Nhiều tác phẩm nghệ thuật của các quốc gia châu Phi đang được trưng bày trong các bảo tàng tại châu Âu - Ảnh: AFP
Theo đài RFI, thông báo được đưa ra vào tối 23-11 (giờ địa phương) không lâu sau khi công bố báo cáo đề xuất sửa đổi Luật Di sản, nhằm cho phép hoàn trả các tác phẩm văn hóa cho các nước châu Phi.
Đây là bước đi đầu tiên của Pháp nhằm chứng minh quyết tâm thực thi những gì đã nói.
Trong chuyến thăm Burkina Faso hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Macron từng tuyên bố tại thủ đô Ouagadougou: "Di sản của châu Phi không thể chỉ để nằm trong các bộ sưu tập và bảo tàng tư nhân châu Âu".
Ông đồng thời yêu cầu nữ sử gia nghệ thuật người Pháp Benedicte Savoy và học giả - nhà văn người Senegal Felwine Sarr nghiên cứu trình báo cáo về vấn đề này.
Sau thời gian nghiên cứu, soạn thảo, bà Benedicte Savoy và ông Felwine Sarr đã đệ trình báo cáo đề xuất sửa đổi Luật Di sản, nhằm cho phép hoàn trả các tác phẩm văn hóa nếu các hiệp định song phương đã ký giữa Pháp và các nước châu Phi có đề cập các nội dung liên quan.
Sự thay đổi trong quy định sẽ được áp dụng riêng đối với các tác phẩm nghệ thuật hiện đang được lưu giữ tại các bảo tàng và đã được "chuyển từ lãnh thổ ban đầu trong thời kỳ thuộc địa của Pháp".
Các tác phẩm nghệ thuật của Benin bị lấy đi trước đây - Ảnh: AFP
Trong quyết định vừa công bố tối 23-11, Dinh Tổng thống Pháp cho biết 26 tác phẩm sẽ được trao trả cho Benin ngay lập tức.
Tuy nhiên có một cản trở là vấn đề pháp lý do luật pháp Pháp nghiêm cấm chính phủ nhượng lại tài sản nhà nước, ngay cả trong các trường hợp tài sản đó có được do cưỡng đoạt.
Học giả - nhà văn người Senegal Felwine Sarr, đồng tác giả của báo cáo, giải thích về qui trình trao trả: "Một trong những cách hay nhất là làm nhà kho bền vững cho các tác phẩm đó và đặt trong các bảo tàng của Benin. Quá trình này cũng là lúc chờ đợi dự luật Di sản sửa đổi được Quốc hội Pháp phê chuẩn theo lịch trình".
Nữ sử gia Benedicte Savoy ngợi khen quyết định từ Tổng thống Macron: "Thông báo trao trả những món đồ cướp bóc trong các chiến dịch quân sự thời đô hộ thuộc địa và quyết định lịch sử và ta có thể so sánh sự kiện này với việc bức tường Berlin sụp đổ".
Đây đúng là một thời khắc lịch sử bởi vì lịch sử đang được vận động tiến lên vào thời điểm này. Quyết định này wsẽ có ảnh hưởng đến nhiều mặt khác trong quan hệ Pháp - châu Phi"
Felwine Sarr - nhà văn Senegal
Học giả - nhà văn người Senegal Felwine Sarr và nữ sử gia nghệ thuật người Pháp Benedicte Savoy ngắm tượng nửa người - nửa sư tử của vua Glèlè của Benin tại Bảo tàng Quai Branly ở Paris vào tháng 4-2018 - Ảnh: AFP
Hôm 22-11, giám đốc các bảo tàng ở nhiều nước châu Phi đã lên tiếng hoan nghênh báo cáo kêu gọi Pháp trao trả hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật bị đưa ra khỏi châu lục trong thời kỳ thuộc địa trước đây.
Những người ủng hộ trao trả các tác phẩm nghệ thuật vốn bị mua bán, trao đổi hoặc đánh cắp trong thời kỳ thuộc địa đã nhiệt liệt hoan nghênh khuyến nghị được nêu trong báo cáo. Bà Marie-Cecile Zinsou - Giám đốc Quỹ Nghệ thuật Zinsou ở Cotonou (Benin), cho biết: "Dường như chúng ta chỉ còn một bước nữa là có thể tái hiện lại lịch sử của mình và cuối cùng có thể chia sẻ nó trên lục địa".
Chia sẻ cảm xúc trên, Giám đốc Bảo tàng Nền văn minh châu Phi ở Dakar (Senegal), ông Hamady Bocoum cũng nhận định: "Đây là một quyết định tuyệt vời, phản ánh bước tiến của lịch sử".
Tuy nhiên, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật lo ngại động thái này có thể khiến nhiều bảo tàng châu Âu trở nên trống trải.
Ngoài ra, câu hỏi đặt ra là liệu các tác phẩm nghệ thuật này có an toàn sau khi trở về cố quốc, hay sẽ bị đánh cắp hoặc không được bảo tồn đúng quy cách.
Tổng thống Pháp Macron đã có quyết định táo bạo cho việc hàn gắn vết thương thuộc địa với châu Phi - Ảnh: REUTERS
Theo các chuyên gia, khoảng 85-90% di sản văn hóa của châu Phi hiện đang "lưu trú" ở nước ngoài, đặc biệt là tại châu Âu.
Hiện có khoảng 90.000 tác phẩm nghệ thuật của châu Phi đang được lưu giữ trong các bảo tàng tại Pháp, trong đó khoảng 70.000 tác phẩm tại Bảo tàng Quai Branly ở Paris do cựu Tổng thống Jacques Chirac - một người ngưỡng mộ nghệ thuật châu Phi và châu Á, thành lập.
Đây là những tác phẩm "chiến lợi phẩm" lấy về từ châu Phi trong giai đoạn từ năm 1885 et 1960.
Các chuyên gia Pháp cho biết Bảo tàng Welt ở Vienna (Áo) đang lưu giữ 37.000 hiện vật có nguồn gốc từ các nước phía Nam sa mạc Sahara và Bảo tàng Hoàng gia Bỉ về Trung Phi ở Tervuren đang lưu giữ 180.000 hiện vật.
Tổng thống Macron cũng e ngại quyết định của mình gây khó chịu cho một số quốc gia châu Âu khác nên đã đề xuất cuộc gặp làm việc sâu hơn với một số quốc gia đang sở hữu các tác phẩm nghệ thuật có được theo cách tương tự của Pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận