Toàn cảnh dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point - Ảnh: AFP |
“Với kiểu này thì không còn là chuyện chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc để đổi lấy tiền nữa, mà là nhận tiền để đưa công nghệ Trung Quốc vào châu Âu |
Bà VÉRONIQUE LE BILLON (phó trưởng ban công nghiệp của báo Les Échos chuyên về kinh tế của Pháp) |
Báo chí Pháp đều dẫn những ngôn từ kiểu sững sờ, bất ngờ... để mô tả hoàn cảnh của ban lãnh đạo EDF ngày 29-7. Thật sự là họ vừa bỏ phiếu thông qua việc tham gia tiến hành dự án ở miền tây nam nước Anh mới một ngày trước đó.
London lắc đầu phút 89
Dự án này không hề xa lạ vì đã được bàn ở cấp chính phủ nhiều năm trước, nhưng cứ trì trệ vì không đủ tiền đầu tư.
Đến khi mọi chuyện ngỡ đã thông suốt để biến nó trở thành dự án điện hạt nhân có quy mô đầu tư lớn nhất thế giới trong thời gian gần đây, bỗng dưng mọi thứ đảo lộn và ban lãnh đạo EDF “đứng hình” như những thằng hề.
Chính phủ mới của Anh đã tuyên bố rằng họ cần thời gian cân nhắc thêm về dự án gây nhiều tranh cãi này.
Tối 28-7, Bộ trưởng Thương mại và năng lượng của Anh Greg Clark bất ngờ tuyên bố rằng chính quyền London sẽ “xem xét kỹ lưỡng” dự án và chưa đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 9 tới.
Thông báo qua báo chí đó đã khiến ban lãnh đạo EDF phải hoãn gấp chuyến bay đặc biệt sang Anh cùng nhiều chai sâmbanh ngon vào ngày 29-7, với niềm tin ký kết được hợp đồng khổng lồ với chính quyền Anh.
Tổng giám đốc EDF Jean-Bernard Lévy đã xác nhận với giới truyền thông hôm 29-7: “Quý vị biết rồi đấy, với chuyện hợp đồng thì chỉ có ký hoặc không và trong trường hợp này là không ký”.
Giải thích tạm thời của phía Anh được hiểu là chính quyền mới của nữ thủ tướng Theresa May muốn có thời gian để xem xét kỹ lại hàng ngàn trang tài liệu trong thỏa thuận sơ bộ về nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point, từng được ký kết ngay tại Anh hồi tháng 10-2015 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm London.
Dĩ nhiên tân chính quyền, tân chính sách. Giới quan sát không khỏi đặt câu hỏi về chính sách năng lượng của chính quyền mới ở London. Nếu họ cho rằng chiến lược năng lượng sắp tới không cần phụ thuộc nhiều vào điện hạt nhân thì dự án này có thể xếp vào ngăn kéo lần nữa.
Thật sự là dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới với hai lò phản ứng “thế hệ ba” EPR (viết tắt của European Pressurized Reactor - Lò phản ứng áp lực châu Âu) đã gặp nhiều chỉ trích những năm qua.
Dự án trị giá 24 tỉ USD này bị Văn phòng kiểm toán quốc gia của Anh chê là đắt, do đánh giá thấy thị trường giá điện đang trong đà giảm sút và như thế thì tiền ngân sách nước này sẽ phải bảo trợ đảm bảo cho nhà đầu tư EDF không bị lỗ rất cao, dự tính khoảng 35 tỉ euro!
Ngán “anh” Trung Quốc
Ngay cả sự tham gia tài chính của phía Trung Quốc thông qua Tập đoàn Năng lượng hạt nhân CGN của nhà nước, với sự đảm bảo bằng thỏa thuận tham gia tài chính nhân chuyến thăm của ông Tập tại London vào năm ngoái cũng là lý do khiến dự án bị đình trệ.
Người ta đoán già đoán non rằng phía chính quyền bà May “câu giờ” bất ngờ vì chánh văn phòng của thủ tướng là ông Nick Timothy đã không ít lần thể hiện thái độ chống lại sự hiện diện của Trung Quốc trong lĩnh vực hạt nhân ở Anh.
Tháng 10 năm ngoái, trên trang ConservativeHome chuyên về các ý kiến của bên Đảng Bảo thủ Anh, ông Nick Timothy đã viết về dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point như sau: “Các chuyên gia an ninh, theo ý kiến nhiều người ở cả trong và ngoài chính phủ (Anh), đều lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng vai trò của họ để tạo ra những lỗ hổng trong hệ thống máy tính, từ đó sẽ cho phép họ có thể đánh sập việc sản xuất năng lượng của Anh bất cứ lúc nào nếu muốn”.
Hẳn hiểu tình hình mới này, Tập đoàn CGN của Trung Quốc - đối tác đầu tư của EDF - đã viết trên mạng xã hội Weibo của nước này hôm 29-7:
“Chúng tôi hiểu rằng xét theo tầm quan trọng về chính sách an ninh năng lượng tương lai của Anh, Chính phủ Anh cần có thêm thời gian tìm hiểu về dự án này. Chúng tôi thấu hiểu và tôn trọng điều đó”.
Có một điều đáng nói nữa là dự án Hinkley Point gặp phản đối ngay trong nội bộ ban lãnh đạo của EDF, tập đoàn mà chính phủ nắm quyền chi phối với 85% cổ phần.
Ngày 28-7, ông Gérard Magnin - đại diện của chính phủ nằm trong hội đồng quản trị EDF - đã từ chức ngay trước khi hội đồng này bỏ phiếu thông qua việc tham gia dự án.
Trên tờ nhật báo Parisien, ông tiết lộ rằng “một số thành viên trong hội đồng quản trị phải bỏ phiếu thuận cho dự án với áp lực bị gí súng sau lưng” và dự án này sẽ “ảnh hưởng đến tương lai tập đoàn trong 30 năm tới”.
Hồi tháng 3-2016, nhân vật quyền lực số 2 của EDF là Thomas Piquemal, giám đốc tài chính, cũng đã từ chức khi tuyên bố dự án này sẽ dẫn tập đoàn đến chỗ chết!
Việc EDF gọi đầu tư từ Trung Quốc cũng bị chỉ trích dù tình thế buộc phải như vậy, do các ông chủ giàu có ở vùng Vịnh không mặn mà đầu tư vào điện hạt nhân.
Đổi chác cho thương vụ này (phía Trung Quốc bỏ tiền cho 1/3 tổng đầu tư dự án Hinkley Point), CGN có được lời hứa của EDF hỗ trợ xây dựng lò phản ứng thế hệ ba Hualong do Trung Quốc phát triển và lò này sẽ được đặt tại Bradwell ở miền đông nam nước Anh, trên mảnh đất mà chi nhánh EDF Energy đang kinh doanh tại Anh.
Đây là cách các tập đoàn nhà nước Trung Quốc muốn đặt dấu ấn công nghệ hạng nặng của mình lên châu Âu. Theo mức đầu tư của dự án, “phần hùn” của Trung Quốc vào khoảng 10 tỉ euro.
Nếu dự án khép lại thì tập đoàn điện lực của Pháp sẽ mất khoảng 3 tỉ euro cho nghiên cứu tiền khả thi mấy năm qua. Và vụ việc có thể dẫn đến những hệ quả chính trị...
Dự án của 10 năm Dự án thầu xây dựng lò phản ứng tại Hinkley Point do thủ tướng Tony Blair gợi ý và khởi xướng năm 2006. Vị thủ tướng của Anh gợi ý cho Tập đoàn EDF của Pháp mua lại quyền khai thác Công ty British Energy do nhà nước nắm cổ phần phần lớn, nhằm thay thế tám nhà máy điện hạt nhân của công ty này bằng những lò EPR. Dự án Hinkley sẽ là dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Anh trong 20 năm qua và được kỳ vọng cung cấp năng lượng trong vòng 60 năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận