Các chuyên gia cảnh báo phạm vi hoạt động của các đường kiến tạo đang ngày càng mở rộng trong và xung quanh khu vực, do đó người dân cần cảnh giác những trận động đất tiếp theo có thể xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận