Mặt trước của quầy được trang trí bằng những bức bích họa màu sắc tươi sáng, mô tả các loài động vật như một con gà và hai con vịt treo ngược. Ảnh: sannioportale.it
Các nhà khảo cổ đang khai quật Pompeii, thành phố bị chôn vùi trong một vụ phun trào núi lửa vào năm 79 sau Công nguyên, đã phát hiện một cửa hàng chuyên phục vụ các món ăn đường phố cho thực khách trong thời La Mã cổ đại.
Được biết đến là một 'termopolium', tiếng Latinh có nghĩa là quầy đồ uống nóng, cửa hàng trên được phát hiện tại Regio V của khu vực khảo cổ. Theo các nhà khảo cổ, dấu vết của thực phẩm gần 2.000 năm tuổi được tìm thấy trong nhiều lọ sành đựng thức ăn nóng mà chủ cửa hàng đặt trong quầy. Mặt trước của quầy được trang trí bằng những bức bích họa màu sắc tươi sáng, mô tả các loài động vật như một con gà và hai con vịt treo ngược. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một chiếc bát uống nước bằng đồng được trang trí tinh xảo có tên gọi là patera, bình gốm dùng để nấu các món hầm và súp, bình rượu...
Theo ông Massimo Ossana, Giám đốc Khu khảo cổ Pompeii, đây là một phát hiện phi thường. Các phân tích sơ bộ dựa trên hình vẽ trang trí phần mặt trước của quầy cho thấy một phần các đồ ăn thức uống được bán tại đây. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu vết của thịt lợn, cá, ốc và thịt bò trong các bình. Đây là khám phá quan trọng cho thấy 'rất nhiều sản phẩm động vật đã được người La Mã cổ đại sử dụng để chế biến các món ăn'.
Với khoảng 13.000 cư dân, thành cổ Pompeii, cách thành phố Napoli của Italy khoảng 23 km về phía Đông Nam, đã bị chôn vùi 18 m dưới lớp tro bụi và đất đá khi núi lửa tại đây bất ngờ phun trào với sức mạnh tương đương với nhiều quả bom nguyên tử. Các tàn tích đã không được phát hiện cho đến thế kỷ 16 và các hoạt động khai quật được bắt đầu khoảng năm 1750. Từ đó đến nay, việc khai quật Pompeii đã cung cấp một cái nhìn sâu rộng về cuộc sống của một thành thị thời cực thịnh của Đế quốc La Mã.
Pompeii là một trong những các điểm tham quan nổi tiếng nhất của Italy và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là di sản thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận