Các tế bào ung thư vú di căn ở gan được nhìn thấy trong một hình ảnh của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ. Ảnh minh họa. Nguồn: reuters.com
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) vừa phát hiện ra những mấu chốt mới về cách thức mà hệ miễn dịch có thể nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư. Phát hiện này giúp hé mở những liệu pháp mới để điều trị các bệnh ung thư xâm lấn (còn gọi là ung thư di căn).
Nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Toàn diện Jonsson thuộc Đại học California đã công bố thông tin trên vào ngày 28/11. Trong thông cáo, nhóm nghiên cứu cho biết đã phát hiện một số tế bào miễn dịch vẫn có thể chống lại tế bào ung thư ngay cả khi các tế bào ung thư thiếu một loại protein quan trọng mà hệ miễn dịch dựa vào đó để theo dõi các tế bào ung thư.
Khi tế bào ung thư không chứa phân tử protein có tên là B2M, hệ miễn dịch sẽ kích hoạt một phản ứng thay thế với sự tham gia của tế bào T hỗ trợ (hay còn gọi là tế bào CD4+) và tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural killer cell) hay còn gọi là tế bào NK. Các nghiên cứu thử nghiệm trên cả động vật và sinh thiết khối u ở bệnh nhân đều cho kết quả như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện này cho thấy một cơ chế phòng thủ thay thế của hệ miễn dịch, có khả năng nhận biết và tấn công các tế bào ung thư.
CD4 là một tế bào rất quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể, nó giúp cơ thể nhận biết các kháng nguyên lạ, điều hòa hệ miễn dịch của cơ thể để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân nguy hại như vi khuẩn và virus.
Trong khi đó, tế bào NK là một bạch huyết bào trong hệ miễn dịch tự nhiên, có khả năng phản ứng nhanh với các tế bào nhiễm virus và tế bào dị biệt bao gồm các tế bào có khả năng hình thành ung thư. Chức năng của chúng là nhận biết và tiêu diệt các tế bào nhiễm virus kể cả các tế bào mới sinh ra./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận