Bề mặt mặt trăng Enceladus của sao Thổ - Ảnh: NASA |
Theo báo Anh Guardian, tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện các đo đạc và phát hiện đại dương sâu 10km phía dưới bề mặt băng giá lạnh lẽo ở cực nam của mặt trăng Enceladus. Các chuyên gia NASA cho biết đại dương trên Enceladus tiếp xúc trực tiếp với lõi đất đá của mặt trăng này. Do đó nhiều nguyên tố có lợi cho sự tồn tại của sự sống như phosphorus, sulfur và potassium sẽ có mặt trong nước biển. Do đó, sự sống ngoài trái đất có thể tồn tại ở đại dương này.
Tàu vũ trụ Cassini với các máy quay và thiết bị đo đạc hiện đại đã bay tới quỹ đạo sao Thổ từ năm 2004. Năm 2005, Cassini phát hiện hơi nước bốc lên từ cực nam của Enceladus. Khi đó các nhà khoa học đã nghi ngờ một đại dương tồn tại ở đó. Các bằng chứng mới đây đã khẳng định khám phá này.
Enceladus không phải là mặt trăng duy nhất trong hệ mặt trời có chứa đại dương. Europa, một mặt trăng của sao Mộc, có một đại dương khổng lồ phía dưới bề mặt. Tuy nhiên giới khoa học tin rằng sự sống nhiều khả năng tồn tại ở Enceladus hơn do hơi nước bốc lên từ cực nam mặt trăng này có chứa các phân tử hữu cơ.
Gần đây, NASA tuyên bố gây quỹ 15 triệu USD để lên kế hoạch đưa tàu vũ trụ tới mặt trăng Europa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận