27/08/2016 18:24 GMT+7

Phát ấn thời nay phản giá trị ấn tín triều đình xưa

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Ngày 27-8, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Hán Nôm (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo quốc gia vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại.

TS Phạm Văn Tuấn thẳng thắn chỉ ra lợi ích kinh tế của việc phát ấn - Ảnh: V.V.TUÂN
TS Phạm Văn Tuấn thẳng thắn chỉ ra lợi ích kinh tế của việc phát ấn - Ảnh: V.V.TUÂN

Gần 50 tham luận gửi đến hội thảo tập trung vào ba vấn đề lớn: Hán Nôm với chính sách văn hóa; Hán Nôm với giáo dục; Hán Nôm - từ truyền thống đến hiện đại.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến tham luận, phản biện của các đại biểu là việc phát ấn tràn lan ở nhiều di tích trong thời gian gần đây.

TS Phạm Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Hán Nôm) thẳng thắn chỉ ra lý do vì sao việc phát ấn lại nở rộ ở nhiều địa phương trong thời gian qua: “Phát ấn đang trở thành phong trào khi nhiều nơi, các di tích văn hóa muốn phát ấn hoặc các hình thức tương tự phát ấn. Phát ấn đương nhiên có lợi về du lịch, văn hóa, lễ hội nhưng cái lợi lớn nhất vẫn là lợi về kinh tế”.

Vì thế, ông cho rằng việc Hoàng thành Thăng Long gần đây muốn tổ chức phát ấn đầu xuân có thể cũng không ngoài vấn đề trên.

Nêu ra nhiều dẫn chứng, ông Tuấn khẳng định không có cứ liệu nào để khẳng định hiện vật được cho là ấn Sắc mệnh chi bảo ở Hoàng thành Thăng Long có từ thời Trần hoặc đồng nhất với ấn tín nội mật thời Trần Thái Tông.

Ấn Sắc mệnh chi bảo ở đây giống với ấn thời Lê nên khả năng cao có thể đoán được là ấn có niên đại khoảng thời Lê, nên việc khai ấn ở Hoàng thành Thăng Long là vô giá trị và có tác dụng không tốt với văn hóa xã hội.

“Ấn tín sinh ra trong thời quân chủ phong kiến, mỗi ấn khi đóng xuống một văn bản đều có nội dung phía trước và đóng ấn vào niên đại phía sau. Vì thế không thể đóng một cái ấn ra một tờ giấy, một mảnh vải mà không có nội dung gì để ban phát cho người dân. Đó là việc làm không có giá trị, không có ảnh xạ về văn hóa mà thậm chí làm xấu đi, phản giá trị của ấn tín, của nghi lễ triều đình xưa” - ông Tuấn nói.

PGS.TS Nguyễn Công Việt (Viện nghiên cứu Hán Nôm) cũng đồng quan điểm khi cho rằng biến tướng của việc phát ấn ở nhiều di tích đang lan rộng.

“Bên cạnh ý nghĩa tích cực của lễ hội đền Trần là đề cao tinh thần dân tộc, tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc ta, tôn vinh anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thì lễ hội ngày nay còn rất nhiều bất cập, hạn chế.

Xu hướng hành chính hóa lễ hội, biến lễ hội từ một nghi thức tượng trưng thành một nghi lễ mang tính thực dụng cầu thăng quan tiến chức, thương mại hóa lễ hội, hình thành nhóm người buôn dấu ấn với nhau.

Thậm chí người ta còn in những con dấu đồng bộ, đóng thành từng két gửi đi nơi xa, thu nhập hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi mùa lễ hội." - Ông Việt đánh giá.

Một trong những giải pháp ông Việt đưa ra là cần phải tổ chức kiểm tra những di tích đền Trần có sử dụng ấn tín trong lễ hội và phải đình chỉ sử dụng các hiện vật ấn và văn bản đóng dấu không có xuất xứ lịch sử hoặc không có cơ sở rõ ràng hay có sai sót về nội dung chuyên môn.

Cần đưa Hán Nôm vào trường phổ thông

PGS.TS Hà Văn Minh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng cần phải đưa tri thức Hán Nôm vào trường phổ thông theo nhiều cách. Ông đề nghị các cơ sở đào tạo, nghiên cứu Hán Nôm cần có bản kiến nghị với tư cách tập thể để có tiếng nói chính thức về việc này.

Một trong những cách đưa bộ môn Hán Nôm vào trường học phổ thông là đưa Hán Nôm thành môn học tự chọn. Đồng thời bộ phận văn học cổ viết bằng tiếng Hán Nôm phải có tỉ trọng tương đối với các môn học khác.

Sách ngữ văn cần có mục tra cứu từ và yếu tố Hán Việt nhưng gắn với nó là hình thể của chữ Hán và giải thích hình thể đó để học sinh hiểu; hình thành bài học chuyên biệt về các từ Hán Việt trong sách giáo khoa; biên soạn từ điển giải thích từ Hán Việt và từ Việt cổ dùng trong nhà trường.

Đề nghị Bộ GD-ĐT cho tổ chức biên soạn bộ giáo khoa Hán Nôm, coi như một tài liệu tham khảo được Bộ GD-ĐT giới thiệu dùng trong nhà trường phổ thông (THCS, THPT).

GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng (Viện nghiên cứu Hán Nôm) thì cho rằng hiện nay học sinh đã có quá nhiều môn học rồi, không nên có một bộ môn mới nữa để dạy Hán Nôm.

Tuy nhiên, cần phải làm cho học sinh có hứng thú với Hán Nôm để lên đại học thì các em sẽ nghiên cứu, học tập Hán Nôm.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp