Đây là các hoạt động nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng và 35 năm Ngày thành lập Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Vẽ tranh thể hiện lòng tôn kính Bác Tôn
Tại buổi họp mặt, ông Phạm Thành Nam - giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng - đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Người là một tấm gương sáng về lòng trung thành, sự tận tụy với Đảng, với nhân dân, luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất, giữ vững đạo đức cách mạng.
Thể hiện lòng kính yêu dành cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tiếp tục tổ chức cuộc thi vẽ tranh Thiếu nhi TP.HCM với Bác Tôn.
Năm nay là lần thứ 17 cuộc thi được tổ chức, thu hút đông đảo các em nhỏ tham gia, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu quý dành cho Bác Tôn.
Cuộc thi có 512 em (từ 5 đến 14 tuổi) đến từ 37 nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa trên địa bàn thành phố, các trường tiểu học, lớp vẽ… dự thi.
Các tranh dự thi sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như bột màu, màu sáp, màu nước, sơn dầu, acrylic…
Ban giám khảo gồm ông Phan Hữu Thiện - nguyên giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, ông Nguyễn Văn Minh - hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Siu Quý - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, đã chọn 86 tranh để trao giải. Trong đó có 5 giải A, 18 giải B, 26 giải C và 37 giải khuyến khích.
Những bức tranh đoạt giải được triển lãm tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (số 5 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) từ ngày 18 đến 21-8.
Phát hành sách ảnh về cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn
Dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn giới thiệu sách ảnh Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng do Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM phát hành.
Ấn phẩm này gồm 92 trang tượng trưng cho tuổi đời của Bác Tôn, 135 ảnh tượng trưng cho 135 năm ngày sinh của Bác.
Nội dung sách có 7 phần tương đồng với bài viết của giáo sư Trần Văn Giàu “Bảy ngọn núi An Giang trong cuộc đời gần trăm năm của cụ Tôn Đức Thắng”.
Bảy phần gồm: Quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Lên Sài Gòn học việc và làm thợ; Người chiến sĩ cộng sản quốc tế; Thành lập Công hội, tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn; Mười lăm năm tù Côn Đảo; Tham gia xây dựng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, giai đoạn 1945 -1980; Cuộc sống đời thường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Ngoài ra, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cũng đã công bố và trao giải hội thi trực tuyến “Công nhân TP.HCM tiếp bước người thợ máy Tôn Đức Thắng” cho các cá nhân xuất sắc nhất.
Ông Trần Kiến Xương - phó chánh văn phòng, trưởng đại diện văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại TP.HCM - trao tặng bộ tem bưu chính được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Anh Nguyễn Thanh Phong - cháu Bác Tôn - chia sẻ: “Tôi vui mừng, tự hào vì Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã lưu giữ những hình ảnh cẩn thận. Gia đình thường xuyên đến bảo tàng và xem các anh chị em công tác tại bảo tàng như người nhà”.
Ông Phạm Thành Nam - giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng - cho biết dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã hoàn thành công trình. Chủ đầu tư đang tiếp tục thi công phần trưng bày cố định và thường xuyên.
Theo tiến độ của chủ đầu tư xác định, phần thi công phần trưng bày cố định và thường xuyên dự kiến hoàn thành vào tháng 7-2024.
Dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng khởi công vào ngày 12-10-2020 gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, với chiều cao 20m, tổng diện tích sàn hơn 8.551 mét vuông.
Bảo tàng đang lưu giữ hơn 16.000 hiện vật, tư liệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận