Thầy trò Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM cùng in dấu vân tay cam kết bảo vệ môi trường tại buổi lễ vào sáng 14-5 - Ảnh: C.Nhật |
Cuộc thi do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola VN phối hợp tổ chức.
Sân chơi cần thiết
Đến từ vùng đất thường trân mình chịu hạn nặng Đắk Lắk, bạn Vũ Ngọc Hoàng (ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM) cho biết: “Vì nhiều lần tận mắt chứng kiến sự khổ sở cùng cực của người dân quê khi sống thiếu nước sạch, nên tôi mong muốn sẽ làm được điều gì đó hỗ trợ cũng như giúp họ nâng cao ý thức về giữ gìn nguồn nước, có công nghệ để xử lý nước sạch... Cuộc thi này là một cơ hội để biến mơ ước đó thành sự thật”.
Cũng theo Hoàng, cuộc thi rất cần thiết bởi một bộ phận không nhỏ giới trẻ (đặc biệt ở các thành phố lớn) còn khá lãng phí nước do chưa từng rơi vào hoàn cảnh thiếu nước.
Còn với bạn Huỳnh Thị Phương Tâm (ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM), cuộc thi tạo ra sân chơi bổ ích cho giới trẻ thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các bạn với môi trường.
Sinh sống tại VN được năm năm, ông Stephen Berlinguette (trưởng đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại TP.HCM) bày tỏ: “Ở Mỹ, chúng tôi rất quan tâm đến việc giáo dục người trẻ về các vấn đề môi trường và tôi rất vui khi VN đã có nhiều hoạt động tương tự. Cá nhân tôi thấy cuộc thi này là một ý tưởng tuyệt vời”.
“Cuộc thi sẽ góp phần từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng nói chung, giới trẻ nói riêng và đồng thời giúp các bạn ứng dụng kiến thức được học vào thực tế cuộc sống” - PGS.TS Phan Đình Tuấn (hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM) khẳng định.
Chia sẻ lý do đồng hành cùng cuộc thi, ông Nguyễn Thế Đồng (phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) cho biết những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán và ô nhiễm nguồn nước... diễn ra ngày càng trầm trọng trên phạm vi rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
“Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm các mô hình, ý tưởng góp phần giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay về xâm nhập mặn, hạn hán và ô nhiễm nguồn nước, đồng thời tạo một sân chơi bổ ích, giúp tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo trong giới trẻ” - ông Đồng nói.
Nỗ lực biến thành sân chơi thường niên
Đại diện chương trình, ông Nguyễn Việt Dũng (giám đốc Trung tâm Đào tạo và truyền thông môi trường - Tổng cục Môi trường) cho biết các sản phẩm dự thi nhất thiết phải xoay quanh một trong ba lĩnh vực: xâm nhập mặn (giải pháp về xử lý nguồn nước bị nhiễm mặn, giải pháp có tính quản lý và dự báo tình trạng, diễn biến xâm nhập mặn...), hạn hán (giải pháp về tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong canh tác nông, ngư, công nghiệp...), ô nhiễm nguồn nước (giải pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, giảm thiểu và hạn chế ô nhiễm nguồn nước...).
“Một dự án có thể truyền tải một hoặc kết hợp nhiều nội dung như trên đều được” - ông Dũng bổ sung.
Đại diện Công ty Coca-Cola VN cam kết sẽ nỗ lực biến cuộc thi thành sân chơi thường niên với sự đồng hành, hỗ trợ từ các chuyên gia hàng đầu... để từ đó nhận về các giải pháp hiệu quả liên quan đến các vấn đề về môi trường, tiếp sức niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở giới trẻ.
Tổng giá trị giải thưởng 200 triệu đồng Cuộc thi dự kiến diễn ra từ tháng 5 đến tháng 12-2016 và dành cho các bạn 16 - 25 tuổi đến từ các trường trung học, CĐ, ĐH... trên toàn quốc. Thí sinh có thể tham dự theo hai hình thức cá nhân hoặc nhóm (dưới ba thành viên/nhóm). Dự kiến có 12 giải thưởng trao cho các dự án thuộc ba lĩnh vực (xâm nhập mặn, hạn hán, ô nhiễm) với tổng giá trị giải thưởng hơn 200 triệu đồng. Có hai cách gửi bài dự thi về chương trình: Qua đường bưu điện: Trung tâm Đào tạo và truyền thông môi trường (Tổng cục Môi trường), địa chỉ: 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội (ngoài bì thư ghi: Dự cuộc thi “Nước và cuộc sống”). Hoặc qua email: [email protected]. Hạn chót nhận hồ sơ vòng sơ loại: ngày 30-10. Có thể tham khảo thêm thông tin về chương trình tại: www.vea.gov.vn, www.cetac.gov.vn, www.doanthanhnien.vn hoặc Facebook: @nuocvacuocsong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận