18/11/2015 07:08 GMT+7

Pháp tăng chi tiêu cho an ninh

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
MỸ LOAN ([email protected])

TT - Sau vụ khủng bố, hiện Chính phủ Pháp đang tiến hành ba hướng hành động: không kích trả đũa, tăng cường an ninh trong nước và tăng cường điều tra giải mã vụ khủng bố.

Chân dung và chi tiết về Salah Abdeslam - nghi can khủng bố đang trốn thoát - được công bố rộng rãi  - Ảnh: Reuters
Chân dung và chi tiết về Salah Abdeslam - nghi can khủng bố đang trốn thoát - được công bố rộng rãi - Ảnh: Reuters

Chủ nghĩa khủng bố sẽ không hủy diệt nước Pháp, bởi vì chính nước Pháp sẽ hủy diệt nó

Tổng thống  FRANÇOIS HOLLANDE

Hôm nay (18-11), Quốc hội Pháp sẽ bỏ phiếu liệu có cho phép kéo dài thời hạn thực thi tình trạng khẩn cấp lên ba tháng hay không. Đây là một trong những biện pháp an ninh mà chính quyền Paris đưa ra nhằm có thêm nhiều điều kiện để thực thi các giải pháp an ninh cấp bách.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp François Hollande cam kết tăng cường ngân sách chi tiêu cho an ninh và tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mạnh mẽ hơn.

Ông cho biết sẽ tạo thêm 5.000 việc làm mới trong các lực lượng an ninh, tăng cường nhân viên trong các nhà tù lên 2.500 người và sẽ tránh cắt giảm chi tiêu quốc phòng trước năm 2019 nhằm tăng cường sức mạnh tiêu diệt IS.

Tổng thống Pháp thừa nhận rằng làm như vậy ông sẽ phá vỡ quy định ngân sách của Liên minh châu Âu, nhưng nhấn mạnh “an ninh quốc gia của Pháp là quan trọng hơn”.

Hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve thông báo cảnh sát nước này đã mở thêm 128 cuộc đột kích trên toàn quốc nhằm vào những đối tượng cực đoan. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 20 người, tịch thu nhiều vũ khí.

“Hãy để điều này trở nên rõ ràng hơn đối với mọi người, chuyện này chỉ mới bắt đầu và những hành động này đang tiếp tục” - ông Cazeneuve nhấn mạnh về việc tiếp tục mạnh tay.

Trong khi đó, cuộc truy lùng nghi can khủng bố thứ tám được cho là còn sống đang được thực hiện ráo riết tại Pháp và Bỉ. Đài CNN cho biết cảnh sát Bỉ hiện đã bắt giữ thêm hai nghi can và tiếp tục săn lùng Salah Abdeslam, một người Pháp sinh sống ở Bỉ, là một trong những kẻ tấn công “nguy hiểm” đang bỏ trốn. Abdeslam đã thoát khỏi Paris và trở về Bỉ vì nhờ được hai người bạn chạy xe sang đón.

Bộ Nội vụ Bỉ cho biết đã công bố hai bức hình mới nhất của Abdeslam để cộng đồng tham gia tố giác khi phát hiện y. Cùng ngày, cảnh sát Pháp công bố danh tánh hai kẻ tấn công có quốc tịch Pháp là Ismael Omar Mostefai (29 tuổi) sống ở Chartres, phía tây nam Paris và Samy Amimour (28 tuổi) ở vùng ngoại ô Drancy.

Mostefai là một ca sĩ nhạc rap ở Pháp nhưng sau đó bỏ nghề để đến Syria trong năm 2013 và 2014. “Anh ta là một người bình thường. Không có điều gì khiến bạn cho rằng anh ta trở nên dữ dằn cả” - Christophe, hàng xóm của Mostefai, mô tả.

Các nhà điều tra cũng nhận diện nghi can người Bỉ Abdelhamid Abaaoud hiện đang ở Syria có khả năng là kẻ cầm đầu, đứng sau các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris tối 13-11. Abaaoud bị nghi ngờ là kẻ chủ mưu các cuộc tấn công ở Paris.

“Hắn xuất hiện như kẻ đầu sỏ đứng sau nhiều cuộc tấn công ở châu Âu” - Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra.

Đài phát thanh RTL cho biết Abaaoud, 27 tuổi, là người ở quận Molenbeek thuộc Brussels. Đây là nơi có nhiều người nhập cư Hồi giáo và gần đây nổi lên như một địa phương có nhiều kẻ theo chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở Bỉ.

Paris muốn sống bình thường

Các trường học ở Pháp đã mở cửa đón học sinh ngay từ thứ hai. Bộ Giáo dục yêu cầu các trường tổ chức luôn cả đội ngũ tư vấn tâm lý cho những trường hợp cảm thấy khó khăn khi bắt đầu ngày học.

An ninh đã tăng cường với mức tối đa trong bối cảnh vẫn chưa giải quyết xong hậu quả vụ khủng bố, người Pháp vẫn muốn tổ chức ngay lại cuộc sống, thật nhanh, thật cương quyết, như một cách để trả lời với khủng bố rằng bạo lực không thể lấn át được cuộc sống.

Nhưng không thể không nhận thấy mồn một cái không khí sợ hãi còn lây lan. Dường như chỉ tiếng pháo nổ, tiếng động lạ cũng khiến người dân chạy tán loạn.

Anh Tuấn Hải, sinh viên theo học Paris 1 Sorbonne, nhớ lại: “Mình ở nhà cả ngày hôm thứ bảy, đến tối mới ra đường đến nhà bạn chơi. Khu phố mình ở vắng tanh như đêm 30 tết, mặc dù mới chỉ 10g30 tối. Trong các ga tàu cũng không có nhiều người, kể cả những ga có nhiều khách du lịch như Charles de Gaulle Étoile cũng chỉ có 7 - 8 người đợi tàu, toa mình ngồi còn có 3 - 4 người, vắng hơn rất nhiều so với mọi hôm”.

Còn anh Trường Giang, sinh viên ĐH Paris 3 Sorbonne Nouvelle, không giấu giếm: “Từ sau vụ khủng bố, mình vẫn chưa bước ra khỏi nhà nửa bước”. Giang cho biết những bạn cùng nhà làm việc giao hàng đã phải chạy bở hơi tai vì quá đông người gọi đồ ăn về nhà, bởi không ai muốn ra ngoài.

Ngay cả với một người như chị Thanh An, công tác tại văn phòng đại diện Vietnam Airlines ở Paris, tâm trạng hoảng loạn và lo sợ là điều khó tránh khỏi. Chị bày tỏ: “Mình rất buồn khi sự việc xảy ra.

Còn nhớ trong sự kiện Charlie Hebdo, rất nhiều biện pháp giới nghiêm được đưa ra, vậy mà chỉ sau chín tháng, một sự kiện thảm sát lại diễn ra mà còn khủng khiếp hơn sự kiện trước.

Điều mình hi vọng nhất bây giờ là sẽ không bao giờ có một sự kiện như thế này xảy ra. Và nếu cần các biện pháp cứng rắn để đem lại an toàn cho người dân Pháp thì đó là điều nên làm”.

VIỆT ANH (từ Paris)

MỸ LOAN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp