Một con voọc chà vá chân xám quý hiếm được phát hiện tại vùng núi huyện Ba Tơ - Ảnh: HOÀNG QUỐC HUY
Voọc chà vá chân xám thuộc nhóm 1B trong danh mục động vật rừng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, quý hiếm, là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam được ghi chép trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Theo ước tính trong cả nước, loài voọc chà vá chân xám ngoài tự nhiên chỉ còn 2.200 - 2.500 con, phân bố ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) khảo sát tại 10 khu vực rừng ở các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã phát hiện 10 đàn, với 104 con voọc chà vá chân xám.
Mẹ con voọc chà vá chân xám được phát hiện ở vùng núi huyện Ba Tơ. Theo các chuyên gia, loài động vật này nằm trong sách đỏ IUCN cần được bảo vệ khẩn cấp bởi số lượng suy giảm nghiêm trọng - Ảnh: HOÀNG QUỐC HUY
Theo ông Ngô Vĩnh Phong - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, đoàn khảo sát trực tiếp thấy được 10 đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm trên. Còn tại khu vực trên có khoảng 20 đàn, với gần 200 con. "Đây là những đàn voọc chà vá rất quý hiếm, cần được bảo tồn khẩn cấp", ông Phong nói.
Ông Trần Hữu Vỹ, giám đốc Green Việt, cho biết trên thế giới voọc chà vá chân xám chỉ có ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Không chỉ nằm trong nhóm cực kỳ nguy cấp ở Việt Nam, mà còn nằm trong sách đỏ IUCN. Đàn voọc ở Quảng Ngãi cần được bảo vệ khẩn cấp, bởi từng có việc người dân săn bắn loài động vật quý hiếm này.
"Với góc độ nhà nghiên cứu, khảo sát nhanh khu vực đã thấy được đa dạng sinh học. Việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên tại nơi phát hiện đàn voọc ở Quảng Ngãi là cần thiết bởi khu vực giáp ranh với các khu bảo tồn của Gia Lai và Bình Định, có ý nghĩa kết nối hành lang, không gian cho động thực vật sinh sống", ông Vỹ nói.
"Không chỉ tôi mà nhiều chuyên gia sinh học đều chung quan điểm thành lập khu bảo tồn ở khu vực này càng sớm càng tốt. Thật sự khu vực rừng này quá quý giá", ông Vỹ nói thêm.
Theo báo cáo của các chuyên gia, giai đoạn 2010 - 2020, đã có khoảng 86 con voọc chà vá chân xám ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên bị săn bắn, cơ quan chức năng tịch thu, bắt giữ nhiều thủ phạm. Tại huyện Ba Tơ, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện vụ săn bắn 5 con voọc chà vá chân xám và khởi tố vụ án, truy tố người liên quan.
Năm con voọc chà vá chân xám bị người dân săn bắn tại khu vực sinh sống của loài vật này, các chuyên gia cho rằng việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên là cấp bách để bảo tồn không chỉ vọoc mà còn có vượn, tê tê, culi, báo hoa mai... - Ảnh: T.M.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận