Các chiến dịch vận động hành lang từ cả hai phía từ nhiều tháng qua nhằm thúc đẩy lẫn phản đối sửa đổi luật bản quyền của châu Âu - Ảnh: REUTERS, AFP
Hãng tin AFP ngày 24-7 cho biết Pháp là quốc gia đầu tiên của châu Âu thông qua sửa đổi luật bản quyền được Nghị viện châu Âu thống nhất hồi tháng 3-2019.
"Chúng ta có thể tự hào là quốc gia đầu tiên đưa chỉ đạo của EU vào luật quốc gia. Văn bản này cực kỳ quan trọng đối với nền dân chủ của chúng ta và sự sống còn của báo chí tự do và độc lập", Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester nhấn mạnh.
Động thái bảo vệ tác quyền của EU nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ các công ty truyền thông và nghệ sĩ, cho phép họ bảo đảm doanh thu từ các nền tảng web.
Tuy nhiên nó lại bị các nhà hoạt động tự do Internet phản đối mạnh mẽ, cho rằng nó sẽ là rào cản, đóng vai trò là "thuế liên kết", cản trở tự do ngôn luận trên Internet.
Phản đối cũng đến từ Thung lũng Silicon, đặc biệt là Google - nơi thu lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo được tạo ra cùng với nội dung được xuất bản trên các trang của mình.
ASIC, hiệp hội của các công ty công nghệ bao gồm Google và Facebook, cho biết luật sửa đổi, tạo ra "quyền liên quan" nhằm bảo vệ tác quyền, không làm rõ mức độ bao quát của các điều khoản và không xác định sự cân bằng hợp lý nhất giữa tự do lưu truyền thông tin và bảo vệ bản quyền.
Ngoài ra, ASIC lưu ý đạo luật bao gồm các trường hợp ngoại lệ sẽ giúp đảm bảo luồng thông tin tự do và khả năng truy cập thông tin trên Internet.
Tập đoàn truyền thông lớn bao gồm AFP đã thúc đẩy đạo luật cải cách, coi đây là một biện pháp khẩn cấp để bảo vệ báo chí chất lượng và giúp tăng thu nhập của các công ty truyền thông truyền thống.
Cải tổ của EU về bản quyền dự kiến được tất cả các quốc gia thành viên thông qua vào tháng 4-2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận